Siết chặt quản lý để phòng ngừa sai phạm trong chế biến gỗ vườn rừng, gỗ rừng trồng ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/3/2017 | 7:56:26 AM

YBĐT - Còn có hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, gây thất thu thuế, ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không đúng mục đích... cần phải được chấn chỉnh kịp thời.

Kiểm lâm huyện Văn Chấn tịch thu phương tiện vận chuyển gỗ trái phép cung cấp cho một số cơ sở sản xuất gỗ bóc.
Kiểm lâm huyện Văn Chấn tịch thu phương tiện vận chuyển gỗ trái phép cung cấp cho một số cơ sở sản xuất gỗ bóc.

Trong những năm qua, nhiều hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh ở huyện Văn Chấn đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất, chế biến gỗ vườn rừng, tiêu thụ gỗ rừng trồng trong huyện và các địa phương giáp ranh, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) vẫn còn có HTX, hộ kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, gây thất thu thuế, ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không đúng mục đích... cần phải được chấn chỉnh kịp thời.
 
Từ vi phạm thủ tục hành chính, sử dụng đất...

Để lập lại trật tự trong lĩnh vực SXKD, chế biến gỗ vườn rừng trên địa bàn huyện, ngày 07/11/2016, Chánh Thanh tra huyện Văn Chấn ra Quyết định số: 09/QĐ-TTr về thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ vườn rừng của HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn các xã: Đại Lịch, Minh An, Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn.

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra 4 cơ sở SXKD gỗ ván bóc tại xã Đại Lịch, gồm: hộ ông Hoàng Tiến Công ở thôn 14; bà Hà Thị Nga ở thôn 14; ông Nguyễn Văn Giáp ở thôn 11 và ông Hoàng Mạnh Hùng ở thôn 2. Thanh tra SXKD của HTX Dịch vụ Tân An, thôn An Bình, xã Minh An và HTX Dịch vụ tổng hợp, thôn 5, xã Nghĩa Tâm.

Qua thanh tra về thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật tại các cơ sở hoạt động SXKD gỗ ván bóc, đoàn thanh tra đã phát hiện 2/6 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gồm: hộ ông Nguyễn Văn Giáp ở thôn 11, xã Đại Lịch và hộ ông Hoàng Mạnh Hùng ở thôn 2, xã Đại Lịch.

Cụ thể, hai cơ sở này đều không có giấy phép xây dựng nhà xưởng; đề án, phương án cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt các năm; đề án, phương án SXKD gỗ các năm; cam kết phòng cháy chữa cháy, phương án và phương tiện phòng cháy chữa cháy các năm; lò đốt bảo vệ môi trường theo quy định...

Đặc biệt, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đều không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Nhà nước về hồ sơ nguồn gốc lâm sản hợp pháp, không cập nhật số liệu thường xuyên vào sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản theo quy định. Các cơ sở hoạt động SXKD, chế biến gỗ trong một thời gian dài nhưng về các hồ sơ, thủ tục bắt buộc đều còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Qua thanh tra về quản lý và sử dụng đất cho thấy, 3/6 cơ sở sử dụng đất sai mục đích với hành vi: sử dụng đất vườn tạp đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà xưởng, đặt máy móc, làm sân phơi, tập kết nguyên, vật liệu SXKD gỗ ván nhưng chưa được làm các thủ tục thuê và nộp tiền thuê đất với Nhà nước theo quy định...

....Đến không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước

Ông Hoàng Trọng Huy - Chánh Thanh tra huyện Văn Chấn cho biết: qua thanh tra 6 cở sở SXKD gỗ vườn rừng (2 HTX và 4 hộ tại Đại Lịch, Minh An và Nghĩa Tâm), Thanh tra huyện ra quyết định thu hồi tiền đối với các cơ sở có sai phạm được phát hiện qua thanh tra.

Cụ thể, thu hồi tiền đối với HTX Dịch vụ tổng hợp thôn 5, xã Nghĩa Tâm là 11.248.000 đồng, với hành vi vi phạm hoạt động mua bán gỗ thương phẩm nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước trong hai năm 2015 và 2016.

Thu hồi tiền đối với hộ ông Hoàng Tiến Công, thôn 14, xã Đại Lịch số tiền là 3.600.000 đồng, với hành vi vi phạm hoạt động SXKD nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Truy thu toàn bộ số tiền sử dụng đất sai mục đích đối với các cơ sở SXKD gỗ trên địa bàn các xã được phát hiện qua thanh tra là 13.370.815 đồng.

Trong đó, HTX Dịch vụ tổng hợp thôn 5, xã Nghĩa Tâm phải thực hiện nộp ngân sách 2 năm là 166.255 đồng; HTX Dịch vụ tổng hợp Tân An, xã Minh An phải thực hiện nộp ngân sách 4 năm là 576.000 đồng; hộ ông Nguyễn Văn Giáp, thôn 11, xã Đại Lịch phải thực hiện nộp ngân sách 4 năm là 4.246.560 đồng; hộ ông Hoàng Mạnh Hùng, thôn 2, xã Đại Lịch phải thực hiện nộp ngân sách 2 năm là 504.000 đồng; hộ ông Hoàng Tiến Công, thôn 4, xã Đại Lịch phải thực hiện nộp ngân sách 6 năm là 7.425.000 đồng.

Cần xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở SXKD, chế biến gỗ vườn rừng, trong đó, huyện Văn Chấn có khoảng trên 30 cơ sở SXKD, chế biến gỗ vườn rừng đang hoạt động, hàng ngày tiêu thụ một khối lượng gỗ rừng trồng rất lớn cho các hộ dân trong tỉnh. Các cơ sở này đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân làm nghề rừng.

Tuy nhiên, qua cuộc thanh tra 6 cơ sở SXKD, chế biến gỗ vườn rừng ở Văn Chấn đã phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất, quản lý lâm sản, quản lý thuế, quản lý về môi trường... Kết quả thanh 6 cơ sở SXKD, chế biến gỗ vườn rừng ở Văn Chấn có thể chỉ là bề nổi của “tảng băng” chìm.

Vì thực tế, hiện nay không ít các địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động SXKD, chế biến gỗ rừng trồng, vẫn để một số cơ sở hoạt động SXKD không có giấy phép, sử dụng đất sai mục đích, phơi gỗ làm khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, vứt phế liệu ra lề đường gây ô nhiễm môi trường, ngay trên tuyến quốc lộ 70, quốc lộ 37.

Ngay cả trên tuyến đường Km5 đi Yên Bình (đoạn qua xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái) tình trạng này khá phổ biến. Đó là chưa kể đến việc những cơ sở không chấp hành thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, cố tình trốn thuế.

Thiết nghĩ, để việc SXKD, chế biến gỗ vườn rừng ở Văn Chấn nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đảm bảo công bằng, tránh gây thất thu thuế cho Nhà nước, huyện Văn Chấn và các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không có giấy phép SXKD, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên lĩnh vực này.

Thanh tra, kiểm tra việc hạch toán hàng năm trong SXKD của các cơ sở SXKD, chế biến gỗ vườn rừng để có phương án thu thuế hiệu quả hơn. Bởi vì, cách thu thuế hiện nay đối với các cơ sở SXKD, chế biến gỗ chủ yếu là khoán thuế từ 4 đến 6 triệu đồng/cơ sở/tháng; cơ sở sản xuất chế biến 500 m3 gỗ/tháng cũng nộp thuế như những cơ sở chỉ sản xuất chế biến được 100 đến 200 m3 gỗ/tháng.

Như vậy là không công bằng và gây thất thu một khoản thuế khá lớn cho ngân sách Nhà nước.

Cao Chính

Các tin khác
Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về PCCCR.

YBĐT -  Ở hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, đồng bào còn có tập quán đốt nương làm rẫy nên thường để xảy ra cháy rừng.

YBĐT - Để trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, năm 2017 huyện Trấn Yên phấn đấu có thêm 4 xã Minh Quân, Vân Hội, Hưng Khánh, Hưng Thịnh đạt NTM.

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 sẽ được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay, 14/3.

Lãnh đạo Cục Thuế tham gia thảo luận trả lời vướng mắc tại lớp tập huấn.

YBĐT - Từ ngày 9 và 10/3, Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho 194 cán bộ, công chức Văn phòng Cục và chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục