Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường
- Cập nhật: Thứ tư, 29/3/2017 | 1:56:33 PM
YBĐT - Riêng năm 2016, Yên Bái thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của 32 dự án; 6 phương án cải tạo phục hồi môi trường; 18 dự án về kế hoạch bảo vệ môi trường, 7 đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đơn giản.
Hiện trường vụ vỡ nắp cống hồ chứa bùn thải của Nhà máy tuyển quặng sắt thuộc địa bàn xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên xảy ra vào ngày 11/1/2017.
|
Yên Bái là tỉnh giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản với tổng diện tích trên 688 nghìn ha, trong đó diện tích đất chưa sử dụng còn trên 52 nghìn ha và nhiều loại khoáng sản như: sắt, đồng, vàng, chì, kẽm, mangan, đất hiếm, graphit… Với lợi thế trên, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã trở thành điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dù luôn có nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khi đến đầu tư, nhưng tỉnh Yên Bái cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) mỗi khi phê duyệt dự án. Chính vì vậy, tất cả các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn, tỉnh Yên Bái luôn chỉ đạo các ngành chức năng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có cam kết, kế hoạch BVMT.
Chỉ tính riêng năm 2016, Yên Bái thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của 32 dự án; 6 phương án cải tạo phục hồi môi trường; 18 dự án về kế hoạch BVMT; 7 đề án BVMT chi tiết và đơn giản...
Nhờ đó, công tác BVMT có nhiều chuyển biến, các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT giảm rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất, nhiều cơ sở, doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về BVMT, gây ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Điển hình là vụ vỡ nắp cống hồ chứa bùn thải của Nhà máy Tuyển quặng sắt (thuộc Công ty cổ phần Khoáng nghiệp và Thương mại Thuận Thông Đạt) nằm trên địa bàn xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên vào ngày 11/1 vừa qua. Sự cố đã làm một khối lượng lớn nước, bùn đất tràn xuống đường gây sạt lở ta luy âm và trút xuống suối Ngòi Lâu. Bùn còn tràn vào một nhà dân gần đó, ngập khoảng 80 cm, vùi lấp một diện tích vườn của gia đình.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng vỡ đập chứa bùn của các công ty khai thác khoáng sản. Trước đó, ngày 30/9/2014, tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, đập chứa bùn số 3 Nhà máy Tuyển quặng sắt của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc bất ngờ bị vỡ. Số bùn thải trôi xuống hạ lưu thuộc thôn Đoàn Kết và Lương Thiện làm nhiều diện tích lúa, hoa màu và sân chợ xã Lương Thịnh bị ngập.
Những sự cố trên xảy ra dù không gây thiệt hại đáng kể về người, tài sản của nhân dân nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ có những tác động tới nguồn nước, thổ nhưỡng và hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn.
Để hạn chế và không để xảy ra những sự cố này cũng như tăng cường công tác quản lý về BVMT, tỉnh Yên Bái đã có những chỉ đạo quyết liệt cũng như đề ra các nhiệm vụ cấp bách về BVMT để triển khai trên địa bàn. Theo đó, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT; tập trung rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các công trình xử lý môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Đối với những công trình không bảo đảm, cần kiên quyết xử lý; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải đáp ứng theo những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đặc biệt, đối với các khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên; các chủ nguồn thải khí thải công nghiệp có nguồn khí thải lưu lượng lớn như: sản xuất xi măng, có lò hơi công nghiệp sản lượng lớn hơn 20 tấn/giờ… phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về ngành chức năng để quản lý theo quy định.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi trường, các vi phạm pháp luật về BVMT; từng bước xã hội hoá công tác BVMT bằng phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường từ cơ sở đến tỉnh...
Ngoài ra, về lâu dài các cấp, ngành cần xây dựng quy hoạch, lựa chọn các phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững, phát huy thế mạnh của địa phương; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT một cách hài hòa với phát triển kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế một cách hài hòa với BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Hùng Cường
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Từ 0 giờ ngày 1/4, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ chính thức đưa vào khai thác nút giao IC7 tại Km48+890 - Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý hóa chất độc hại, đặc biệt là cồn công nghiệp, hóa chất và methanol.
Ngày 28-3, Bộ KH-CN tổ chức họp báo về Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG) năm 2016.