Chăm sóc rau vụ hè thu

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/7/2017 | 1:51:21 PM

YBĐT - Người trồng rau cần thực hiện một số biện pháp cơ bản để trồng và chăm sóc rau vụ hè thu đạt hiệu quả.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Tĩnh, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái vụ hè thu này trồng 4,5 sào mướp và 1,7 sào rau ngót. Đây là diện tích được ông duy trì trong vụ hè thu các năm qua.

Từ đầu vụ đến nay, rau ngót của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định, giá từ 2.000 - 4.000 đồng mỗi mớ. Đối với rau ngót, ông sử dụng toàn bộ bằng phân chuồng nên rau rất tốt lại bền đất.

Riêng với mướp, diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng gay gắt ban ngày nhưng lại lạnh xuống ngay trong đêm là nguyên nhân khiến mướp không đậu quả do thụ phấn kém, chỉ đạt 50% năng suất so với mọi năm; nếu đậu quả thì cũng thường bị ruồi vàng phá. Vì không được mùa nên mướp được giá, đầu vụ là 15.000 đồng/kg.

Ông Tĩnh cho biết: “Trong vụ hè thu, đối với cây mướp, tôi luôn thực hiện lên luống cao, có hệ thống thoát nước tốt và treo bẫy côn trùng để phòng chống ruồi vàng hại quả”. Tính đến ngày 5/7/2017, các địa phương trên địa bàn thành phố đã trồng 73,1 ha rau các loại vụ hè thu như: rau muống, rau đay, rau mùng tơi, đỗ đũa, rau ngót, họ bầu bí, rau cải ăn lá các loại. Diện tích này chủ yếu ở xã Tuy Lộc là 33,5 ha, Âu Lâu 12,5 ha, Tân Thịnh 10 ha…

Hiện nay, trên các loại rau đều xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại nhưng không có diện tích nhiễm nặng mà chỉ ở mức độ trung bình và nhẹ. Cụ thể, ở đậu đỗ xuất hiện sâu cuốn lá, đục quả, gỉ sắt; xuất hiện đốm mắt cua, lở cổ rễ trên rau đay, mùng tơi; rau ngót là bệnh phấn trắng, sâu đo; rau muống bị thối nhũn, rầy, rệp; ở bầu, bí, mướp các loại thì nguy hiểm nhất là ruồi đục quả, bệnh phấn trắng, sương mai.

Theo bà Trần Thị Đường - Phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Yên Bái: để trồng và chăm sóc rau vụ hè thu đạt hiệu quả, người trồng rau cần thực hiện một số biện pháp cơ bản. Trước tiên, cần chú ý việc thoát nước tốt, lên luống cao, tránh để rau bị ngập úng, nhất là sau các trận mưa rào. Khi làm đất, không nên làm đất quá nhuyễn vì sẽ bị thiếu ô xi, cây bị nghẹt rễ.

Giống các loại rau trồng, cần chọn giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Về phân bón, người trồng rau nên bón vôi lót, bón phân cân đối. Những ngày mưa, đất ướt thì không nên bón thúc phân vô cơ, khi nào đất khô ráo mới bón đạm.

Đối với việc làm cỏ, những ngày mưa vừa xong, đất còn ẩm, cần hạn chế lội vào ruộng, vào vườn nhổ cỏ. Do vụ hè thu thường hay mưa, nên việc chống ngập úng cho rau là vô cùng quan trọng. Sau mưa to, người trồng rau cần khơi thông mương, rãnh để nước thoát nhanh, tránh để ngập sẽ gây thối rễ, chết cây, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh gây hại. Nếu cây có nhiều lá già, cây bị bệnh thì phải dùng dao nhỏ để cắt tỉa lá. Người trồng rau cũng cần quan tâm làm giàn che phủ đơn giản cho rau bằng các loại vật liệu như: tre, gỗ, lưới ni - lông…

Nếu nắng nóng kéo dài, cần phải áp dụng làm vòm che thấp cho rau bằng cách che phủ ni - lông lưới đen trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều hàng ngày. Nếu mưa kéo dài, phải che phủ bằng ni - lông trắng nhưng chỉ áp dụng cho một số loại cây trồng như: rau đay, rau mùng tơi, rau cải sớm các loại; còn đối với bầu, bí, mướp, rau muống, rau ngót thì chỉ cần nhanh chóng thoát nước sau mưa vì có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt hơn.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Người dân xã Cao Phạ chăm sóc lúa mùa.

YBĐT - Nhờ thời tiết thuận lợi, chủ động nước tưới và sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, nhân dân huyện Mù Cang Chải đã tập trung sản xuất vụ mùa không chỉ bảo đảm tiến độ mà còn gieo cấy hết diện tích các chân ruộng hiện có nhằm nâng cao tổng sản lượng lương thực có hạt trong năm, giữ vững an ninh lương thực tại chỗ.

Mô hình cam VietGAP giúp các hộ dân trồng cam ở Văn Chấn có sản phẩm đạt chất lượng tốt, nâng cao giá trị thu nhập.

YBĐT - Huyện Văn Chấn nổi tiếng có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất tỉnh Yên Bái với diện tích 1.300 ha. Năm 2015, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Yên Bái đã xây dựng mô hình trồng cam VietGAP ở 5 hộ, diện tích 6,4 ha tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La.

YBĐT - Trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt các quy định về lãi suất huy động và cho vay. Đến nay, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, các quỹ tín dụng ước đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 8,2% so với với đầu năm và tăng 21,7% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục