“Cú huých” cho chăn nuôi đại gia súc ở Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ ba, 4/4/2017 | 7:21:28 AM
YBĐT - Thực hiện Đề án Hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh, huyện Văn Chấn đã xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả tại các xã vùng cao, vùng thượng huyện và một số xã lân cận.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kiểm tra, hướng dẫn nhân dân thực hiện mô hình chăn nuôi đại gia súc.
|
Đến Văn Chấn thời gian gần đây, dễ dàng bắt gặp bên đường, trên nương hay dưới chân ruộng cạn những thảm cỏ voi, cỏ VA06 xanh mướt. Trong những khu chuồng trại chăn nuôi kiên cố, thoáng mát, những đàn trâu, đàn bò đông đúc, béo mập, chậm rãi nhai cỏ. Đó là tác động mà Đề án Hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh Yên Bái mang lại cho chăn nuôi đại gia súc ở Văn Chấn.
Tại xã vùng cao Sùng Đô - nơi đồng bào Mông chỉ quen với làm nương lấy lương thực, giờ những bãi cỏ voi đã phủ xanh nhiều bãi trống, đồi núi trọc. Để chuyển biến nhận thức của nhân dân trong chăn nuôi, xã đã vận động một số cán bộ, đảng viên và người dân xây dựng một số mô hình điểm để nhân dân thực hiện.
Đến nay, toàn xã đã trồng trên 2 ha cỏ voi với hàng chục hộ gia đình chăn nuôi theo hướng bán chăn thả có quy mô 10 con trở lên. Việc triển khai vận động nhân dân chăn nuôi theo hướng bán chăn thả đã giúp chính quyền địa phương kiểm soát được đàn gia súc, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Hiện toàn xã có trên 675 con trâu, bò, tăng 70 con so với cuối năm 2015.
Gia đình anh Giàng A Sùng ở thôn Nà Nọi, xã Sùng Đô là một trong những hộ điển hình. Thói quen thả rông gia súc trong rừng nên có năm dịch bệnh, giá rét đã cướp đi của gia đình anh 3, 4 con trâu, bò. Năm 2015 - 2016, được sự tuyên truyền của cán bộ, anh Sùng đã triển khai trồng 1.500 m2 cỏ voi và làm khu chuồng rộng trên 60 m2 để nhốt đàn gia súc.
Hơn 1 năm thực hiện, việc chăn nuôi tập trung theo hướng bán chăn thả, anh Sùng đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Việc chủ động quản lý và vệ sinh phòng bệnh đã giúp đàn trâu, bò của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Chỉ trong 1 năm, gia đình anh đã có thêm 3 con bê và 2 con nghé nâng tổng số trâu, bò của gia đình anh lên 16 con.
Anh Sùng chia sẻ: “Được cán bộ vận động trồng cỏ, nuôi nhốt trâu, bò, ban đầu, mình cũng ngại sợ nó không quen, mà lại mất công trồng cỏ, cắt cỏ. Nhưng giờ bãi chăn thả cũng bị thu hẹp, mà thả rông thì dễ mất trộm, trời rét cũng không có chỗ lùa về. Nó mà chết tiếc lắm! Giờ có chuồng, có cỏ, trời mưa, trời rét cũng yên tâm, cũng không phải đi chăn, đi tìm trâu, tìm bò đi lạc nữa”.
Với địa bàn rộng, có 18 xã vùng cao, chăn nuôi đại gia súc được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội ở Văn Chấn. Thực hiện Đề án Hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh, huyện Văn Chấn đã xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả tại các xã vùng cao, vùng thượng huyện và một số xã lân cận.
Mục tiêu chủ yếu là tạo chuyển biến về tư duy chăn nuôi, cải tạo đàn vật nuôi và tạo điều kiện cho nhân dân xây chuồng trại và phát triển các diện tích cỏ để chăn nuôi gia súc theo hướng bán chăn thả. Năm 2016, huyện chọn 2 xã Nậm Búng, Gia Hội và một số hộ dân ở các xã lân cận làm điểm triển khai thực hiện để rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng.
Trên cơ sở các nội dung hướng dẫn, yêu cầu về quy mô, số lượng và điều kiện của mô hình quy định tại Đề án, các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã trực tiếp hướng dẫn nhân dân cách làm chuồng trại, hỗ trợ các giống cỏ chất lượng phù hợp để nhân dân phát triển. Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, năm 2016, huyện đã xây dựng 81 mô hình chăn nuôi đại gia súc quy mô 10 con trở lên, trong đó 2 xã làm điểm xây dựng 27 mô hình.
Ngoài các xã, các hộ đã được thực hiện Đề án, đến nay, nhiều hộ chưa được thực hiện và chưa đủ điều kiện được hỗ trợ đã chủ động học tập mô hình, triển khai làm chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Đề án đã bước đầu giúp huyện kiểm soát được số lượng, dịch bệnh trên đàn gia súc, từ đó có hướng phát triển, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi của nhân dân.
Chỉ tính riêng năm 2016, tổng đàn trâu, bò của huyện đã đạt trên 27.000 con, tăng trên 2.300 con so với cuối năm 2015. Đặc biệt, việc kiểm soát, quản lý đàn và vệ sinh phòng bệnh đã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Với mục tiêu mở rộng các mô hình và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, năm 2017, huyện có kế hoạch xây dựng và hỗ trợ thêm 32 hộ chăn nuôi tập trung ở 11 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các mô hình; đồng thời, hướng dẫn nhân dân làm chuồng trại và chăm sóc vật nuôi để phát huy hiệu quả đàn vật nuôi.
Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn chia sẻ: “Mục tiêu thay đổi tư duy, phương pháp và tạo hướng đi mới trong chăn nuôi đại gia súc Văn Chấn đã đạt được kết quả bước đầu. Cùng với việc phát triển, mở rộng các mô hình, huyện đang tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, huyện đang xem xét tạo chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ cao để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong chăn nuôi”.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Năm 2017, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái được tỉnh giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn là 432 tỷ đồng, HĐND thành phố giao 487 tỷ đồng và rong quý I/2017, Chi cục được Cục Thuế tỉnh giao thu 81 tỷ đồng.
YBĐT - Những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản, huyện Yên Bình luôn quan tâm, đầu tư trên lĩnh vực trồng rừng và coi đó là thế mạnh trong phát triển kinh tế, góp phần làm giàu chính đáng cho nhân dân.
Từ ngày 1 - 27/3, Chi cục Quản lý Thị trường tại các địa bàn trọng điểm đã kiểm tra 966 vụ, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại.
YBĐT - Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 (thay thế Luật Ngân sách nhà nước năm 2002) đã được Quốc hội (khóa XII) thông qua và chính thức có hiệu lực thi thành từ năm ngân sách 2017.