Nghề phụ, thu nhập chính ở vùng đông hồ Thác Bà
- Cập nhật: Thứ ba, 9/5/2017 | 7:55:05 AM
YBĐT - Từ lâu, nghề đan rọ tôm gắn bó với bà một số xã vùng Đông Hồ, huyện Yên Bình như: Vũ Linh, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai… cũng giống như việc trồng lúa, ngô hay nuôi lợn, nuôi gà. Trồng cấy có thời vụ, còn với nghề đan rọ tôm thì làm quanh năm.
Người dân vùng Đông Hồ đan rọ tôm.
|
Ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết: “Trước đây, tận dụng nguồn thủy sản ở hồ Thác Bà, người dân vùng Đông Hồ, trong đó có Yên Thành thường tự tay đan rọ tôm để đánh bắt thủy sản. Nhà nào có người biết đan thì bán lại cho những nhà có nhu cầu. Nhưng vài năm trở lại đây, khi việc đánh bắt thủy sản trên các hồ thủy điện ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Tuyên Quang phát triển thì dân vùng Đông Hồ chuyển sang đan rọ tôm để bán cho thương lái mang đi nơi khác tiêu thụ. Nhiều gia đình ở Yên Thành còn chuyển hẳn sang nghề đan rọ và coi đây là nghề mang lại nguồn thu nhập chính”.
Đan rọ tôm khá dễ, người nào cũng có thể làm được. Đàn ông thì chẻ nan, phụ nữ đan rọ, người khéo tay thì đan hom, người mới tập thì đan thân rọ. Chẳng phải công việc nặng nhọc nên trẻ em hay người già, đàn ông, đàn bà đều đan được. Tranh thủ lúc nông nhàn hay trong lúc chờ cơm, xem truyền hình người ta cũng tranh thủ đan vài cái rọ.
Gia đình chị Vi Thị Nguyên ở thôn 2, xã Yên Thành có 5 người thì 5 người biết đan. Ở nhà chị, mẹ chồng và chị đã đan rọ tôm nhiều năm nên chủ yếu là đan hom, còn chồng với đám trẻ thì đan thân. Mỗi ngày, đan được 100 - 150 rọ, giá mỗi rọ khoảng 3.000 - 5.000 đồng, tùy vào mùa đánh bắt. Trừ chi phí nguyên liệu thì mỗi ngày, gia đình chị thu nhập khoảng 200.000 đến 300.000 đồng.
Đang vào mùa đánh bắt nên rọ tôm bán chạy hẳn, gia đình chị Đoàn Thị Nhung, thôn Trung tâm, xã Xuân Lai đang sắp xếp hơn 13.000 cái rọ tôm lên 2 xe ô tô tải của gia đình để vận chuyển đến các tỉnh khác tiêu thụ. Chị Nhung thường đến tận nhà hoặc các phiên chợ ở Xuân Lai, Phúc An để thu gom rọ tôm mang đi tỉnh khác.
Đối với rọ tôm, người dân Đông Hồ luôn coi chất lượng là yếu tố quyết định. Rọ tôm phải to, bền, đẹp, rong rêu ít bám, giang đan hom nhỏ, hom mảnh, tôm dễ vào thì mới đánh được nhiều tôm. Vì vậy, nguyên liệu làm rọ được chọn lựa cẩn thận, kỹ càng. Sau khi chọn được những cây giang, cây nứa vừa ý đem vót thành nan, ngâm với nước trong một khoảng thời gian nhất định để tránh mọt rồi qua bàn tay khéo léo, thoăn thoắt của người dân sẽ tạo thành những sản phẩm vừa bền vừa đẹp, đánh được nhiều tôm, nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chị Triệu Thị Chí - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Lai cho biết: “Hiện nay, nghề đan rọ tôm đã trở thành nghề chính của nhiều gia đình trong xã. Toàn xã có đến 85% số hộ đan rọ tôm. Có một vài nhà trong xã còn cho thuê ruộng để chỉ đan rọ tôm. Một người thành thạo đan được khoảng 70 - 80 cái rọ tôm/ngày và cho thu nhập cỡ 150.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập lớn đối với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nhờ có nghề đan rọ tôm, người lao động ở Đông Hồ có thêm việc làm; cuộc sống ngày càng khấm khá hơn; nhiều nhà xây dựng được nhà cửa khang trang; các điều kiện vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. Nghề đan rọ tôm thực sự là cơ hội để người dân xóa đói giảm nghèo. Nghề phụ lại đang cho thu nhập chính cũng là điều đáng suy nghĩ ở vùng Đông hồ Thác Bà!
Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Năm 2017, huyện Văn Chấn được tỉnh giao kế hoạch thu ngân sách trên địa bàn là 153,5 tỷ đồng; HĐND huyện ra nghị quyết phấn đấu thu 159 tỷ đồng.
YBĐT - Thời gian qua, sâu hại quế lại lần nữa xuất hiện ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên. Dù diện tích bị hại không lớn nhưng người dân ở đây vẫn thấy xót xa khi vào tháng 10 năm ngoái, sâu ăn lá đã gây hại 22 ha quế.
Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu (MOCCAE) Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại rau quả từ 5 nước Trung Đông. Đây được xem là cơ hội tốt cho sản phẩm rau củ quả của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại thị trường.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ lệ phát nhiệt điện than đang chiếm tới 34,37%, với tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đạt 13.483MW. Tốc độ tăng trưởng của nhiệt điện than từ năm 2000 - 2015 đạt 17%, sản xuất tới 80 tỷ kWh/năm.