Hội Nông dân xã Cảm Nhân: Thi đua phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/5/2017 | 1:51:40 PM

YBĐT - Hội Nông dân xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình có 565 hội viên sinh hoạt ở 18 chi hội. Hội luôn giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, luôn làm tốt chức năng làm cầu nối các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tổ chức học nghề, giải quyết vốn vay cho hội viên phát triển kinh tế.

Một mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân xã Cảm Nhân.
Một mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân xã Cảm Nhân.

Trong năm 2016, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đứng ra ủy thác cho 6 tổ vay vốn và đã tạo điều kiện cho 260 hội viên được tiếp cận nguồn vốn với mức dư nợ gần 7 tỷ đồng đầu tư trồng trọt, chăn nuôi.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 1.000 lượt hội viên nông dân. Thông qua đó, giúp hội viên biết cách áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Các hội viên cũng tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Phong trào được phát động sâu rộng tới hội viên và đã phát huy sự năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên làm giàu của các hội viên, góp phần cải thiện đời sống. Tiêu biểu là các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng như: mô hình tổng hợp VAC của hội viên Nguyễn Văn Mạnh, thôn Quyết Thắng 2; mô hình sản xuất gạch không nung của hội viên Lý Trung Kiên, thôn Phạm 3, đã tạo việc làm cho gần chục lao động tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 80 hội viên có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ sự nỗ lực giúp hội viên phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo hội viên trong Hội còn 22%.

Anh Nguyễn Văn Mạnh - hội viên Chi hội thôn Quyết Thắng 2 bày tỏ: “Nhờ được tập huấn kỹ thuật, gia đình tôi đã chuyển nuôi trâu bò từ hình thức chăn thả tự do sang nuôi bán công nghiệp. Năm 2016, gia đình tôi đã bán 15 con trâu, bò và thu được trên 300 triệu đồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi đã dùng số tiền trên mua thêm trâu bò và đầu tư trồng gần 500 gốc bưởi, cam sành. Bên cạnh đó, gia đình còn tạo điều kiện giúp đỡ 6 hộ vay vốn không lấy lãi để đầu tư chăn nuôi, yên tâm sản xuất vươn lên làm giàu”.

Không những tập trung phát triển kinh tế, trong năm 2016, các chi hội đã vận động hội viên nông dân tham gia đóng góp trên 600 ngày công tu sửa và làm mới 5,5 km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét 18 km kênh mương nội đồng với khối lượng nạo vét trên 700 m3 bùn, đất đảm bảo dòng chảy tưới tiêu cho diện tích cây lương thực, rau màu.

Ông Hà Đình Trị - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảm Nhân cho biết: thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp các ban, ngành của xã, huyện để giúp các hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, tích cực vận động hội viên, nhân dân đưa mô hình làm cây màu vụ 3 trên chân ruộng 2 vụ nhằm tăng thêm nguồn thu cho hội viên, nông dân; các hội viên đã đưa cây dưa hấu vào thâm canh và bước đầu cho thu nhập trên 10 triệu đồng/sào.

Đồng thời, phát huy những kết quả đạt được, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Quyết Thắng

Các tin khác
Trường Mầm non của xã Đại Lịch được đầu tư nâng cấp, xây dựng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn.

YBĐT - Tháng 9/2016, Đại Lịch trở thành một trong ba xã đầu tiên của huyện Văn Chấn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đây là niềm vui của xã Anh hùng trong kháng chiến, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong thời kỳ mới. Đồng thời, đặt ra những đòi hỏi để địa phương giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM trong thời gian tiếp theo.

Nông dân trong tỉnh đang tích cực, chủ động theo dõi diễn biến sâu bệnh hại lúa để bảo vệ sản xuất.

YBĐT - Vụ xuân năm 2017, nông dân toàn tỉnh đưa vào gieo cấy trên 19.790 ha lúa với cơ cấu lúa lai khoảng 55 - 60%, lúa thuần chất lượng cao khoảng 35 - 40%, còn lại là các loại giống khác; năng suất dự kiến đạt 52,8tạ/ha, sản lượng 99.260 tấn.

Ngày 6-5, Ngân hàng Thế giới (WB) đã duyệt khoản tín dụng trị giá gần 315 triệu USD dành cho Việt Nam. Trong đó, 236 triệu USD sẽ dành cho dự án Bền vững Môi trường các thành phố ven biển Việt Nam, gồm 190 triệu USD từ nguồn Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và 46 triệu USD từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).

Các sản phẩm thép nhập khẩu từ Nhật Bản và 7 nền kinh tế khác được tiêu thụ tại thị trường Mỹ sắp bị áp thuế chống bán phá giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục