Nậm Mười cần con đường êm thuận
- Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2016 | 1:48:51 PM
YBĐT - Nậm Mười là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, với đa số là đồng bào Dao sinh sống. Con đường từ quốc lộ 32 đến trung tâm xã có chiều dài 25 cây số, nhưng chỉ là đường đất, đường cấp phối. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa đường trơn truợt và khi mưa lớn nước đổ về làm giao thông nơi đây bị chia cắt.
Đường vào xã Nậm Mười những ngày mưa.
|
Anh Dương Văn Huyên - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mười chia sẻ: “Đường đi lại rất khó khăn, nhiều ổ voi, ổ gà, hại xe lắm! Năm 2013, tôi mua chiếc xe Win đi được 3 năm thì hỏng không đi được nữa”. Được biết, mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, nhiều giáo viên từ nhà đến trường phải thuê người dân vận chuyển xe qua suối. Mỗi lần thuê như vậy, mất khoảng 150.000 - 200.000 đồng/lượt. Có tuần, những giáo viên đi về như anh Huyên phải mất 700.000 - 800.000 đồng thuê người vận chuyển xe máy qua suối để mang con chữ đến với các em ở vùng cao Nậm Muời.
Cũng vì đường sá đi lại khó khăn, nên mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch quế, người dân ở Nậm Mười lại bị thương lái tìm cớ ép giá. Anh Lý Kim Minh, Trưởng thôn Khe Trang cho biết: “Vụ quế vừa rồi gia đình cũng thu hoạch được 3 tấn quế khô. Nhưng thương lái chỉ trả giá 31.000/kg, còn ở ngoài huyện giá quế cùng loại khoảng 38.000/kg. Như vậy, vụ quế vừa qua gia đình tôi cũng mất 10 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng một con đường kiên cố để bà con đỡ vất vả khi đi lại, không bị ép giá nông sản cũng như để đảm bảo an toàn giao thông cho bà con”.
Giao thông khó khăn dẫn đến giao thương trở ngại, hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống của người dân vào mùa mưa cũng không vận chuyển vào xã được, hoặc nếu có đưa vào được thì cũng bị đẩy giá cao gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường. Ví dụ như 1 túi muối ở chợ huyện bán với giá 2.500 đồng/kg thì bà con ở xã Nậm Mười phải mua với giá 7.500 đồng. Đường khó, hàng loạt các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội khác cũng trắc trở và khó khăn nhất vẫn là công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân mỗi khi đau ốm phải đi bệnh viện và việc học tập của con em đồng bào địa phương.
Sau cơn bão số 3 vừa qua, nhiều đoạn đã bị hư hỏng nặng, nhất là những đoạn bị sạt ta luy dương. Để khắc phục, xã đã huy động nhân dân đóng góp 50.000 đồng/hộ với tổng số tiền huy động được 26 triệu đồng san ủi mặt đường ở những chỗ bị sạt ta luy dương. Ông Bàn Thừa Phúc - Chủ tịch UBND xã Nậm Mười cho biết: “Con đường bị hư hỏng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, giao thương của nhân dân. Hiện, xã đang kiến nghị với cấp trên sớm có hướng đầu tư sửa chữa con đường, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân”.
Để đảm bảo cho nhân dân được đi lại được thuận tiện hơn, Ban Quản lý Dự án huyện Văn Chấn đã tích cực đôn đốc đơn vị nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, phương tiện máy móc thi công 2 cây cầu còn lại để hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm sau. Mong rằng, sự đợi chờ mong mỏi của người dân xã Nậm Mười về một con đường êm thuận sẽ thành hiện thực để đời sống nhân dân ngày một nâng lên.
Quyết Thắng
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Ngày 27/12, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết năm nay, tại Việt Nam, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm cúm A (H5N1) và cúm A (H5N6) tại một số hộ gia đình.
YBĐT - Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển chăn nuôi, thời gian qua, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa - đây được xác định là hướng đi thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
YBĐT - Các hộ dân đã có ý thức trong việc che chắn chuồng trại, ủ ấm cho trâu, bò; dự trữ rơm bổ sung thức ăn cho gia súc .