Yên Bái tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Thị trường là động lực sản xuất
- Cập nhật: Thứ ba, 25/10/2016 | 7:06:48 AM
YBĐT - Trong quy hạch ngành, ngành nông nghiệp Yên Bái đã tập trung điều chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch các lĩnh vực có thế mạnh, các sản phẩm chủ yếu; quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn; bổ sung quy hoạch khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và quy hoạch vùng sản xuất công nghệ cao…
Người Mông xã Nà Hẩu (Văn Yên) thu hoạch đậu tương. (Ảnh: Sùng A Hồng)
|
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Yên Bái đã và đang rất tích cực triển khai nhất quán, đồng loạt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo ra sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thay đổi quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ, đúng trọng tâm để tạo ra chuỗi sản xuất hiệu quả chứ không chỉ dừng lại ở những cơ chế hỗ trợ.
Kết quả bước đầu
Sau hơn 9 tháng thực hiện, các chính sách gắn liền với Đề án chi tiết Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như tiến độ thực hiện.
Một số nội dung của Đề án đã đạt kết quả vượt nhiều lần so với kế hoạch đề ra như: Đề án phát triển chăn nuôi đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò nái 2.150/2.650 con, đạt 81% kế hoạch; triển khai hỗ trợ được 262/262 cơ sở chăn nuôi trâu bò tập trung, 128/90 cơ sở chăn nuôi lợn, 34/34 cơ sở chăn nuôi gà.
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, đã kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân đăng ký thực hiện 193/193 cơ sở nuôi cá lồng, 45/25 cơ sở nuôi cá eo ngách và 20/5 ha chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; đề án phát triển cây ăn quả có múi, đã phối hợp với Viện Rau quả Gia Lâm tổ chức cung ứng giống cho các huyện trồng được 435 ha/594 ha, đạt 73,2%, gồm: Trấn Yên 35 ha, Văn Chấn 220 ha, Yên Bình 100 ha, Lục Yên 80 ha; đề án phát triển cây quế đã trồng được 3.344 ha/2.642 ha, đạt 126,5% kế hoạch; đề án phát triển cây măng tre Bát độ, đã trồng 349,8/614 ha theo kế hoạch, chủ yếu tập trung ở huyện Trấn Yên, Lục Yên và Yên Bình.
Đề án phát triển cây sơn tra tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã triển khai trồng được 1.080 ha (huyện Trạm Tấu 600 ha, huyện Mù Cang Chải 480 ha); đề án phát triển chè vùng cao đã tổ chức trồng được 80/80 ha chè Shan tại huyện Văn Chấn, đạt 100% kế hoạch; đề án canh tác ngô vụ đông trên đất trồng lúa 2 vụ đã thu hoạch 4.000 ha kế hoạch.
Qua đó, góp phần cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất và được đánh giá là thắng lợi khá toàn diện. Các chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng nhóm cây trồng chính, đặc biệt là cây lương thực có hạt tăng đều và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực có hạt tăng mạnh, ước đạt 311.240 tấn, tăng 10.519 tấn so với năm 2015.
Tiến độ sản xuất nông nghiệp đến nay đã đáp ứng được kế hoạch. Lúa mùa đang được các địa phương khẩn trương thu hoạch. Cây vụ đông được tổ chức triển khai đồng bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn gieo trồng trong khung thời vụ đã xây dựng. Bên cạnh đó, thời gian qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành. Trong đó,
Các địa phương cần đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.
Hạn chế cần được tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu ở dạng hộ cá thể, hiệu quả chưa cao, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên thu nhập của người nông dân còn chưa bền vững. Người dân chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất hàng hóa và thực hiện việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất vẫn dừng lại ở mức độ thực hiện mô hình thí điểm, chưa nhân rộng ra các hộ khác để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Mặt khác, sản phẩm làm ra chủ yếu là tiêu thụ nội bộ, giá cả thị trường bấp bênh, đồng vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư chưa nhiều, việc thực hiện mối liên kết 4 nhà “Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông” chưa chặt chẽ và thiếu tính bền vững.
Tìm đầu ra cho sản phẩm
Trước thực trạng khó khăn về đầu ra cho nông sản, ngành nông nghiệp Yên Bái đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chủ động rà soát diện tích đất nông nghiệp, giới thiệu địa điểm, thực hiện nhanh chóng các thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp đã đầu tư vào Yên Bái, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn.
Cụ thể, với chính sách ưu đãi của tỉnh, Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam đã đầu tư 1.700 tỷ đồng vào chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Công ty TNHH Hòa Yên, thuộc Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư kinh phí hơn 220 tỷ đồng vào chăn nuôi lợn áp dụng theo công nghệ cao của Đan Mạch, với quy mô trên 10.000 con lợn giống.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ là điều kiện quan trọng để “hút” các nhà đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để giúp người nông dân, đơn vị sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Ngành đã thường xuyên tham gia, hỗ trợ các đơn vị sản xuất của tỉnh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tại các kỳ hội chợ nông nghiệp. Một số hội nghị xúc tiến thương mại do Sở tổ chức đã hình thành các hợp đồng, các thỏa thuận hợp tác, tiêu thụ sản phẩm có giá trị.
Đặc biệt là Hội nghị Xúc tiến thương mại gần đây với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có gần 40 đơn vị sản xuất, kinh doanh của hai bên tham gia. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, đã có trên 20 thỏa thuận hợp tác mua bán sản phẩm nông nghiệp được ký kết. Tuy nhiên, để giải quyết tốt đầu ra cho nông nghiệp, người nông dân trước tiên phải tạo được sản phẩm chất lượng và phù hợp với tín hiệu của thị trường.
Vì vậy, cần phải xây dựng quy hoạch gắn với việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức cho người sản xuất, nhất là ở các vùng trồng rau, chăn nuôi an toàn theo các tiêu chuẩn như VietGAP, ISO... cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cần được quan tâm, chú trọng.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Trong thời gian vừa qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các địa phương trong tỉnh xây dựng thương hiệu, quảng bá và cung ứng sản phẩm rộng rãi trên thị trường cả nước với chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Trong đó phải kể đến các sản phẩm lợi thế của tỉnh như: thủy sản từ hồ Thác Bà; măng tre Bát độ; sơn tra; miến đao; chè xanh đặc sản; tinh dầu quế, vỏ quế khô, gạo nếp, gà Lục Yên, lợn sạch vùng cao Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên…
Một số sản phẩm đặc thù được tiêu thụ khá tốt tại các thị trường ngoài nước như: măng tre Bát độ ở các nước Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc; chè đen tại các nước Trung đông, khu vực châu Phi; quế và các sản phẩm từ quế được tiêu thụ chủ yếu ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ; sắn xuất khẩu sang Trung Quốc; gỗ và các sản phẩm từ gỗ được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Tương lai gần, một số sản phẩm chè xanh đặc sản, quế của Yên Bái sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Âu mà trước mắt là nước Pháp theo chương trình hợp tác với Công ty chè Scopti tại tỉnh Val-de-Marne. Đó là những điểm nổi bật trong thương mại đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu giúp tỉnh xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, đảm bảo sản xuất nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của từng vùng; khuyến khích tích tụ ruộng đất vào những người sản xuất kinh doanh giỏi, quy hoạch lại ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trước mắt xây dựng cánh đồng một giống để sản xuất mang lại sản phẩm hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh đầu tư vào các địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết "4 nhà" để mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, cần thực hiện tốt các dịch vụ công trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp những thông tin về thị trường, khoa học công nghệ, các mô hình làm ăn có hiệu quả để phổ biến nhân rộng, giúp nông dân cùng học tập và áp dụng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân thay đổi tư duy sản xuất tự cung, tự cấp, quan tâm tìm hiểu và đón đầu thị trường để tránh tình trạng “cung” vượt “cầu”.
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiểu một cách đơn giản là xác định sản phẩm chủ lực và triển khai hệ thống các giải pháp từ khoa học, hạ tầng, nhân lực đến đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, cơ chế chính sách... để phát triển hiệu quả các sản phẩm chủ lực gắn liền với thị trường, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh đã bộc lộ những hạn chế như: nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn hạn hẹp, trong khi đó chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện tái cơ cấu còn máy móc, hiệu quả chưa cao; cũng còn một vài địa phương chưa thực sự triển khai quyết liệt, việc tổ chức thực hiện chưa có giải pháp đồng bộ. Mặt khác, một bộ phận nông dân do xuất phát điểm thấp nên tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp chưa đồng đều, dẫn đến sản xuất nông, lâm nghiệp ở một số vùng còn hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa cao.
9 tháng là quãng thời gian chưa phải là dài để khẳng định đối với một chủ trương, chính sách, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, nhưng những kết quả mang lại là khả quan đáng được ghi nhận. Song song với đó là sự thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao, đánh giá, nhận định kịp thời từ tỉnh đến cơ sở để tìm ra những mặt được và những hạn chế yếu kém để có những điều chỉnh phù hợp, chắc chắn Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ thành công.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có trên 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do cựu chiến binh (CCB) làm chủ. Ngoài ra, còn có trên 1.000 gia trại do CCB làm chủ và trực tiếp tham gia lao động sản xuất.
YBĐT - Nhằm tăng cường công tác đối thoại trực tuyến tạo cầu nối trao đổi hai chiều giữa chính quyền với nhân dân, từ 8 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút ngày 3/11/2016, Cổng Thông tin điện tử tỉnh (CTTĐT) tỉnh sẽ tổ chức cuộc đối thoại với chủ đề “Nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà - hướng đi phát triển bền vững” trên trang CTTĐT tỉnh giữa lãnh đạo huyện Yên Bình với nhân dân.
YBĐT - Hiện nay, tại khu vực thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng đang diễn ra hoạt động khai thác đá cảnh trái phép. Thời điểm ngày 21/10/2016, hàng chục người dân sử dụng các loại máy xẻ, máy khoan, máy mài lấy đường vào thôn Suối Lóp làm xưởng sơ chế đá trước khi vận chuyển ra ngoài tiêu thụ.
Thời gian vừa qua, thông tin nước mắm nhiễm asen đã gây nhiều hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện này cũng là bài học lớn cho giới truyền thông. Bên lề hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, đại biểu Nguyễn Văn Chiến đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.