Mù Cang Chải: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thỏ NewZealand
- Cập nhật: Thứ năm, 20/7/2017 | 1:55:57 PM
YBĐT - Trong năm 2015 và năm 2016, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mù Cang Chải (đơn vị chủ trì thực hiện Dự án) đã triển khai Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi giống thỏ NewZealand tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”.
Giống thỏ NewZealand đang được nhiều hộ dân huyện Mù Cang Chải mua về nuôi.
|
Tổng kinh phí thực hiện Dự án là trên 287 triệu đồng, trong đó ngân sách khoa học là 215 triệu đồng và vốn nhân dân đóng góp là trên 72 triệu đồng. Mục tiêu của Dự án là chuyển giao tiến bộ, giúp nông dân địa phương tiếp thu và làm chủ kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng giống thỏ NewZealand, góp phần từng bước chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của người dân.
Sau khi khảo sát 18 hộ đăng ký thực hiện trên địa bàn xã Hồ Bốn và 17 hộ ở xã Khao Mang, tháng 7/2015, đơn vị chủ trì Dự án đã lựa chọn 9 hộ dân tại xã Khao Mang và Hồ Bốn đủ tiêu chuẩn để xây dựng 9 mô hình nuôi 108 con thỏ NewZealand sinh sản; mỗi mô hình được hỗ trợ 10 thỏ cái sinh sản và 2 thỏ đực giống.
Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ trên 4.000 hom giống cỏ VA 06 cho các hộ trồng làm thức ăn cho thỏ. Trước khi giao thỏ giống cho các hộ tham gia mô hình nuôi, Phòng NN&PTNT huyện đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn cho 60 hộ dân ở 2 xã triển khai xây dựng mô hình nắm được kỹ thuật nuôi giống thỏ Newzealand; hướng dẫn người dân nuôi thỏ theo đúng kỹ thuật từ các khâu: chuồng trại, khu trồng cỏ, giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng bệnh cho đàn thỏ...
Đến ngày 22/01/2016, Phòng NN&PTNT huyện đã nhập 108 con thỏ bố mẹ, trong đó có 18 thỏ đực giống, 90 con thỏ cái sinh sản của Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh huyện Trấn Yên, giao cho các hộ tham gia mô hình. Thỏ giống đã được tiêm phòng và tuyển chọn kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn của thỏ bố mẹ, khoẻ mạnh nhanh nhẹn và có đầy đủ các đặc điểm về giống như lông màu trắng, mắt đỏ, được chọn từ thỏ mẹ đẻ sai, mắn đẻ, nuôi con khéo, hay ăn, không bị dịch bệnh, trọng lượng thỏ đạt trung bình 2,5kg/ con.
Kỹ sư chăn nuôi - Lương Thế Chung, Phòng NN&PTNT huyện Mù Cang Chải, Chủ nhiệm Dự án cho biết: “Để mô hình triển khai có hiệu quả, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ xuống từng mô hình “cầm tay, chỉ việc”, vừa hướng dẫn, vừa cùng với người dân chăm sóc thỏ trực tiếp tại mô hình để người dân có khả năng tiếp thu và thực hiện tốt hơn...”.
Qua thời gian nuôi 11 tháng đàn thỏ đã phát triển tốt và sinh sản mạnh đem lại thu nhập thường xuyên cho các hộ thực hiện, đáp ứng được nhu cầu của thị trường về thỏ thịt cũng như thỏ giống tại địa phương.
Dự án với quy mô 108 con thỏ giống ban đầu tới thời điểm kết thúc (tháng 12/2016), 9 mô hình đã duy trì được 90 con thỏ cái và 20 con thỏ đực. Tổng số lứa đẻ 179 lứa, số con sinh ra 1.012 con, số thỏ con sinh ra bị chết từ lúc được 1 đến 4 tháng tuổi là 182 con do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là tiêu chảy ở giai đoạn bú mẹ, tổng số thỏ chết ở các giai đoạn là 17%, với tỷ lệ chết này hoàn toàn là phù hợp so với yêu cầu kỹ thuật và thuyết minh đề ra. Số thỏ đẻ ra còn lại 826 con, các mô hình đã bán cho các hộ trong huyện nuôi làm giống và nuôi thương phẩm bán ra thị trường với giá trung bình 100.000 đồng/kg.
Lợi nhuận thu được của một mô hình sau 11 tháng nuôi thu được 11.465.000 đồng. Ngày 04/12/2016, UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp cơ sở. Kết quả, Hội đồng Khoa học của huyện đánh giá đề tài đạt kết quả tốt.
Sau 2 năm triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi giống thỏ NewZealand tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”, đơn vị chủ trì Dự án đã xây dựng thành công 9 mô hình chăn nuôi thỏ NewZealand. Về thị trường tiêu thụ thịt thỏ đã được Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh, huyện Trấn Yên đăng ký thu mua toàn bộ theo giá thị trường tại Yên Bái nên các hộ chăn nuôi đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Đây là cơ sở để huyện Mù Cang Chải tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân phát triển nuôi thỏ thương phẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân trong huyện.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Từ một cây mọc tự nhiên ở các triền núi, cây sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) nay đã trở thành cây trồng chủ lực trong trồng rừng và là cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào vùng cao Mù Cang Chải.
YBĐT - Người trồng rau cần thực hiện một số biện pháp cơ bản để trồng và chăm sóc rau vụ hè thu đạt hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
YBĐT - Nhờ thời tiết thuận lợi, chủ động nước tưới và sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, nhân dân huyện Mù Cang Chải đã tập trung sản xuất vụ mùa không chỉ bảo đảm tiến độ mà còn gieo cấy hết diện tích các chân ruộng hiện có nhằm nâng cao tổng sản lượng lương thực có hạt trong năm, giữ vững an ninh lương thực tại chỗ.