Vụ nước mắm chứa asen: Báo chí cần rút kinh nghiệm khi thông tin
- Cập nhật: Thứ hai, 24/10/2016 | 5:45:43 PM
Thời gian vừa qua, thông tin nước mắm nhiễm asen đã gây nhiều hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện này cũng là bài học lớn cho giới truyền thông. Bên lề hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, đại biểu Nguyễn Văn Chiến đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến.
|
PV: Thưa đại biểu, xung quanh việc nước mắm nhiễm asen thời gian qua, Bộ Y tế đã công bố kết quả chính thức và khẳng định không phát hiện asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT. Ngay lập tức, báo chí đã vào cuộc để truyền thông tuy nhiên vẫn còn không ít lo ngại. Ông có nhận định gì về việc này?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như hiện nay, mỗi phát hiện liên quan tới bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng luôn nhanh chóng được các cơ quan báo chí đăng tải để xã hội được biết.
Bên cạnh các thông tin nhanh chóng, tích cực để người dân biết để định hướng sử dụng phù hợp, nhà sản xuất phải điều chỉnh để bảo đảm cơ chế thị trường… thì có một số thông tin khiến người tiêu dùng né tránh sản phẩm đó.
Vừa qua, có chuyện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đưa ra thông tin về nước mắm truyền thống có nhiễm asen. Thông tin này được báo chí đăng tải nhanh chóng. Cùng với việc thực tế môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, thông tin này đã tác động mạnh tới tâm lý của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với nước mắm, khi người dân nghe được thông tin này thì càng dẫn đến tâm lý hoang mang lo sợ, bởi đây là gia vị chủ yếu cho bữa ăn của người dân Việt.
Tuy nhiên, qua xem xét, đánh giá khoa học của Bộ Y tế cho thấy hàm lượng asen không gây tác hại cho người tiêu dùng. Tôi cho rằng các mẫu mà Bộ Y tế lấy đã đầy đủ, nhiều hơn nhiều so với mẫu mà VINASTAS đưa ra.
Kết luận này có thể lấy lại lòng tin, minh bạch hơn để bảo đảm cho sản phẩm nước mắm truyền thống của Việt Nam vốn trước đó đã bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch.
- Theo ông, các cơ quan truyền thông cần làm gì trong thời điểm này?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Theo tôi, trách nhiệm của cơ quan chức năng, báo chí truyền thông phải đăng tải mạnh mẽ hơn nữa những kết luận của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin chưa đầy đủ mà VINASTAS công bố cần có thông tin đầy đủ, rõ ràng, mạnh mẽ hơn để người dân thấy thông tin trước đây chưa rõ ràng thì giờ có thông tin rõ ràng tới người dân. Việc này sẽ lấy lại uy tín, thương hiệu, sản phẩm nước mắm truyền thống của Việt Nam, bảo đảm tâm lý của người dân, sự ổn định trong thị trường nước mắm cũng như người làm nghề sản xuất nước mắm.
- Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện bê bối liên quan tới nước mắm lần này có có tác động truyền thông và để lại hậu quả lớn. Theo ông, chúng ta cần có chế tài thế nào để xử lý triệt để vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Trước hết, chúng tôi nghĩ rằng vấn đề công bố thông tin có tác động xấu tới người dân thì trước hết các cơ quan chức năng có thẩm quyền, báo chí phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn đã xảy ra, đánh giá thông tin sẽ tác động xã hội theo chiều hướng thế nào.
Trong trường hợp thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng tới nhiều người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì cần phải có trách nhiệm hơn với thông tin mình đăng tải.
Mỗi một cơ quan khi đưa thông tin lên phương tiện truyền thông đều có quy định của pháp luật liên quan tới thẩm quyền, trách nhiệm của họ với thông tin mình nêu ra.
- Vậy sẽ phải xử lý cơ quan sai phạm như thế nào, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến: Cần chiếu theo những quy định quy phạm pháp luật có liên quan để điều chỉnh với cơ quan có thẩm quyền đưa ra thông tin đó.
Lớn hơn, phải rà soát quy định của pháp luật xem đã có có đầy đủ chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc có người lợi dụng phương tiện truyền thông đưa ra thông tin làm sai lệch, rối loạn thị trường để trục lợi cá nhân hoặc có mưu đồ xấu để gây tác hại mất ổn định trong vấn đề kinh tế xã hội…, từ đó có chế tài phù hợp.
- Xin cảm ơn đại biểu!
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Dù đã cơ bản khống chế được tình trạng sâu róm hại quế, song công tác phòng trừ sâu hại đang gặp một số khó khăn do địa hình cao và dốc, mật độ quế trồng dày... Cùng với đó, thời tiết nắng hanh hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu hại phát triển và bùng phát trở lại. Do vậy, các chủ rừng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra và thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ, tránh gây hại trên diện rộng.
Theo Tổng cục Hải quan, lộ trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia về các thủ tục tàu bay xuất nhập cảnh tại cảng hàng không là từ 1/1/2017 đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam và từ 1/3/2017 đối với các hãng hàng không khác.
Triển khai Quyết định 07/2016/QĐ-TTg về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 97/2016/TT-BTC (Thông tư 97) hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục miễn thuế thu nhập cá nhân với những trường hợp trên.
YBĐT - Hiện nay, thị trường kinh doanh, phát hành xổ số ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và một số huyện như: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, song hoạt động cờ bạc, lô đề bất hợp phát vẫn diễn biến khá phức tạp.