Nông nghiệp Yên Bái: Một năm nhiều thắng lợi

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/12/2016 | 8:08:56 AM

YBĐT - Năm 2016 đang dần khép lại, đánh dấu thêm một năm sản xuất nông nghiệp giành nhiều thắng lợi, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển.

Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2016 đạt trên 309.800 tấn, bằng 108,7% kế hoạch. (Ảnh: Đặng Phương Lan)
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2016 đạt trên 309.800 tấn, bằng 108,7% kế hoạch. (Ảnh: Đặng Phương Lan)

Cái được lớn nhất phải kể đến việc áp dụng nhanh các giống tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên diện tích, năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt không ngừng được tăng lên. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 309.800 tấn/285.000 tấn, bằng 108,7% kế hoạch. Không chỉ có vậy mà còn hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha, vùng sản xuất ngô hàng hóa 15.000 ha, trong đó có trên 3.000 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa nương sang trồng ngô. Đối với phát triển cây ăn quả, hình thành được các vùng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) trên địa bàn tỉnh với diện tích trên 2.000 ha.

Tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ, phục tráng và phát triển cây ăn quả đặc sản theo các vùng sinh thái (bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam quýt huyện Văn Chấn và Lục Yên...); đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã tạo ra một hướng đi mới cho đời sống và sản xuất của đồng bào vùng cao, khi đây vừa là cây cho quả có giá trị kinh tế cao vừa có tác dụng là rừng phòng hộ.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển không ngừng, các chỉ tiêu nhà nước về đầu đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng đều tăng so với cùng kỳ và đạt vượt mức kế hoạch đề ra. Qua đó, từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống khu vực nông thôn.

Tổng đàn gia súc chính năm 2016 (trâu, bò, lợn) đạt 679.131 con, tăng 5,53% so với cùng kỳ (tăng 35.612 con), bằng 102,46% so với kế hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc, gia cầm đạt 42.393 tấn, tăng 8,03% so với cùng kỳ, đạt 105,19% so với kế hoạch. Đặc biệt, đã có sự chuyển đổi mạnh từ tập quán chăn nuôi quảng canh, quy mô nhỏ lẻ nay đã có trên 300 cơ sở chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 10 con trở lên, trên 670 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 50 - 100 con.

Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án, đề tài khoa học nghiên cứu các đối tượng giống mới như: nuôi thương phẩm cá tầm, cá trắm đen, cá nheo Mỹ, cá lăng đen, nuôi cá bỗng sinh sản..., qua đó nuôi trồng thủy sản có nhiều chuyển biến, từ chỗ người dân trước kia mới chỉ nuôi cá quảng canh phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên nay đã đi vào nuôi cá thâm canh có sự đầu tư thức ăn công nghiệp.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại các địa phương vùng ven hồ Thác Bà, nhiều hộ đã biết tận dụng lợi thế mặt nước để đầu tư nuôi cá bằng hình thức quây lưới tại các eo ngách với quy mô 1 - 3 ha. Cùng với việc nuôi cá ao, hình thức nuôi cá lồng cũng đã phát triển trên các hồ, sông suối lớn như: sông Hồng, sông Chảy, hồ Thác Bà và một số hồ thủy lợi khác; toàn tỉnh hiện có trên 850 lồng nuôi cá (cá trắm cỏ, cá nheo, cá tầm, cá chiên...). Sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt 8.000 tấn.

Công tác trồng rừng và bảo vệ rừng cũng đã được chú trọng, toàn tỉnh đã trồng được 15.176 ha; tỷ lệ che phủ rừng năm 2016 ước đạt 62,5%. Sản lượng gỗ khai thác đạt trên 450.000 m3, 100.000 tấn tre, nứa, vầu và trên 4.000 tấn vỏ quế khô. Đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia và chất lượng cây giống ngày càng được quản lý chặt chẽ và nâng cao. Trước đây, cơ cấu cây trồng rừng chủ yếu là cây keo nay đang chuyển dịch từ những cây có hiệu quả kinh tế thấp sang những cây đa tác dụng hiệu quả kinh tế cao hơn như: quế, sơn tra...

Song song với phát triển vùng nguyên liệu, tỉnh đã chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản, đối với các lĩnh vực chủ yếu như: chế biến chè, chế biến gỗ, chế biến quế, chế biến sắn. Tiến hành rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến, đảm bảo các cơ sở phải có vùng nguyên liệu ổn định; chỉ đạo củng cố và nâng cấp các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, giảm các cơ sở chế biến nhỏ lẻ; thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các nhà máy, cơ sở chế biến sắn không bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 64 nhà máy chế biến chè đang hoạt động, trên 600 cơ sở chế biến gỗ, 8 cơ sở chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn.

Việc áp dụng máy móc, thiết bị phục vụ trong sản xuất nông nghiệp đã được các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quan tâm đầu tư, số lượng máy, thiết bị tăng nhanh qua các năm. Mức độ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đối với các cây trồng được cải thiện rõ rệt. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã giải phóng sức lao động thủ công của con người trong các khâu nặng nhọc như: làm đất, thu hoạch, vận chuyển, giúp người dân bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng được diện tích đất canh tác, đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn; tiết kiệm giống, phân bón, cải thiện chất lượng nông sản, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Dẫu vẫn còn nhiều việc phải làm, phải nỗ lực hơn nữa nhưng với những kết quả đã đạt được, nhất là kết quả thực hiện trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tiền đề quan trọng cho sản xuất nông nghiệp Yên Bái vươn lên trong tiến trình hội nhập và xây dựng nông thôn mới.   

Ngọc Trúc

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra diện tích trồng cây cao su tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Những cây cao su xanh rì, có chiều cao hơn 9m, vanh bình quân đạt 35 cm sẽ cho cạo mủ vào năm 2018, sớm hơn 1 năm so với dự kiến. Rồi đây, những dòng “vàng trắng” được thu hoạch sẽ là kết quả, là niềm vui của những người công nhân đã dồn bao nhiêu tâm huyết vào loại cây này.

Gần như chắc chắn tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường cả năm 2016 sẽ chính thức vượt qua mốc kỷ lục 300.000 chiếc.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường tháng 11/2016 đạt 28.442 chiếc, chỉ nhích nhẹ 1% so với tháng liền trước trong khi sụt giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

YBĐT - 5 đội thi với 40 cán bộ công nhân viên của Phòng bán hàng đã tham gia Hội thi “Tôi là người VNPT” do Trung tâm Kinh doanh VNPT - Yên Bái tổ chức ngày 10/12/2016.

YBĐT - Ngày 9/12, Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ VII (2015-2016) đã tổ chức họp xét giải thưởng Hội thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục