Phố trong rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 31/1/2017 | 8:43:07 AM
YBĐT - Bỗng nghe bản hòa tấu quen thuộc! Âm thanh từ suối nước róc rách trong xào xạc tiếng lá từ đồi quế bên nhà. Thanh âm ấy, là hơi thở của sức xuân đã về nơi "phố ở trong rừng". Nghe có vẻ là lạ! Nhưng kỳ thực, chừng 5 - 7 năm trở lại đây, kể từ khi cây quế có giá trên thị trường thì thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đã dần dần biến thành phố.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chỉ ở thôn Khe Chè chuẩn bị giống quế cho vụ trồng mới.
|
Chẳng san sát nhà như nơi phố thị, nhưng ở xã Y Can (Trấn Yên) đã có biết bao những ngôi nhà cao tầng. Dọc các con đường bê tông, những nhà xây, những ngôi biệt thự cứ vậy mọc lên dưới chân những cánh rừng xanh ngát. Các thôn: Khe Chè, Minh An, An Thành, An Hòa... nhà dân đã làm nên phố. Nhà được xây cất nhờ tiền bán gỗ rừng trồng, tiền bán quế.
Tết này là tết đầu tiên vợ chồng anh Nguyễn Văn Chiến - Triệu Thị Hiền ở thôn An Hòa ăn tết trong ngôi nhà mới trị giá cả tỷ đồng. Đó là thành quả sau mười tám năm nhận đất trồng rừng. Cây ngắn, cây dài nuôi nhau, anh chị đã kiên trì bỏ công bỏ sức kiến thiết. Hai chục héc - ta bồ đề, keo, quế đã luân phiên cho thu hoạch.
Là người có gốc là con em lâm trường, lại bén duyên với cô gái Dao, nên cuộc sống vợ chồng cũng gắn với rừng, với quế. Giờ cứ thu hoạch là gia đình lại trồng quế, bởi quế chống chọi được với bão lốc và năm thứ tư, thứ năm là tỉa thưa cho thu nhập. Vả lại, trồng quế là vợ chồng đang cùng xã thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Người dân nhận thấy giá trị của kinh tế rừng, xã - huyện - tỉnh quan tâm chỉ đạo và giữ tốt vai trò làm cầu nối người trồng rừng với doanh nghiệp để gỗ rừng và quế mang lại nguồn thu lớn cho dân.
Chả vậy, mà ở dải rừng cuối thôn An Hòa - nơi giáp xã Kiên Thành lại mọc lên một phố có tới hai chục ngôi biệt thự. Cũng ngần ấy hộ còn bỏ ra cả trăm triệu đồng để kéo điện từ xã Kiên Thành về phục vụ sinh hoạt. Không chỉ điện sáng như sao, phố rừng ngày tết tràn ngập tiếng loa, tiếng nhạc, những bài hát về Đảng, Bác Hồ và quê hương được bà con thể hiện ngay tại “sân khấu” gia đình.
Phố cứ mọc lên dưới chân những rừng quế ngút ngàn.
Chẳng riêng người thôn An Hòa, dân ở nhiều nơi đã vào Khe Dứa, Khe Sâu, Đá Trắng, Đá Mài - vùng được quy hoạch trồng quế tập trung tiền của để đầu tư cho quế. Thôn Khe Chè có nước ngòi Gùa chảy qua. 70 hộ dân sống kề ngòi Gùa có tới 200 ha quế, nhưng chỉ 40 ha trồng tại thôn, còn 160 ha bà con phải ngược lên ngọn nguồn ngòi Gùa để trồng ở vùng Khe Dứa, Khe Sâu, Đá Trắng.
Nhờ quế, người dân trong thôn đã góp 60% kinh phí cùng với Nhà nước làm đường, giúp cho việc đi lại thuận lợi, hình thành trục bê tông rộng rãi để xây nhà tạo phố. Dân Khe Chè giờ chỉ còn vài hộ nghèo, 70 hộ đã có gần 50 nhà xây vững chãi.
Trưởng thôn Khe Chè là Nguyễn Văn Chỉ - người đã cống hiến cả tuổi xuân cho rừng ở Lào Cai. Nghỉ hưu về đây được 20 năm, thì ngần ấy năm ông tham gia công tác địa phương và gắn bó với keo, quế, bồ đề. Nhờ vậy, ông bà nuôi nấng 5 người con phương trưởng. Ai cũng có nhà xây. Ông và các con trai đang sở hữu trên 20 ha quế ở vùng Khe Dứa.
Chẳng tính xem giá trị rừng của nhà được bao nhiêu, ông Trưởng thôn lại khoe những điển hình về quế của Khe Chè như hộ ông Lê Xuân Toàn có gần 6 ha; Nguyễn Văn Thảo gần 10 ha; Lê Quang Thành 8 ha... Rồi ông Chỉ kể đến 5 nhà xây trong năm Bính Thân vừa qua, thì có 4 nhà xây 2 tầng trở lên. Kể về ông Nguyễn Ngọc Nam, Nguyễn Minh Nam là những hộ làm dịch vụ thu mua quế cho dân mà trở thành tỷ phú…
Năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, được tỉnh khuyến khích, hỗ trợ, người dân xã Y Can trồng gần 200 ha, góp phần để cả huyện Trấn Yên đạt mục tiêu trồng tới 2.300 ha quế. Thế mới biết, điều mà Phó Chủ tịch UBND xã Y Can - Nguyễn Thanh Tuyến nói chẳng sai: “5 năm nữa, nhà báo vào vùng Khe Dứa, Khe Sâu, Đá Mài, Đá Trắng sẽ thấy tới 70 - 80% số hộ có nhà xây”.
Vậy ra, đó là thời điểm quế đủ tuổi khai thác. Chắc chắn sẽ có thêm nhiều hơn những khu phố trong rừng. Giờ thì câu chuyện trồng quế xây nhà không còn bó hẹp ở "thủ phủ" quế Văn Yên mà đã được kể ở nhiều vùng đất của Trấn Yên. “Khu nhà xây trong rừng” sẽ không chỉ ở Đào Thịnh, hay “phố ở trong rừng” sẽ không phải chỉ Y Can mới có. Cụm từ này sẽ được gắn lên nhiều vùng đất, nhiều khu dân cư khác ở Trấn Yên và nhiều địa phương khác của tỉnh.
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã cận kề, thị trường hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố Yên Bái giờ mới là lúc tăng tốc, sôi động với các loại cây, hoa độc đáo, tấp nập người bán kẻ mua.
YBĐT - Mùa xuân này, khắp triền đồi của vùng đất Nậm Ngập phủ gam màu tươi mới của những vườn cam, quýt, phật thủ… trĩu cành. Đó chính là thành quả của sự quyết tâm, chọn hướng đi đúng đắn của chính quyền và sự mạnh dạn trong cách nghĩ của người dân để vùng đất Nậm Ngập “công trường đá đỏ” ngày nào nay được đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, trở thành vùng đất tiềm năng từ cây trồng có múi.
Ngày 25/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết cùng với số điện thoại đã công bố, Cục này vừa bổ sung số điện thoại di động 091.181.1556 để tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.
YBĐT - Tuyến đường dài 8 km đi thông qua 5 bản: Màng Mủ A, Màng Mủ B, Háng Sung, Sáng Nhù, Mý Háng đã được bà con chung tay góp sức mở mới, bảo đảm thông suốt 10 bản trong xã. Hoàn thành việc đổ bê tông, con đường sẽ được biết đến như một kỳ tích trên núi.