Thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 14/3/2017 | 6:35:18 PM
YênBái - YBĐT - Ngày 13 và 14/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quang cảnh Hội nghị.
|
Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tỉnh chủ trì Hội nghị.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Lục Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 dự kiến 3 phương án tăng trưởng của các ngành kinh tế trên địa bàn huyện là: tăng trưởng cao, tăng trưởng khá và tăng trưởng thấp.
Trong đó, huyện chọn phương án 2 là phương án tăng trưởng khá, tốc độ bình quân giá trị sản xuất toàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 15,05%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 12,36%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 11,53%/năm.
Theo đó, huyện Lục Yên đề ra mục tiêu cụ thể về cơ cấu kinh tế đến năm 2020 định hình cơ cấu nông lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 16% - 42,8% - 41,2%, đến 2025 là 13,8% - 44% - 42,2% và đến năm 2030 là 12,7% - 43,1% - 44,1%.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2020 là 1.800 tỷ đồng, năm 2025 là 2.800 tỷ, năm 2030 là 4.000 tỷ. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 là 62.000 tấn, năm 2025 là trên 68.000 tấn, năm 2030 trên 71.000 tấn...
Về xã hội, phấn đấu bình quân mỗi năm giai đoạn 2016 - 2020 huyện tạo việc làm mới cho 2.700 lao động, giai đoạn 2021 - 2030 là 3.000 lao động; số xã đạt nông thôn mới năm 2020 là 6 xã, năm 2025 là 8 xã, năm 2030 là 12 xã; năm 2020 có 17 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, năm 2025 là 24/24 xã, thị trấn, duy trì đến năm 2030…
Về môi trường, tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020 là 90%, năm 2025 là 95%, năm 2030 là 98%; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 là 67,8%, năm 2025 là 67,9%, năm 2030 là 68%.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Yên Bái theo phương án chọn về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,5%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng đạt 10,1%/năm, khu vực dịch vụ đạt 14,2%/năm, khu vực nông lâm thủy sản đạt 6,3%/năm; giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng bình quân 11,5%/năm
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 105 triệu đồng, đến năm 2030 đạt 280 - 300 triệu đồng; tổng thu ngân sách đến năm 2020 đạt 850 tỷ đồng trở lên, đến năm 2030 đạt 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 1,99%, giai đoạn 2021 - 2030 giảm 0,5% mỗi năm.
Điều chỉnh tăng giảm, bổ sung và xác định lại một số chỉ tiêu đến năm 2020: số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo bình quân/năm, tỷ lệ nước thải khu công nghiệp đang hoạt động được xử lý tập trung…
Quy hoạch của thành phố cũng định hướng phát triển các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung mở rộng quy mô Khu công nghiệp phía Nam lên 400 ha, Khu công nghiệp Âu Lâu lên 120 ha, tiếp tục duy trì 2 cụm công nghiệp trên địa bàn trong giai đoạn đến năm 2020 gồm Cụm công nghiệp Đầm Hồng 16 ha, Cụm công nghiệp Âu Lâu 50 ha, giai đoạn sau năm 2020 xem xét phương án chuyển đổi công năng Cụm công nghiệp Đầm Hồng, di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành; nghiên cứu bổ sung quy hoạch, hình thành một số cụm công nghiệp mới phù hợp với nhu cầu thực tế và đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp của thành phố.
Tập trung huy động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ, thương mại, du lịch; hình thành các khu, cụm thương mại, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng theo hướng đạt chuẩn.
Mở rộng không gian đô thị sang bên hữu ngạn qua cầu Văn Phú hướng về nút giao cao tốc IC12; giai đoạn sau năm 2020 - 2030 phạm vi thành phố mở rộng thêm ra khu vực các xã Minh Quân, Báo Hưng, Minh Tiến đang thuộc huyện Trấn Yên.
Điều chỉnh bổ sung phương hướng, mục tiêu phát triển nông lâm thủy sản, an sinh xã hội… theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và phát triển bền vững.
Để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư của thành phố Yên Bái thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 30.000 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long đề nghị, trên cơ sở tham gia ý kiến phản biện và ý kiến tham gia của các sở, ngành; huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái cùng đơn vị tư vấn thiết kế cần tiếp thu chỉnh sửa sao cho hoàn thiện về bố cục, lô gíc về kết cấu, câu từ, số liệu phải chính xác, những ý kiến nào tiếp thu phải chỉnh sửa ngay, ý kiến nào không tiếp thu được phải trả lời lại các ngành rõ ràng.
Đồng chí yêu cầu, quy hoạch phải nhấn mạnh được những đặc điểm đặc trưng riêng của từng địa phương, có lộ trình, kế hoạch rõ ràng theo từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh mới có căn cứ phân bổ kinh phí cho từng chu kỳ; lĩnh vực nào cần bổ sung điều chỉnh thì điều chỉnh, lĩnh vực nào không cần thiết thì không nên cho vào quy hoạch tránh việc quy hoạch lại không thực hiện được.
Với thành phố Yên Bái là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị sau cuộc thẩm định này, thành phố cùng với đơn vị tư vấn thiết kế cần tập trung xem xét, rà soát lại để bổ sung cho hợp lý, tránh việc quy hoạch chồng chéo giữa tỉnh và thành phố….; chậm nhất đến ngày 18/3, các đơn vị thẩm định sẽ phải chỉnh sửa xong để chuyển cho UBND tỉnh cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.
Hội nghị cũng bỏ phiếu thống nhất thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với việc nhất trí thông qua có bổ sung chỉnh sửa.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Công bố sáng 14/3 của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế cho thấy, tỉnh Yên Bái đã vượt lên xếp thứ 47/63 tỉnh, thành và tăng được 4 bậc so với 2015.
Bắt đầu từ tháng 3/2017, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT chính thức thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên phạm vi cả nước. Những số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra sẽ cung cấp các thông tin để có thể chuẩn đoán chính xác “các bệnh của nền kinh tế”. Từ đó “kê những đơn thuốc” hiệu quả, giúp nền kinh tế lớn mạnh và phát triển.
Như tin đã đưa, hôm nay- 14/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam vẫn duy trì xu hướng cải thiện.
Có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.