Y Can mở hướng làm giàu
- Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2016 | 11:38:07 AM
YBĐT - Những năm qua, bằng việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phong trào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Y Can, huyện Trấn Yên đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi cho hiệu quả cao.
Mô hình nuôi gà thịt của anh Đào Minh Tuấn, thôn Thắng Lợi, xã Y Can cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Có tiếng là người chịu khó, anh Đào Minh Tuấn ở thôn Thắng Lợi còn được nhiều người biết đến vì năng động, mạnh dạn làm giàu với việc sản xuất gạch. Tuy nhiên, cơ duyên đến và gắn bó lâu dài với anh lại chính là con gà. Anh Tuấn cho biết: “Trước đây, trong quân ngũ, tôi cũng biết nhiều cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn ở các địa phương. Sau khi xuất ngũ, lập gia đình, tôi vẫn nung nấu ý định nuôi gà. Song, do điều kiện kinh tế còn eo hẹp nên tôi chưa thể thực hiện được. Sau khi có chút vốn liếng, tôi đã làm nghề ván bóc nhưng việc tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi nên đến năm 2011, gia đình tôi chuyển sang nuôi gà và thành công từ đó”.
Lặn lội vào tận Bình Định để tìm mua 3.000 con gà giống Minh dư về nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi từ khâu chọn con giống, phòng chống dịch bệnh nên đàn gà của gia anh Tuấn phát triển khỏe mạnh. Lứa gà đầu tiên xuất bán thu gần 100 triệu đồng. Thành công đó đã thôi thúc anh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lớn hơn. Có thêm chút vốn liếng cộng với số tiền tích lũy từ trước, năm 2013, anh Tuấn mua gom, cải tạo những diện tích đồi rừng của người dân trong thôn để trồng 500 gốc cây thanh long ruột đỏ, đào 1 ha ao thả cá và mua xe ô tô tải để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của gia đình. Bình quân mỗi năm, anh Tuấn nuôi 2 lứa gà, mỗi lứa từ 5.000 - 6.000 con gà.
Mỗi năm trừ chi phí, anh có thu nhập trên 700 triệu đồng. Năm nay, anh Tuấn còn đầu tư khoảng 300 triệu đồng để nuôi thêm giống ngan sao bản địa, bởi theo anh thì nhu cầu người dân đang hướng về các loại gia cầm truyền thống, chất lượng. Đồng thời, anh sẽ mở rộng quy mô hơn nữa theo hình thức trang trại tổng hợp để tạo việc làm cho lao động trong thôn lúc nông nhàn.
Gia đình anh Lê Xuân Cường, thôn Quyết Thắng cũng vậy. Ý chí và khát vọng làm giàu đã thôi thúc anh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự trở về, năm 2013, anh Cường đã vay được hơn 140 triệu đồng để mua đất gò đồi và bắt tay vào lập nghiệp bằng việc nuôi gà thả vườn. Do chưa có kinh nghiệm nên lứa gà đầu tiên bị dịch bệnh, anh mất trắng.
Không chịu lùi bước, anh tìm đọc sách báo để nắm bắt kỹ thuật nuôi gà và vừa làm vừa học hỏi các hộ dân đi trước, vậy là lứa gà thứ 2 đã mang lại cho anh thành công ngoài mong đợi. Anh cũng nuôi giống gà Minh Dư, bởi giống gà này chất lượng thịt ngon hơn, giá gà thịt rẻ hơn các loại gà khác từ 8 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng/kg, được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm 2 lứa khoảng 4.000 con gà, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh là 150 triệu đồng.
Đầu năm 2016, anh Cường đầu tư thêm 2 lợn nái để nhân giống, mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình và đầu tư cải tạo diện tích 3.000 m2 mặt nước để nuôi cá. Đồng vốn còn hạn hẹp, nên anh Cường phải vay thêm 300 triệu đồng với lãi suất cao để đầu tư. Tuổi trẻ phải có khát vọng làm giàu! Đó là điều mà anh Cường luôn tâm niệm để không ngừng vươn lên. Song, điều trăn trở của anh hiện nay là mong muốn các cấp, các ngành cần có cơ chế để người dân được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, nhất là đầu tư cho chăn nuôi.
Hiện nay, xã Y Can có gần 37.000 con gia súc, gia cầm; trong đó, đàn trâu, bò 529 con, đàn lợn 3.500 con, gia cầm các loại 32.250 con; tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt gần 200 tấn; có 14 mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Để đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh cũng được xã đặc biệt quan tâm.
Bà Trần Thị Thu - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để khuyến khích các hộ chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, hình thành chuỗi liên kết từ khâu chọn giống và tìm thị trường đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, đầu tháng 8 năm 2016, xã đã vận động 14 hộ chăn nuôi quy mô lớn thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi. Mỗi hộ sẽ đóng 5 triệu đồng/năm lập quỹ hội để hỗ trợ nhau về vốn, con giống những lúc gặp khó khăn, rủi ro, tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các hộ chăn nuôi; đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi khác tích cực tham gia vào Tổ hợp tác chăn nuôi để được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nhân rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả hơn”.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, xã cũng chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, thú y cho người dân, lựa chọn con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; vận động các hộ chăn nuôi với quy mô lớn làm tốt công tác vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức trong chăn nuôi. Đồng thời, xã cũng kiến nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi một cách bài bản, khoa học hơn.
Thanh Tân
Các tin khác
Ngày 27/9, ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở tại Washington DC, Mỹ đã nhất trí bổ nhiệm lại ông Jim Yong Kim vào cương vị Chủ tịch WB nhiệm kỳ 2.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
YBĐT - Huyện Văn Chấn có diện tích rừng trên 70.000 ha, trong đó có hơn 47.606 ha rừng tự nhiên, nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Đội Quản lý thị trường (QLLT) số 6 (Chi cục QLTT tỉnh) vừa tiêu hủy các mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc như gậy nhựa, đèn quang, mặt nạ nhựa…