Làng miến Giới Phiên
- Cập nhật: Thứ bảy, 21/1/2017 | 3:19:17 PM
YBĐT - Về thăm làng nghề sản xuất miến đao Giới Phiên nổi tiếng (thành phố Yên Bái), đâu đâu cũng thấy sự phấn khởi về những thành quả sau một năm lao động của bà con nơi đây. Bởi lẽ, những sản phẩm của họ làm ra, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng tiêu thụ hết và giá miến cũng tăng hơn năm trước.
|
Trên đường đưa chúng tôi đi thăm những cơ sở sản xuất miến của các hộ dân trong xã, anh Bùi Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Giới Phiên, tranh thủ giới thiệu về làng nghề sản xuất miến ở đây. Nghề sản xuất miến được hình thành từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Những người đầu tiên có công mang nghề làm miến từ làng miến Dương Liễu, huyện Hoài Đức (Hà Nội) về Giới Phiên là ông Nguyễn Văn Minh và ông Tô Văn Trắc.
Giai đoạn phát triển nhất là khoảng năm 2000. Toàn xã có tới trên 100 hộ dân sản xuất miến, nhưng sản lượng một năm mới đạt gần 250 tấn miến khô. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất thủ công, nên năng suất thấp, giá trị kinh tế chưa cao... nên nhiều hộ đã dần bỏ nghề làm miến để làm nghề khác. Hiện nay, xã có 54 hộ ở 6/6 thôn sản xuất miến đều được hỗ trợ 25 triệu/đồng/hộ để mua máy sản xuất miến, nên sản lượng miến khô trung bình hàng năm của xã đạt 500 tấn; năm 2016 đạt trên 500 tấn.
Cùng với việc hỗ trợ các hộ dân mua máy móc để sản xuất miến theo đề án phát triển làng nghề miến đao của thành phố, UBND thành phố Yên Bái đã đề xuất Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên” cho sản phẩm miến đao thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
"Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, không chỉ giúp các hộ dân ở Giới Phiên nâng cao được uy tín sản phẩm miến đao Giới Phiên trên thị trường, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân xóa nghèo nhanh bằng nghề truyền thống của mình...” - Phó Chủ tịch UBND xã Giới Phiên Bùi Xuân Tiến chia sẻ.
Câu chuyện của anh Tiến kể cứ lôi cuốn chúng tôi đi từ thôn 1 đến thôn 6 xem các hộ dân sản xuất miến. Dừng chân tại làng Ngòi Đong (thôn 6), chúng tôi vào thăm gia đình chị Nguyễn Thị Oanh - con gái ông Nguyễn Văn Minh là người có công mang nghề sản xuất miến đao về làng. Năm nay đã 87 tuổi, nhưng ông Minh vẫn rất hoạt bát. Tuy không tham gia trực tiếp sản xuất miến nữa, nhưng ông thường xuyên hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất miến đao cho con, cháu của mình. Thấy có khách đến nhà, ông Minh lên tiếng:
- Các anh đến mua miến, hay có việc gì mời vào trong nhà uống nước!
- Ông cho cháu xin chụp một số hình ảnh làm miến đã, không tý nữa trời hết nắng, ảnh không đẹp!
- Tôi đáp.
- Thế ta đứng đây nói chuyện cũng được. Nghề làm miến quan trọng nhất là thời tiết đấy! Nếu mưa thì không làm được gì cả.
- Ông làm nghề sản xuất miến lâu chưa?
- Khoảng từ năm 1975 - 1976. Khi đó, làm thủ công, dùng nạo xát củ đao riềng vất lắm! Nhiều khi nạo cả vào đầu ngón tay mình đấy. Máy ép, cán miến không có, toàn phải ép bằng tay mệt lắm. Mãi đến năm 1979, tôi về quê ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ để mua được cái máy nghiền bột lên vừa nghiền bột cho gia đình vừa đi nghiền thuê cho nhân dân xã Giới Phiên và Phúc Lộc. Sau này, sức khỏe yếu dần, tôi nghỉ khoảng hơn 20 năm rồi, không làm miến nữa, nhưng vẫn phải chỉ bảo cho hai đứa con gái và các cháu theo nghề của mình để nó làm.
- Bây giờ có cả máy nghiền bột, máy ép thủy lực để ép, cán miến ra phên, mỗi ngày anh chị làm được bao nhiêu cân miến khô?
- Gia đình tôi có 3 lao động, làm khoảng 9 - 10 giờ mỗi ngày thì được 200 cân bột, tương đương 120 cân miến khô. Trời nắng phải tranh thủ làm, không mấy hôm nữa trời mưa rét mà chưa làm đủ số lượng khách đặt thì gay. Chị Oanh nhanh nhẹn đáp lời.
Vợ chồng anh Nguyễn Tiến Độ ở thôn 6 xã Giới Phiên sản xuất miến để cung ứng cho khách hàng tại Hà Nội.
Thôn 6 là thôn có số hộ sản xuất miến đao nhiều nhất của xã Giới Phiên, với 25 hộ. Có hộ mới tham gia sản xuất miến được một đến hai năm; có những hộ còn ít tuổi nhưng cũng gắn bó và “sống được” bằng nghề của mình do họ biết giữ chữ “tín” với khách hàng như gia đình anh Nguyễn Tiến Độ.
Biết chúng tôi đến tìm hiểu về nghề làm miến của các hộ dân trong làng, anh Độ vui vẻ kể: “Khi học cấp 3 là mình đã làm miến và mang miến cả sang chợ ga Yên Bái để bán. Có lần không bán hết được miến về cũng buồn. Có năm giá miến xuống thấp, thu nhập cũng giảm đi nhưng mình vẫn quyết tâm theo nghề của bố mẹ để lại được hơn 15 năm rồi”.
- Anh chị có tham gia vào HTX miến đao Giới Phiên để được bảo hộ thương hiệu sản phẩm không?
- Mình không tham gia, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng mình tự hợp đồng sản xuất cung ứng cho Công ty cổ phần Thực phẩm và Đồ uống FANSI ở Hà Nội theo đơn đặt hàng.
- Mỗi năm gia đình anh sản xuất được bao nhiêu cân miến khô?
- Tùy theo hợp đồng. Năm 2014, mình hợp đồng sảng xuất cho Công ty FANSI 27 tấn miến khô; năm 2015 và năm nay khoảng 10 tấn.
- Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi được bao nhiêu tiền?
- Cũng tùy! Năm nào giá bột ổn định, giá miến khô cao thì lãi được trên 200 triệu đồng; năm bột đao tăng cao thì chỉ lãi được trên 100 triệu đồng.
Nghề làm miến truyền thống đã giúp cho gia đình anh Độ và nhiều hộ dân ở Giới Phiên có cuộc sống khá giả hơn, xây được nhà ở khang trang và mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền như: ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, xe máy...
Năm nay, giá miến bán buôn ở thời điểm giáp tết Nguyên đán là 50.000 đồng/kg, tăng cao hơn so với năm trước, nên bà con làm miến ở Giới Phiên ai cũng phấn khởi hơn. Nhưng niềm vui lớn hơn đối với những người sản xuất miến ở đây là sản phẩm của họ đã được chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” và được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa thích khi sử dụng - đây là động lực để người dân Giới Phiên giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của mình.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Một mùa xuân nữa đang về trên quê hương Yên Bái và ghi dấu thêm những nhịp cầu mới nối đôi bờ tả, hữu sông Hồng. Từ cầu Yên Bái, cầu Văn Phú đến cầu Mậu A, Trái Hút và mai kia là cầu Tuần Quán, Bách Lẫm đã, đang và sẽ vươn dài, xóa đi khoảng cách đôi bờ, mang về những mùa xuân hạnh phúc.
Ngày 20-1, lãnh đạo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, tính đến ngày 20-1, đã có 21 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên 19 tuyến đường dài (cự ly trên 500km) thông báo tăng giá vé dịp Tết Đinh Dậu từ 7-60%. Riêng các tuyến vận tải chặng ngắn (dưới 300km), giá vé không tăng.
YBĐT - Với nỗ lực khắc phục mọi khó khăn của các nhà thầu và những người thợ cầu cần mẫn ngày đêm "vượt nắng, thắng mưa", các công trình giao thông cầu trọng điểm sẽ sớm đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần mở rộng không gian đô thị thành phố Yên Bái hai bên sông Hồng.
Sáng 20/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tổ chức Lễ phát động chương trình “Doanh nghiệp hành động hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2017” và lễ trao giải cuộc thi xây dựng đoạn phim về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 2017 sẽ diễn ra vào 15/3 tới đây.