Văn Chấn thêm mùa quả ngọt
- Cập nhật: Thứ tư, 30/11/2016 | 8:18:14 AM
YBĐT - Thời điểm này, một số loại cây ăn quả có múi ở huyện Văn Chấn đã bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, tuy thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất một số vùng cam, quýt lại tăng hơn so với các năm trước và được giá, đã giúp nhiều hộ dân thu nhập cao.
Nhiều hộ dân ở Văn Chấn đã có thu nhập cao từ cây ăn quả có múi.
|
Thị trấn Nông trường Trần Phú có khoảng 400 ha cam, quýt các loại, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 2.000 tấn quả. Thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh, thị trấn đã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Để nâng cao sản lượng và chất lượng cây ăn quả, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển diện tích cây ăn quả có múi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc để nâng cao chất lượng. Mỗi năm, thị trấn cải tạo được 20 ha cây ăn quả có múi các loại, chủ yếu là cam, quýt. Các giống đưa vào trồng cải tạo chủ yếu là cam V2, cam đường canh và cam Valencia”.
Ở thị trấn Nông trường Trần Phú đã có hơn nửa số hộ dân có thu nhập chính từ cây cam, trong đó có khoảng 100 hộ có thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Là hộ có thâm niên trồng cam, ông Đỗ Văn Bản ở tổ dân phố 8 được nhiều người biết đến như là hộ tiên phong trong việc trồng cam. Với trên 1 ha, chủ yếu là quýt sen và cam sành, vụ quả năm 2015, ông thu về 20 tấn quả, với giá bán bình quân quýt sen, cam sành dao động từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg, cam đường canh dao động từ 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 250 triệu đồng.
Anh Phạm Xuân Thắng ở tổ dân phố 8 cũng vậy, được hỗ trợ kinh phí theo Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh, anh đã cải tạo 4 ha vườn tạp sang trồng cam, quýt các loại, sản lượng bình quân từ 30 đến 40 tấn/năm, thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng.
Không riêng gì thị trấn Nông trường Trần Phú mà diện tích cây ăn quả có múi đã được phát triển mạnh ra các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn. Là xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn, theo kế hoạch giao, giai đoạn 2016 - 2020, xã Bình Thuận phấn đấu trồng mới 150 ha cây ăn quả có múi các loại.
Mặc dù diện tích cây ăn quả có múi của xã Bình Thuận hiện chỉ có gần 43 ha, song xác định đây là cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, vì vậy, những năm qua, xã đã tập trung quy hoạch để phát triển cây ăn quả tập trung tại các thôn: Khe Mười, Đát Tờ, Đồng Chằm, Rịa 1, Rịa 2.
Ông Hoàng Văn Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Trên cơ sở diện tích quy hoạch của từng thôn và diện tích đăng ký trồng mới của từng hộ dân, xã đã có văn bản gửi huyện Văn Chấn để xin kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có múi. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn các hộ dân trồng mới về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh”.
Ông Nguyễn Duy Mạnh, thôn Khe Mười ban đầu trồng chè thấy hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, thấy người dân trồng cam, quýt cho giá trị kinh tế hơn, ông đã mạnh dạn đưa giống cam quýt vào trồng.
Hiện nay, gia đình ông có 1 ha chủ yếu là cam sành, quýt sen. Vụ quả năm ngoái ông thu trên 10 tấn, trừ chi phí còn cho thu lãi gần 200 triệu đồng và vụ quả năm nay có lẽ sẽ khá hơn năm ngoái.
Dự định 5 năm tới, gia đình ông Mạnh sẽ mở rộng thêm diện tích để trồng cam đường canh, bởi giá trị kinh tế của cam đường canh cao hơn quýt sen và cam sành. Gia đình ông Nguyễn Duy Hạnh và Nguyễn Duy Đềm, thôn Khe Mười cũng nhờ cam, quýt mà cuộc sống trở nên khá giả hơn.
Trong những năm qua, xác định cây ăn quả là loại cây nông nghiệp chính để phát triển kinh tế, các địa phương vùng ngoài của huyện Văn Chấn đã tăng cường đầu tư quy hoạch vùng chuyên canh. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn đạt 2.000 ha. Trong đó, trên 650 ha cam, quýt, chủ yếu là giống cam sành, đường canh có giá trị kinh tế cao, sản lượng quả đạt trên 6.000 tấn/năm.
Thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả có múi giai đoạn 2016 - 2020, huyện Văn Chấn sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn vùng ngoài, mở rộng và trồng mới 1.455 ha cam, quýt.
Đề án hỗ trợ một lần cho hộ gia đình tham gia trồng mới là 20 triệu đồng/ha; hỗ trợ một lần cho nhóm hộ tham gia trồng mới là 10 triệu đồng/ha, tối đa không quá 100 triệu đồng/nhóm hộ; mục tiêu nâng sản lượng quả tươi lên 15.000 - 20.000 tấn mỗi năm, tổng thu nhập đạt 300 tỷ đồng/năm.
Để nâng tầm giá trị của cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, quýt, bà con đang tập trung đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa như: cam đường canh, cam sành, cam chanh và tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cam Văn Chấn; xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiệu quả từ việc trồng cây ăn quả có múi đã từng bước đưa người dân địa phương tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống, góp phần giải quyết số lượng lớn lao động tại địa phương.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Những hộ dân chăn nuôi bò từ 10 con trở lên, nuôi lợn từ 100 con trở lên, nuôi gà từ 1.000 con ở xã Hán Đà đều đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.
YBĐT - Bỏ vị trí Giám đốc Công ty máy tính Yên Hà có trụ sở tại thành phố Yên Bái, hiện Nguyễn Ngọc Linh là chủ trang trại 1.500 con gà Đông tảo ở thôn 2, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường vừa cho biết đến thời điểm này, đã có 23 trạm thu phí BOT trên toàn quốc thực hiện việc giảm phí đường bộ.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều tỉnh, thành đã triển khai tiêu thụ mặt hàng xăng sinh học E5, dự kiến đến tháng 6/2017, sẽ thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng sinh học E5.