Khao Mang: Hướng đi thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2016 | 8:31:21 AM

YBĐT - Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển chăn nuôi, thời gian qua, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa - đây được xác định là hướng đi thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Cứ A Vảng ở bản Háng Bla Ha A (bên phải) chăm sóc đàn bò.
Ông Cứ A Vảng ở bản Háng Bla Ha A (bên phải) chăm sóc đàn bò.

Đồng chí Sùng A Dinh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi, đất trồng lúa ít nên nguồn thu chính chỉ nhờ vào chăn nuôi và trồng cây lâm nghiệp. Với lợi thế có nhiều bãi chăn thả, thức ăn tự nhiên phong phú, đặc biệt là ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển chăn nuôi, xã đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho các gia đình. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống khá giả”.

Gia đình ông Vàng A Phình, bản Háng Bla Ha B là một điển hình trong việc thoát nghèo nhờ nuôi trâu. Cũng như các hộ dân khác trong bản, trước đây, gia đình ông chỉ nuôi từ 1 - 2 con trâu để làm sức kéo. Mấy năm gần đây, nhận thấy nuôi trâu cho giá trị kinh tế cao nên gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển đàn trâu. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, ông Phình đã trồng thêm ngô và gần 1.000 m2 cỏ voi để có thức ăn dự trữ cho trâu vào mùa đông. Hiện đàn trâu của gia đình ông đã có 10 con, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Gia đình ông Vàng A Trở, bản Nà Dề Thàng cũng vậy. Với lợi thế có bãi chăn thả rộng, do diện tích đồi rừng nhiều nên gia đình ông đã mạnh dạn vay tiền để tập trung nuôi trâu. Ông Trở cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chỉ nuôi 2 con trâu để làm sức kéo, hết mùa lại thả chúng trên đồi, không chú ý chăm sóc, đến mùa lại tìm về. Còn bây giờ cán bộ xã đến vận động, gia đình tôi đã làm chuồng trại để nuôi nhốt. Từ khi có đàn trâu, cuộc sống gia đình tôi cũng bớt khó khăn hơn”.

Hiện đàn trâu của gia đình ông Trở đã phát triển được 10 con. Dự định trong năm tới, ông tiếp tục nhân đàn để mở rộng mô hình chăn nuôi. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho trâu, gia đình ông đã cải tạo một số diện tích đồi nương để trồng cỏ, trồng ngô.

Với gia đình ông Cứ A Vảng, bản Háng Bla Ha A lại khác. Ý thức được việc phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình nên năm 2006, ông đã mạnh dạn vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải và vay thêm anh em, bạn bè được 30 triệu đồng mua 2 con bò cái về nuôi. Để có thêm kiến thức về phát triển chăn nuôi, ông Vảng tham gia lớp tập huấn thú y ngắn hạn tại huyện, đồng thời tận dụng những bãi đất trống ven suối để trồng 1.000m2  cỏ và trồng ngô đồi để tăng thêm khẩu phần ăn cho bò.

Nhờ vậy mà đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, đến nay đã có 12 con. Với giá bò dao động từ 20 - 30 triệu đồng/con, dự định cuối năm nay, ông sẽ bán bớt đi 2 con bò thịt để lấy tiền sửa nhà cho khang trang hơn để đón tết Nguyên đán. Không riêng gì gia đình ông Phình, ông Trở, ông Vảng thoát nghèo, có cuộc sống khá giả từ nuôi trâu, bò mà nhiều hộ gia đình khác ở xã cũng đang khá dần lên nhờ phát triển chăn nuôi. Các mô hình nuôi trâu, bò được các gia đình thực hiện chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, nhất là vào mỗi mùa đông bảo đảm trâu, bò được đưa về chuồng vào mỗi buổi tối và cung cấp thức ăn đầy đủ.

Nhờ vậy mà đến nay, tổng đàn trâu, bòcủa cả xã đã tăng lên đến 1.595 con, đàn lợn là 2.248 con, đàn gia cầm là 8.539 con và 1.141 con dê… Để người dân phát triển chăn nuôi hiệu quả, xã đã tích cực phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mù Cang Chải tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; các ban, ngành, đoàn thể của xã tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu việc phát triển đàn vật nuôi phải đi kèm với công tác bảo vệ, tiêm phòng định kỳ, lựa chọn giống có chất lượng.

Phát triển kinh tế từ chăn nuôi đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân Khao Mang. Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi mà nhiều năm qua, trong xã đã xuất hiện nhiều hộ gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Từ những kết quả đã đạt được, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm so với những năm trước, kết quả rà soát hộ nghèo đa chiều hết năm 2016 giảm xuống còn 60%.

Thanh Tân

Các tin khác
Nông dân huyện Lục Yên dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho vật nuôi trong mùa đông.

YBĐT - Các hộ dân đã có ý thức trong việc che chắn chuồng trại, ủ ấm cho trâu, bò; dự trữ rơm bổ sung thức ăn cho gia súc .

YBĐT -  Trong đó, nổi bật là những thách thức, khó khăn về thị trường, vốn, mặt bằng, công nghệ, lao động lành nghề...

Công nhân Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Xuân Lan trong giờ làm việc. (Ảnh Quang Thiều)

YBĐT - Tính đến 16h ngày 27/12/2016, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt trên 2.168 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch HĐND tỉnh giao, 111% kế hoạch phấn đấu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2016, lập kỷ lục trong lịch sử kinh tế Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục