Chào mừng Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái lần thứ II:

Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái: Đứng vững trên thương trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/10/2016 | 1:56:18 PM

YBĐT - Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái bắt đầu chuyển đổi mô hình sở hữu từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm nông sản thực phẩm, chế biến tinh bột sắn, tinh dầu quế, sản xuất giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu.

Dây chuyền chế biến giấy vàng mã của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Dây chuyền chế biến giấy vàng mã của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.

Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy Giấy Yên Bái được thành lập năm 1972. Đến năm 1994 đổi tên là Công ty Chế biến lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái. Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Công ty bắt đầu chuyển đổi mô hình sở hữu từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm nông sản thực phẩm, chế biến tinh bột sắn, tinh dầu quế, sản xuất giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường trong khi chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất vẫn ở mức cao, nhưng bằng chiến lược phát triển đúng đắn, khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu Công ty đã ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thương trường, trở thành thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng lâm, nông sản.

Hiện nay, Công ty có 8 nhà máy sản xuất, trong đó có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn huyện Văn Yên; 4 nhà máy sản xuất giấy đế tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; 2 nhà máy gia công vàng mã xuất khẩu tại thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình; 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế ở huyện Văn Chấn.

Có thể nói, cũng như nhiều doanh nghiệp khác khi tách ra khỏi “bầu sữa mẹ”, Công ty gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã có những giải pháp tích cực và phù hợp, lãnh đạo, chỉ đạo Công ty hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra.

Để đứng vững trên thương trường và thu hút được khách hàng, Công ty đã chủ động đầu tư, hiện đại hoá công nghệ sản xuất bằng hệ thống thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của Hà Lan, Đài Loan. Bên cạnh đó, với đặc điểm là doanh nghiệp chế biến lâm, nông sản thực phẩm, nguồn nguyên nhiên liệu của các nhà máy đều là sản phẩm của nông dân nên Công ty luôn xác định phải đảm bảo lợi ích hài hòa của Công ty với người nông dân.

Công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu như: sửa chữa đường dân sinh, hỗ trợ canh tác sắn bền vững, hỗ trợ cây quế giống cho đồng bào vùng nguyên liệu quế huyện Văn Chấn... trị giá hàng tỷ đồng. Cùng với đó, thông qua việc thu mua nguyên liệu với giá cao để người nông dân có lãi, cơ chế thu mua hợp lý, thủ tục nhanh gọn, nhờ đó đã giúp người nông dân yên tâm đầu tư trồng mới vùng nguyên liệu để ổn định về diện tích và sản lượng cho các nhà máy.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí đầu tư, Công ty luôn khuyến khích cán bộ, công nhân viên không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra các giải pháp làm lợi và đi kèm với đó là chính sách khen thưởng hợp lý. Đến nay, đã có 5 sáng kiến cải tiến được áp dụng làm lợi cho Công ty trên 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Trinh - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Để đứng vững trên thương trường, Công ty xác định tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ sản xuất mới có thể phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong sản xuất, luôn quan tâm thực hiện các chế độ với người lao động. Nhờ vậy họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp”.

Nhờ có chiến lược kinh doanh hợp lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn phát triển vững chắc, các sản phẩm chủ lực của Công ty như tinh bột sắn, giấy đế, giấy vàng mã... ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Tính riêng 9 tháng của năm 2016, Công ty đã đạt doanh thu 225 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 700 người, trong đó 400 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc tập trung phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội góp phần không nhỏ cùng chính quyền địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong những năm qua, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái được Nhà nước, Chính phủ và UBND tỉnh Yên Bái tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2013, tập thể cán bộ công nhân viên và cá nhân ông Trần Công Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2014, Công ty được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc; năm 2015 Công ty được UBND tỉnh Yên Bái tặng Cờ thi đua xuất sắc và đề nghị Chính phủ tặng bằng khen...

 Văn Thông

Các tin khác
Công nhân Công ty cổ phần Ypharco Yên Bái đóng gói sản phẩm.

YBĐT - Công ty Dược phẩm Yên Bái là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Công ty và Xí nghiệp Dược phẩm tỉnh Yên Bái. Tháng 1/2003, thực hiện chủ trương của Nhà nước, Công ty đã cổ phần hóa chuyển thành Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái (Ypharco Yên Bái).

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải làm thủ tục cho hộ nghèo xã Púng Luông vay vốn phát triển kinh tế.

YBĐT - Do phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội nhận ủy thác, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng, nên nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mù Cang Chải  chỉ còn 62 triệu đồng, bằng 0,04%, thấp nhất trong hệ thống phòng giao dịch NHCSXH toàn tỉnh.

YBĐT - Trong những năm qua trung bình mỗi năm huyện Văn Yên trồng mới và trồng thay thế vào diện tích quế đã được khai thác được 1.600-1.800 ha.  Đến nay cây quế đã có mặt tại 27/27 xã, thị trấn của huyện với diện tích trên 40.000 ha, được coi là vùng chuyên canh sản xuất quế hàng hóa lớn nhất cả nước.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty Phát triển số 1 TNHH Một thành viên tỉnh Hải Dương.

YBĐT - Sau 5 năm đi vào hoạt động, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã kết nạp thêm 22 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 83 doanh nghiệp hội viên thuộc 5 hội trực thuộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục