Phát huy nghề dệt thổ cẩm
- Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2017 | 10:37:54 AM
YBĐT - Hiện tại, ở thị xã Nghĩa Lộ có khoảng hơn 600 hộ, với hơn 1.000 lao động trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm may mặc bằng vải thổ cẩm.
Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái ở Mường Lò luôn được du khách ưa chuộng.
|
Trước những đổi thay của xã hội hiện đại, đã có lúc nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Thái ở Mường Lò tưởng như không thể tồn tại. Song, từ sự tâm huyết, lòng đam mê với nghề, người dân nơi đây đã quyết tâm gìn giữ và tìm lại được chỗ đứng cho nghề thêu, dệt truyền thống của dân tộc mình.
Chúng tôi tới thăm cơ sở dệt của chị Lò Thị Tuyên ở tổ Pá Khết, phường Trung Tâm, thị Nghĩa Lộ trong không khí rộn ràng, tất bật, người se sợi, người dệt, người thêu, ai nấy đều say sưa với công việc của mình.
Chị Tuyên cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Mường Lò có từ lâu đời, song trước đây, công cụ dệt vải chỉ là những khung cửi thô sơ làm bằng tre, gỗ nên để tạo ra một sản phẩm bền đẹp, chị em người Thái phải tốn công sức cả năm trời. Yếu tố thời gian kéo dài, cộng thêm sự xuất hiện ngày càng đa dạng, phong phú của các sản phẩm ngành dệt may công nghiệp, đã khiến nhiều chị em không còn mặn mà với nghề. Trước thực trạng trên, tôi và nhiều hộ dân nơi đây đã quyết tâm tìm cách khôi phục lại nghề”.
Được biết, ngoài việc tích cực tuyên truyền cho thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc; những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng sản phẩm thêu, dệt. Hàng ngày, tranh thủ những lúc nông nhàn, các bà, các chị người Thái có nhiều kinh nghiệm trong nghề thêu, dệt thổ cẩm lại tới các thôn, bản vận động chị em học nghề và truyền nghề. Ban đầu, những sản phẩm thêu, dệt được chị em làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình. Nhưng về sau, do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong vùng và khách du lịch trong, ngoài nước ngày càng nhiều nên nghề thêu, dệt đã có cơ hội phát triển và trở thành đòn bẩy giúp đồng bào Thái ở Mường Lò phát triển sản xuất.
Hiện tại, ở thị xã Nghĩa Lộ có khoảng hơn 600 hộ, với hơn 1.000 lao động trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm may mặc bằng vải thổ cẩm. Trung bình mỗi năm sản xuất trên 100.000 sản phẩm may mặc thổ cẩm như: váy, áo, mũ, khăn, mặt chăn, đệm... phục vụ đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Tày... sinh sống trên địa bàn và khách du lịch tới tham quan mua làm quà lưu niệm. Mặc dù điều kiện chưa thể phát triển tập trung thành làng nghề, nhưng thông qua việc lưu giữ được nghề thêu, dệt truyền thống cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con.
Chị Lò Thị Siêng - một thợ thêu lâu năm cho hay: “Mỗi sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm không chỉ bao hàm trong đó sự sáng tạo, tính nghệ thuật, mà còn chất chứa cả tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của người Thái. Bởi vậy, mỗi sản phẩm làm ra đến được tay người tiêu dùng và được người tiêu dùng ưa chuộng là chị em chúng tôi thấy phấn khởi vô cùng”.
Hiện tại, thay vì dệt thủ công, hầu hết các cơ sở dệt trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đều đã sử dụng máy dệt cải tiến. Những máy dệt này đã giúp chị em tiết kiệm được thời gian, công sức mà vẫn tạo ra được những sản phẩm bền đẹp như ý, ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Chị Lò Thị Mây, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ tâm sự: “Mấy năm trước, vì thiếu việc làm, các chị em trong xã thường phải đi làm ăn xa, nhưng nay thì hầu hết đều ở nhà gắn bó với chăn nuôi, ruộng đồng và học thêm nghề thêu, dệt truyền thống. Trung bình mỗi tháng, với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người từ việc làm ra các sản phẩm thêu, dệt, chúng tôi coi đây là khoản thu nhập rất có ý nghĩa vì đã góp phần ổn định cuộc sống”.
Với mong muốn, thời gian tới, các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của người Thái ở Mường Lò có thể vươn xa tới nhiều thị trường lớn trong nước và quốc tế, hy vọng rằng, các cấp chính quyền và các ngành chức năng sẽ có những chính sách kích cầu, khuyến khích đầu tư phù hợp, từng bước hình thành các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đẩy mạnh quảng bá du lịch nhằm giới thiệu và thúc đẩy thế mạnh về sản xuất thổ cẩm phát triển.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Tháng 5, là thời điểm chè bước vào lứa thu hái đầu tiên của niên vụ chè mới. Trên những nương chè từ vùng thấp đến vùng cao của huyện Văn Chấn, người dân đang khẩn trương thu hái chè bán cho các cơ sở thu mua chế biến.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), từ 1/6 tới, các nhà mạng được quyền chủ động về giá cước và thời gian đàm phán với các đối tác về dịch vụ chuyển vùng quốc tế chiều đi và chiều đến.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020 với 15 tiêu chí.
Chính phủ nhất quán chủ trương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%. Một số chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu là: Khu vực nông nghiệp tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%...