Tiêu thụ nông sản ở Yên Bái: Gặp khó vì phụ thuộc vào một thị trường
- Cập nhật: Thứ năm, 13/7/2017 | 7:52:07 AM
YBĐT - Từ cuối năm 2016 đến nay, việc tiêu thụ một số mặt hàng nông, lâm sản gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc vốn rất phức tạp.
Chế biến măng khô xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.
|
Theo báo cáo của Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nông, lâm sản chế biến 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 12,5 triệu USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm là do một số mặt hàng vốn được coi là thế mạnh của Yên Bái đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017 đến nay, giá thịt lợn giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Nguyên nhân chính làm giá lợn hơi xuống thấp do cung vượt quá cầu, vì nhiều năm phát triển nóng, vượt xa khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa, trong khi đó thị trường xuất khẩu vẫn chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, do từ cuối năm 2016 đến nay, Trung Quốc ngừng nhập lợn đã kéo giá lợn hơi xuống thấp thê thảm như hiện nay.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn thì hàng năm sản lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chỉ bằng 20% tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng. Chính việc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng bấp bênh này.
Bằng nhiều giải pháp giải cứu đàn lợn, đến nay giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/kg, nhưng với mức giá này mỗi đầu lợn người chăn nuôi vẫn lỗ từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/kg.
Theo dự báo, tình hình chăn nuôi lợn vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do số lượng tồn trong dân vẫn còn rất lớn, trong khi đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Ngoài thịt lợn hơi nhiều mặt hàng được coi là thế mạnh của tỉnh như: chè, quế, tinh bột sắn lại đạt giá trị xuất khẩu thấp so với kế hoạch dự báo, bởi thực tế, các mặt hàng này phần lớn đều chịu sự chi phối của thị trường Trung Quốc luôn biến động phức tạp, thất thương.
Với vùng chè kinh doanh trên 9.000 ha, cây chè từ lâu được coi là thế mạnh của tỉnh Yên Bái, nhưng hiện nay chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chè trực tiếp.
Các sản phẩm chè xuất khẩu của Yên Bái vẫn chỉ là các sản phẩm sơ chế (chè xanh, chè đen) nên giá bán thấp. Giá bán sản phẩm thấp cũng đồng nghĩa với với việc thu mua nguyên liệu đầu vào thấp.
Nguyên liệu thấp, người làm chè không sống nổi bằng chè, dẫn đến việc chăm sóc kém hiệu quả, dẫn đến nhà máy đói nguyên liệu. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng chè búp tươi thu hái đến nay ước khoảng 33.000 tấn, đạt 41,3% kế hoạch.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến chè đang đói nguyên liệu. Cùng chung cảnh ngộ với thịt lợn hơi và chè là mặt hàng tinh bột sắn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp mặt hàng này là Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm này gần như đóng băng.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái thì 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 1,93 triệu USD, bằng 27,5% kế hoạch, giảm 51,9 % so với cùng kỳ.
Nguyên nhân giảm là do việc xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính gần như đóng cửa. Một mặt hàng nữa cũng được coi là thế mạnh của Yên Bái là tinh dầu quế, nhưng cũng bị chững lại so với năm 2016 do các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nguyên nhân, do công nghệ chưng cất tinh dầu quế của các doanh nghiệp Yên Bái chưa đạt được nồng độ mà các thị trường khó tính yêu cầu.
Trước bối cảnh các mặt hàng nông sản chịu sự chi phối của thị trường Trung Quốc, thì để giải quyết đầu ra cho nông sản không có cách nào khác là tiếp tục củng cố và đẩy mạnh việc mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một rào cản không nhỏ ảnh hưởng đến tiêu thụ cũng như xuất khẩu hàng nông sản là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời thì các mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi tham gia thị trường xuất khẩu liên tiếp gặp những rào cản kỹ thuật từ phía các đối tác về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Minh chứng rõ nhất là sản phẩm chè xuất khẩu. Do đó, để giải quyết đầu ra cho nông sản, người nông dân trước tiên phải tạo được sản phẩm chất lượng và phù hợp với tín hiệu của thị trường.
Vì vậy, trước tiên phải xây dựng quy hoạch gắn với việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường quản lý nhà nước về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức cho người sản xuất, nhất là ở các vùng trồng rau, chăn nuôi an toàn theo các quy chuẩn VietGAP, ISO... cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cần được quan tâm, chú trọng.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ tối ngày 11/7 đến sáng sớm nay (12/7) vẫn tiếp tục có mưa, có nơi mưa to. Mực nước sông Hồng lúc 15h ngày 12/7 tại Yên Bái là 30,29 m (trên báo động I là 0,29m).
YBĐT - Do ảnh hưởng của rãnh thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12/7, trên địa bàn huyện Trấn Yên có mưa to đến rất to, với lượng mưa trung bình đo được là trên 150mm, có nơi trên 200mm, kết hợp với nước sông Hồng dâng cao đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu và các công trình công cộng trên địa bàn.
YBĐT - Ở cấp xã có 1 trung đội cơ động với 69 người luôn sẵn sàng trực chiến 24/24 giờ trong mùa mưa bão. Tại mỗi thôn có 1 tổ xung kích từ 30 đến 50 người cùng các phương tiện, dụng cụ cần thiết.
YBĐT - Ngày 31/5/2017, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an ban hành Công văn số 2916/C67-P9 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp ngân hàng. Theo đó, “Đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp còn hiệu lực...”.