Yên Bái: Mùa đông giữ “đầu cơ nghiệp”
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2016 | 7:57:13 AM
YBĐT - Hàng năm, cứ vào mùa đông, ở các địa phương trong tỉnh lại xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét và tập trung ở các huyện vùng cao như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Năm nay, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc đã được các ngành, địa phương chủ động triển khai.
Nông dân xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đưa trâu về nhà để chăm sóc.
|
Mùa đông, người dân lại lo lắng bởi phải đối phó với những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia súc nói riêng. Điển hình, đợt rét đậm, rét hại lịch sử kèm băng tuyết đầu năm 2016, đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, chăn nuôi của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 23 - 29/1/2016 và đợt rét tháng 2 đã làm chết 1.727 con gia súc, trong đó có 680 con trâu, bò; 756 con bê, nghé; 7 con ngựa, 206 con dê và 78 con lợn. Nguyên nhân chính dẫn đến trâu, bò thiệt hại khi rét đậm, rét hại kéo dài là do tập quán thả rông gia súc, thiếu thức ăn cho gia súc; người dân còn chủ quan nên thiếu các biện pháp chăm sóc chu đáo.
Năm nay, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc đã được các ngành, địa phương chủ động triển khai. Ngay khi lúa mùa đang thu hoạch, chính quyền các địa phương đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.
Các huyện, thị chỉ đạo các phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm thú y tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu, bò. Lên huyện vùng cao Mù Cang Chải, đến các xã: Nậm Khắt, La Pán Tẩn được tận mắt chứng kiến việc phòng chống đói, rét cho gia súc của các hộ dân mới thấy bà con đã biết coi trọng và bảo vệ đàn gia súc trước mùa đông giá rét.
Anh Thào A Dê ở xã Nậm Khắt cho biết: “Đợt rét vào tháng 1 đầu năm, đã làm chết rất nhiều trâu, bò trong xã. Rút kinh nghiệm, năm nay, sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa, gia đình tôi đã lùa trâu về để nuôi nhốt, dự trữ rơm phòng chống đói cho gia súc. Hy vọng, 2 con trâu của gia đình không bị ảnh hưởng khi thời tiết rét đậm, rét hại”.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thào A Chù ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt cũng cho biết: “Được cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc trong mùa đông, nên gia đình tôi dự trữ rơm, chuẩn bị củi để sẵn sàng sưởi cho đàn trâu khi quá rét”.
Ông Lương Văn Thư - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để chủ động phòng tránh đói, rét cho gia súc, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc; các hội, đoàn thể, trưởng thôn, bản xuống từng nhà hướng dẫn, vận động bà con làm chuồng trại, che chắn và dự trữ thức ăn".
"Đến nay, toàn huyện có gần 100% số hộ chăn nuôi gia súc chủ động dự trữ được nguồn thức ăn; trên 80% số hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa có chuồng trại nuôi nhốt, không chăn thả gia súc khi thời tiết lạnh giá, sương muối. Năm nay, toàn huyện làm trên 200 cây rơm với tổng kinh phí 60 triệu đồng để dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông” - ông Thư nói.
Mặc dù công tác phòng chống đói rét đã được các địa phương tích cực triển khai, nhưng ở nhiều xã vùng cao, kinh tế còn khó khăn nên việc che chắn chuồng trại cho gia súc cũng như việc dự trữ cây rơm của các hộ dân còn hạn chế. Một bộ phận người dân còn coi nhẹ, không quan tâm đến việc chống rét cho trâu, bò nên mặc dù đã được phổ biến phương pháp chăm sóc gia súc nhưng vẫn không thực hiện.
Theo dự báo thời tiết, trong vụ đông xuân năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp; khả năng rét đậm rét hại và hạn hán dễ xảy ra. Để tránh những hậu quả đáng tiếc như đợt rét đầu năm, các địa phương cần tổ chức hướng dẫn phòng chống rét cho vật nuôi đến tận thôn, bản. Cán bộ ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật như: tổ chức tập huấn, phổ biến kinh nghiệm chống rét cho gia súc đến các hộ dân; chỉ đạo nhân dân xây dựng, gia cố, nâng cấp và che chắn chuồng trại đảm bảo chống rét, tránh mưa, gió lùa cho đàn gia súc và đảm bảo vệ sinh thú y.
Để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, các huyện, thị và bà con cần thu gom, dự trữ, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu, bò. Đối với các xã vùng cao, cần tổ chức đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại để tiện theo dõi và chăm sóc; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra thực hiện công tác phòng chống đói rét cho gia súc để gia súc, góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Đồng đất Nghĩa Lộ những ngày đông trải ngút ngàn tầm mắt màu xanh của rau. Cùng với hai vụ lúa, vụ đông đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác cho nông dân Nghĩa Lộ.
YBĐT - Để bảo vệ đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt, cùng với hướng dẫn phòng chống đói, rét của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đang có những cách làm hay, sáng tạo để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống đói, rét cho gia súc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát toàn diện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) bảo đảm khắc phục các bất cập, phù hợp với thực tiễn sản xuất trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội Xuân năm 2017.