Văn Chấn: “Cú huých” từ một đề án

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 8:18:55 AM

YBĐT - Những năm qua, thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp… Cùng với đó, giờ đây, cam, quýt đang là một trong những cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả cao trong phát triển sản xuất.

Cây cam, quýt đã được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, trồng đại trà vào khoảng năm 2000 tại các xã vùng ngoài của huyện. Đến nay, diện tích cây cam, quýt đã được mở rộng với 1.045 ha, diện tích kinh doanh là 633 ha, chủ yếu là giống cam sành, cam Vinh, quýt sen, cam V2, cam Đường canh, cam Valencia… sản lượng đạt 6.615 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Qua thực tế canh tác cho thấy, cây cam, quýt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Diện tích cây cam, quýt không ngừng tăng lên, hàng năm, có tới hàng trăm tấn cam, quýt bán ra thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn do như: sản phẩm làm ra chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; công tác chăm sóc, bảo vệ vườn cam chưa được chú trọng, tuổi thọ cây thấp và dễ nhiễm bệnh; năng suất và chất lượng chưa cao, hình thức mẫu mã quả chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Xuất phát từ thực tế trên, để sản phẩm cam, quýt có giá trị kinh tế cao hơn và đứng vững trên thị trường cần phải phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung bền vững, chúng tôi đã triển khai thực hiện Đề án “Phát triển vùng cam, quýt các xã, thị trấn vùng ngoài của huyện Văn Chấn, giai đoạn 2016 - 2020”.

Thị trấn Nông trường Trần Phú hiện là một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện với gần 400 ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 2.000 tấn.

Ông Phạm Văn Thành - Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: “Xác định đây là loại cây mũi nhọn trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân địa phương. Chúng tôi đã chỉ đạo nhân dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam với những giống chất lượng cao".

"Thời gian gần đây, bà con đưa vào trồng một số giống cam mới vào trồng trên địa bàn. Thời gian tới, thị trấn tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất cam theo Đề án của huyện. Hơn thế, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với một số đơn vị, tổ chức để xây dựng thương hiệu cam sành Văn Chấn” - ông Thành nói.

Cũng như thị trấn Nông trường Trần Phú, nhiều xã cũng có diện tích lớn như: Minh An 170,2 ha, Cát Thịnh 68,6 ha, Thượng Bằng La 192,3 ha, Tân Thịnh 98,7 ha và Nghĩa Tâm 291,2 ha. Đến nay, thực hiện Đề án mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng. Huyện đã lựa chọn được vườn ươm 3.000 m2 tại thị trấn Nông trường Trần Phú để bố trí quy hoạch vườn ươm cam, quýt. Trong khi đó, diện tích đất được nghiệm thu bảo đảm theo yêu cầu của Đề án là 261,96 ha với 426 hộ thực hiện.

Song song với đó, huyện đã phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau hoa quả thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức cung ứng 131.988 cây cam giống các loại với diện tích trồng 261,96 ha. Trong đó, giống cam Đường canh 6.922 cây, tương đương 11,54 ha; giống cam V2 là 39.728 cây, tương đương 66,21 ha; giống cam chanh Vinh (CS1) 85.338 cây, tương đương 142,23 ha.

Đến nay, nhân dân đã trồng xong và cơ bản đang sinh trưởng, phát triển tốt. Khi Đề án được thực hiện đến năm 2020 sẽ hình thành vùng trồng cam quýt tập trung, có chất lượng với diện tích 2.500 ha, sản lượng đạt 15.000 - 20.000 tấn, đáp ứng cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, ước tính với giá bán trung bình 20 triệu đồng/tấn, tạo ra giá trị hàng hóa khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định: “Đề án được triển khai thực hiện sẽ tạo ra sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Huyện quyết tâm đưa cam, quýt trở thành cây mũi nhọn, có giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn".

"Để phát huy những kết quả đạt được, huyện đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về: đất đai, cây giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, vườn cam, quýt, xây dựng nhãn hiệu, thị trường, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo kỹ thuật chuyển giao công nghệ, cơ chế chính sách...” - ông Hợp nói.

Trần Minh

Các tin khác
Đồng chí Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm. Trường hợp người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.

Giá xăng tăng thêm 300 đồng một lít từ 19h tối 5/12.

Giá xăng bán lẻ tăng 300 đồng một lít, trong khi các mặt hàng dầu cũng cộng thêm 163-275 đồng một lít, kg từ 19h tối 5/12.

YBĐT - Để phục vụ cho việc phát hành vé xổ số kiến thiết (XSKT) miền Bắc theo cơ cấu giải thưởng mới, Công ty XSKT Yên Bái đã chú trọng nâng cao chất lượng các đại lý; tuyển chọn, duy trì và khuyến khích các đại lý có doanh thu cao, ổn định, bán đủ các loại hình vé số…

Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức Chính phủ, bộ, ngành của Việt Nam cùng đông đảo các doanh nhân trong và ngoài nước.

2016 có thể coi là năm doanh nghiệp của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2016, sáng 5/12.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục