Các biện pháp phát hiện tham nhũng
- Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2017 | 11:01:32 AM
YBĐT - Hiện nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) đang trở thành nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Cán bộ Thanh tra tỉnh và các ban, ngành liên quan tham gia buổi tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh.
|
Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nạn tham nhũng, lãng phí, có 4 biện pháp cơ bản đã và đang được thực hiện hiệu quả gồm: thông qua công tác kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát; qua việc tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng và qua hoạt động giám sát của người dân, mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Theo đó, biện pháp đầu tiên là thủ trưởng của các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền.
Để làm tốt công tác tự kiểm tra này, thủ trưởng cơ quan phải chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách thường xuyên và trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ công chức, viên chức khác do mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đôn đốc người đứng đầu đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý để kịp thời xử lý theo đúng thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản khác của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát. Vì thế, có thể áp dụng hình thức kiểm tra như: việc kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch, tập trung vào lĩnh vực, hoạt động thường phát sinh hành vi tham nhũng; việc kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.
Biện pháp phát hiện tham nhũng thứ hai là các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, điều tra, viện kiểm sát, tòa án thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Thông qua các hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thông qua các hoạt động giám sát có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng, từ đó có thể yêu cầu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật. Thứ ba là biện pháp phát hiện tham nhũng thông qua việc tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng.
Theo đó, công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Song, người tố cáo phải bảo đảm tố cáo một cách trung thực, nêu rõ họ tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Nếu người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, trường hợp nếu người tố cáo mà gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, qua các mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Sau đó, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận đơn tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền. Phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo.
Đồng thời, phải áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo có yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu. Cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải tạo điều kiện, cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, nhằm hạn chế cao nhất những thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
Biện pháp cuối cùng là phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của người dân, MTTQ Việt Nam và báo chí. Ở đây, mọi công dân đều có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng và có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh PCTN; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN. Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc PCTN; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong PCTN; khi đưa tin cần bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Cùng với 4 thành phố trong cả nước, sáng 29/4/2017, Tập đoàn Vincom đã khai trương và đưa vào hoạt động Vincom Plaza Yên Bái. Sau một tháng đi vào hoạt động, Vincom Plaza Yên Bái đã thu hút được lượng khách hàng khá lớn đến mua sắm và sử dụng các dịch vụ sang trọng, tiện ích.
YBĐT - Lợn đầy chuồng nhưng những người chăn nuôi lại thất thần, lo âu vì lợn xuống giá. Cho ăn để cầm cự, hy vọng giá lợn sớm tăng là tình cảnh chung hiện nay của người chăn nuôi lợn ở Văn Chấn.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế.
YBĐT - Theo báo cáo của Điện lực Yên Bái, hiện nay Yên Bái được cấp bởi hai nguồn điện: nguồn điện lưới từ điện lưới Quốc gia Việt Nam và một số nhà máy thủy điện nhỏ. Công ty Điện lực Yên Bái đang quản lý, vận hành 1667,997 km đường dây 35 KV, trên 57 km đường dây 22 KV và 125 km đường dây 10 KV và gần 1.000 trạm biến áp các loại.