Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020
- Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 6:39:48 PM
YênBái - YBĐT - Chiều 6/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Yên Bái đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Yên Bái
|
Hội nghị do Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì.
Thực hiện sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu doanh nghiệp trong giai đoạn 2011- 2015, cả nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hóa 499 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp; giải thể 17 doanh nghiệp; phá sản 8 doanh nghiệp, bán, giao 10 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 doanh nghiệp.
Riêng trong 10 tháng của năm 2016 có 60 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó, cổ phần hóa là 48 doanh nghiệp.
Sau 15 năm sắp xếp lại, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Cụ thể, số lượng DNNN đã giảm từ khoảng 6.000 năm 2001 xuống còn 718 hiện nay.
Qua sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã thoái vốn nhà nước được trên 26.222 tỷ đồng, thu về trên 36. 537 tỷ đồng; giải quyết tốt chính sách đối với người lao động dôi dư; việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, số vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thoái ra thị trường vẫn còn rất thấp, chỉ đạt 8%, tức là vẫn còn 92% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011- 2015 đã hoàn thành cổ phần hóa Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Quản lý đường bộ I và II; hoàn thành cổ phần hóa 100% vốn Nhà nước tại 2 đơn vị là Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái và Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ; cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối với Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Yên Bái.
Qua sắp xếp, tỉnh Yên Bái đã xây dựng phương án giải quyết chế độ chính sách cho 203 lao động dôi dư với kinh phí chi trả 6,2 tỷ đồng, trong đó đã giải quyết xong chế độ cho 190 người với số tiền 5,7 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì ở những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng - an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Các doanh nghiệp này cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; được trao quyền chủ động hơn gắn với tăng cường trách nhiệm; được quản lý, giám sát chặt chẽ; công khai, minh bạch về hoạt động sản xuất, kinh doanh; bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 yêu cầu để DNNN hoạt động hiệu quả.
Thứ nhất, cổ phần hóa trước hết nhằm tạo môi trường minh bạch, có sự giám sát chặt sẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy hoạt động.
Thứ hai, khi tiến hành cổ phần hóa, quy mô khu vực kinh tế nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn Nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn.
Thứ ba, tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực phục vụ tăng trưởng cao hơn.
Theo đó, lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước như năng lượng, lương thực, quốc phòng, ngân hàng thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra để tạo điều kiện để tư nhân hoạt động.
Thủ tướng cũng nêu các nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn 2016 - 2020, đó là: phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; phải xác định danh mục doanh nghiệp với tỷ lệ giữ vốn, cụ thể doanh nghiệp nào giữ 100%, doanh nghiệp nào rút vốn, tỉ lệ rút vốn; lành mạnh hóa hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình cổ phần hóa.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện cổ phần hóa với phương châm bộ nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý, không làm thì phải thay đổi.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Huyện vùng cao Mù Cang Chải vừa giới thiệu tại Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm nay 25 sản phẩm đặc sản được người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh biết đến.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định giao Bộ NN-PTNT xuất cấp (không thu tiền) 2.016 tấn hạt giống lúa; 325 tấn hạt giống ngô và 58 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 9 tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến khoảng 230.000 tỷ đồng, do đó việc xây dựng phương án huy động vốn đầu tư cho dự án là vấn đề trọng tâm.
Thêm một cuộc trò chuyện về khởi nghiệp có hàng trăm bạn trẻ tham dự. Một tập đoàn công bố sẽ đầu tư 2 triệu USD cho các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam.