Gỡ khó cho người nuôi lợn Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2017 | 10:54:28 AM
YBĐT - Lợn đầy chuồng nhưng những người chăn nuôi lại thất thần, lo âu vì lợn xuống giá. Cho ăn để cầm cự, hy vọng giá lợn sớm tăng là tình cảnh chung hiện nay của người chăn nuôi lợn ở Văn Chấn.
Gia đình anh Hoàng Văn Hùng, thôn Chùa, xã Chấn Thịnh có đàn lợn siêu nạc hơn 120 con, trong đó, có 100 con đã trên dưới 100 kg đang gầy mòn, sụt cân vì đói. Năm 2016, sau khi giá lợn hơi lên trên 45.000/kg, anh đã dồn hết vốn để mở rộng chăn nuôi. Chọn giống lợn giống siêu nạc, anh Hùng nghĩ giống đắt thì ít hộ có điều kiện chăn nuôi quy mô lớn.
Hơn nữa, lợn hơi siêu nạc cũng dễ tiêu thụ hơn, giá thường cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng chăn nuôi, vốn bỏ ra mua giống, thức ăn đã lên gần 400 triệu đồng và lợn đến thời điểm xuất bán thì giá lợn tụt dốc thảm hại. Gia đình anh đã vay mượn cố cầm cự thêm 2 tháng nay, nhưng mong chờ mãi giá lợn cũng chẳng khả quan.
Trong tâm trạng buồn rầu, anh Hùng cho hay: “Nếu bán được hết với giá 22.000 đồng/kg như hiện nay thì đã lỗ gần 200 triệu đồng. Nhưng giờ giá rẻ mà thương lái cũng vài ngày mới bắt một con nên bỏ đi cũng không đành, mà để lại thì càng ngày càng mất thêm chi phí”.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Hùng, hiện cả xã Chấn Thịnh có 71 hộ nuôi lợn quy mô 20 con trở lên cùng hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Theo thống kê của xã, chỉ tính riêng các hộ nuôi quy mô lớn đã có trên 2.400 con, trong đó, có trên 1.400 con trọng lượng 70 kg trở lên. Số lượng lớn nhưng tiêu thụ hết sức khó khăn.
Chính quyền xã chỉ biết vận động nhân dân tự mổ lợn ăn chung và kêu gọi Quỹ Tín dụng nhân dân, các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi giãn nợ, giảm lãi suất cho các hộ duy trì đàn lợn chờ giá cả nhích lên. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi số lượng lợn đến tuổi xuất bán còn rất lớn, trong khi nhiều hộ đã hết khả năng để nuôi đàn lợn.
Ông Hà Văn Thịnh - Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho rằng: “Để giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi, Nhà nước cần có giải pháp cấp bách hỗ trợ người chăn nuôi. Trước mắt, tạo điều kiện về vốn, giảm lãi suất, kéo dài chu kỳ cho vay vốn cho những hộ nuôi lợn. Điều quan trọng là, cần nhanh chóng tìm đầu ra để tiêu thụ đàn lợn cho dân nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, duy trì chăn nuôi”.
Chăn nuôi lợn thịt gặp khó, những người nuôi lợn nái còn gặp khó hơn. Khi giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ nuôi lợn nái đã thụ tinh và chuẩn bị cho chu kỳ tái đàn.
Giờ lợn hơi chưa tiêu thụ được, lợn con đành ách lại. Lợn nái và lợn con đều là những đối tượng đòi hỏi quá trình chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, khẩu phần ăn cũng như quy trình chăm sóc đều không thể cắt giảm. Đặc biệt, những hộ chăn nuôi đàn nái quy mô lớn, việc không tiêu thụ được lợn con buộc họ phải mở rộng chuồng trại để chuyển nuôi lợn thịt hoặc bỏ đi những đàn lợn sữa.
Anh Phạm Ngọc Hưng ở tổ dân phố 6, thị trấn Nông trường Trần Phú chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 42 nái giống siêu nạc. Thời điểm này năm trước, giá lợn con 2 tháng tuổi trên 1 triệu đồng/con mà không đủ bán. Đến nay, giá chỉ còn 400.000 - 450.000 đồng/con mà vãn không bán được. Gia đình hiện vẫn còn trên 100 lợn con và trong tháng 6 này sẽ có khoảng 200 lợn sữa nữa ra đời mà chưa biết lấy gì cho chúng ăn”.
Lo lắng, buồn rầu là tâm trạng chung của hầu hết các hộ chăn nuôi lợn ở Văn Chấn hiện nay. Với điều kiện sản xuất thuần nông, những năm qua, chăn nuôi lợn được nhiều hộ chọn là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế.
Bởi lẽ, chăn nuôi lợn vừa tận dụng được các phụ phẩm trong nông nghiệp, cũng không tốn nhiều diện tích lại có thêm chất đốt phục vụ sinh hoạt, phân bón cho đồng ruộng.
Thực tế, nuôi lợn đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và trở nên khá giả. Những lợi thế về chăn nuôi được phát huy cùng giá lợn liên tục tăng cao khiến các mô hình nuôi lợn ở Văn Chấn ngày càng nở rộ.
Theo thống kê thời điểm trung tuần tháng 5, toàn huyện có 104.000 con lợn, với trên 300 hộ nuôi quy mô 20 con trở lên. Hiện, số lợn hơi có trọng lượng 70 kg trở lên còn tồn đọng khoảng 4.800 con, tổng trọng lượng là 387 tấn. Số lượng lợn thịt lớn, trong khi việc tiêu thụ rất chậm, nên giá thành đã tụt dốc dao động từ 18 - 22.000 đồng/kg. Giá thấp nhiều hộ muốn bán vẫn không bán được, đành rủ nhau mổ lợn ăn chung nhưng cũng chỉ giải quyết được số lượng nhỏ.
Trước những khó khăn của các hộ chăn nuôi lợn, chính quyền các xã đã khuyến cáo người dân nên tạm ngừng tái đàn, tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho lợn. Đặc biệt, ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ hướng dẫn cách chăn nuôi để giảm chi phí thức ăn, duy trì sức khỏe đàn lợn.
Huyện cũng chỉ đạo các cơ sơ kinh doanh thức ăn chăn nuôi và cơ sở kinh doanh giết mổ tạm ứng thức ăn, giãn nợ, khoanh nợ và tăng cường tiêu thụ lợn cho nhân dân.
Ông Hoàng Xuân Quang - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: “Hiện, toàn huyện có 69 hộ vay vốn của Ngân hàng để chăn nuôi lợn, với tổng dư nợ gần 1,4 tỷ đồng. Ngân hàng đã chỉ đạo cán bộ tín dụng rà soát, kiểm tra lại các hộ vay vốn, xem xét đề nghị của các hộ để giãn nợ, giảm lãi suất. Ngân hàng cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn và dành khoản vay với lãi suất rất ưu đãi cho các hộ chăn nuôi lợn gặp khó khăn”.
Có thể thấy, tháo gỡ khó khăn cho những hộ chăn nuôi lợn đang cần những giải pháp cấp bách, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm lợn thịt. Về lâu dài, chính quyền các cấp cần nghiên cứu quy mô chăn nuôi hợp lý và có những dự đoán, cảnh báo sớm về thị trường, dịch bệnh để người dân hạn chế những thua thiệt trong quá trình phát triển kinh tế ở địa phương.
Trần Van
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế.
YBĐT - Theo báo cáo của Điện lực Yên Bái, hiện nay Yên Bái được cấp bởi hai nguồn điện: nguồn điện lưới từ điện lưới Quốc gia Việt Nam và một số nhà máy thủy điện nhỏ. Công ty Điện lực Yên Bái đang quản lý, vận hành 1667,997 km đường dây 35 KV, trên 57 km đường dây 22 KV và 125 km đường dây 10 KV và gần 1.000 trạm biến áp các loại.
YBĐT - Với diện tích gần 5.000 ha, chè là một trong những cây trồng thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Văn Chấn. Sản xuất, kinh doanh chè đã tạo việc làm thu nhập cho trên 10 vạn lao động và đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 30 tỷ đồng/năm.
YBĐT - Tính đến ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng 114.517 con lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được. Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg.