Dự án "Ngân hàng bò": Trao hy vọng cho người nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2016 | 8:19:39 AM
YBĐT - Qua 3 năm thực hiện, Dự án “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam hỗ trợ tại các huyện trong tỉnh Yên Bái đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, từ 277 con bò sinh sản ban đầu, nay đã có 57 bê con được sinh ra.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái trao bò cho các hộ thụ hưởng tại huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Ba)
|
“Ngân hàng bò”là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do Dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì và phát triển “ngân hàng” sống này. Ở Dự án “Ngân hàng bò”, mỗi hộ gia đình nghèo, hộ chính sách được trao tặng 1 con bò giống trị giá 8 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam.
Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 6 - 12 tháng tuổi, sau đó chuyển giao bê con cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo khác trong địa phương được trợ giúp.
Tại tỉnh Yên Bái, Dự án “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ triển khai ở 9 huyện, thị, thành phố với tổng số 277 con bò sinh sản, tổng kinh phí Dự án gần 2,7 tỷ đồng. Theo Hội CTĐ Yên Bái, sau hơn 3 năm thực hiện, từ 277 con bò giống ban đầu, đã có 57 bê con được sinh ra. Hiện tại, các gia đình đang chăm sóc bò tốt. Số bê con sẽ được bổ sung cho Dự án, tiếp tục được chuyển giao cho những hộ nghèo khác.
Năm 2013, Dự án được triển khai tại huyện Mù Cang Chải. Toàn huyện có 5 xã được hưởng lợi từ Dự án là: Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải, Khao Mang, Dế Xu Phình. Huyện được Hội CTĐ tỉnh hỗ trợ mua 112 con bò giống trao cho 112 hộ nghèo, tổng trị giá 1,295 tỷ đồng; trong đó, Trung ương Hội và tỉnh Hội hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, còn lại 195 triệu đồng vận động nhân dân đóng góp.
Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án, đàn bò đã sinh sản được tổng số 47 con bê con; trong đó, 26 con bê đực và 21 con bê cái. Hội CTĐ huyện đã bàn giao 5 con bê cho các hộ hưởng lợi khác ở xã Mồ Dề. Số bê còn lại, Hội CTĐ huyện sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị rà soát đàn bê cái đủ tuổi để bình xét chuyển giao cho hộ mới, số bê đực có kế hoạch bán lấy tiền mua bê cái và tiếp tục chuyển giao cho hộ khác.
Ông Vũ Văn Mạnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ huyện Mù Cang Chải cho biết: “Để Dự án đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng, việc bình xét các hộ dân đã được triển khai nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, không xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết tại cộng đồng dân cư. Sau khi nhận bò, Ban Quản lý Dự án phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các gia đình làm chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống. “Ngân hàng bò” mang niềm vui, niềm hy vọng cho các hộ nghèo, góp phần khẳng định thành công của Dự án”.
Gia đình anh Vàng A Nù ở bản Mồ Dề, xã Mồ Dề là một trong các hộ được hưởng lợi từ Dự án. Gia đình anh Nù thuộc diện hộ nghèo trong xã, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng, muốn mua con trâu, con bò về nuôi, phát triển kinh tế gia đình cũng khó, vì tiền bỏ ra để đầu tư mua con giống quá lớn so với điều kiện kinh tế gia đình. Năm 2013, qua bình xét, gia đình anh được Hội CTĐ huyện giao 1 con bò giống trong Dự án “Ngân hàng bò” về nuôi, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản.
Sau hơn 1 năm nuôi và chăm sóc, niềm vui đã đến với gia đình anh Nù khi bò đã sinh 1 bê con, gia đình anh đã bàn giao bê con cho Ban Quản lý Dự án “Ngân hàng bò” của xã để tiếp tục bàn giao bê con cho hộ gia đình nghèo khác. Giờ đây, con bò giống đã thuộc quyền sở hữu của gia đình anh. Anh Nù sẽ chăm sóc để bò giống tiếp tục đẻ, mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình và tăng thu nhập. Dự án "Ngân hàng bò" là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân. Đây sẽ là một giải pháp giúp đồng bào Mông Mù Cang Chải vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Trong rất nhiều các giải pháp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội đưa ra, huyện Văn Chấn đã đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội.
YBĐT - Nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có khí hậu trong lành, mát mẻ, bốn mùa mây phủ, nên được ví như một Sa Pa của Yên Bái. Không chỉ có vậy, nơi đây còn có trên 3 vạn gốc chè cổ Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, khi thu hoạch phải leo lên hái. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước từ rất lâu.
Chính phủ vừa ban hành quy định hướng dẫn thi hành một số điều Luật giá, theo đó Bộ Công thương sẽ đảm nhận chức năng quản lý giá với mặt hàng này thay Bộ Tài chính.
YBĐT - Lùng Cúng và Phình Ngài là hai bản xa nhất của xã Nậm Có nằm trên đỉnh núi Lùng Cúng. Gọi là bản nhưng nhà ở của bà con nằm trên chừng núi và thưa thớt, nhà cách nhà vài trăm mét, thậm chí có nhà cách vài cây số.