Trạm Tấu lo mùa mưa bão

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/8/2017 | 11:55:47 AM

YBĐT - Là địa bàn vùng cao có địa hình đồi núi dốc, trình độ dân trí còn hạn chế khiến huyện Trạm Tấu gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống lụt bão. Mỗi năm, khi mùa mưa bão đến, những người dân sống trên địa bàn huyện lại đối mặt nhiều nỗi lo.

Mới vào đầu mùa mưa bão năm 2017 nhưng huyện Trạm Tấu đã bị thiệt hại 757 triệu đồng, trong đó nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông và sạt lở ta-luy vào 3 hộ dân tại các xã Túc Đán, Trạm Tấu, Hát Lừu. Tại thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, do ảnh hưởng của mưa lớn nên đã xuất hiện nhiều vết nứt nguy cơ gây sạt lở đến 7 hộ dân.
 
Bước đầu, huyện đã hỗ trợ mỗi hộ dân cần di chuyển chỗ ở 2 triệu đồng. Trong những ngày mưa bão, xã Làng Nhì cũng đang như "nằm trên đống lửa" khi 40 hộ dân của xã đang nằm trong nguy cơ sạt lở cao.
 
Đồng chí Hờ A Khay - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Làng Nhì cho biết: "Trên 50% số hộ dân nằm trong nguy cơ sạt lở này đều là những hộ mới tách, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Mới vào đầu mùa mưa bão nhưng xã đã phải di dời 1 hộ đến nơi ở mới. Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của xã đang ứng trực 24/24 giờ tại các thôn, bản, đặc biệt tại các khu vực có khu dân cư nằm trong nguy cơ sạt lở cao có 1 cán bộ ứng trực thông tin liên tục để kịp thời có biện pháp ứng phó khi có tình huống sạt lở xảy ra".

Việc phòng chống lụt bão đặc biệt là sạt lở đất trên địa bàn huyện Trạm Tấu rất khó khăn vì quỹ đất dân cư ít, những điểm người dân cảm thấy có thể ở trong ngưỡng an toàn so với mặt bằng chung còn hạn hẹp, giá đất đắt hơn vàng. Vì vậy, đến nay, nhiều hộ dân ở thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ vẫn ở phía dưới những ta-luy cao ngất. Mùa mưa bão năm 2016, gia đình anh Giàng A Hành ở khu vực này đã bị sập hoàn toàn, các hộ dân sống ở đây cũng bị đất sạt vào nhà không ít thì nhiều. Nhưng lo vẫn chỉ là lo vì việc chuyển đi nơi khác rất khó khăn.

Mùa mưa bão năm nào, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng nỗ lực tuyên truyền người dân không ở lại qua đêm tại các lán trại hay di dời đến nơi ở an toàn nhưng với đặc thù của huyện miền núi rất ít mùa mưa bão Trạm Tấu không bị thiệt hại.
 
Mùa mưa bão năm 2016 đã có 5 người chết, trong đó có 2 người chết vì sạt lở đất; 139 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 8 nhà sập hoàn toàn, 92 nhà bị sạt lở đất; các công trình giao thông thủy lợi, hoa màu của người dân cũng bị ảnh hưởng. Thiệt hại lên đến 38 tỷ đồng. Thiệt hại đã rõ nhưng việc để người dân an toàn trong mùa mưa lũ ở vùng cao còn là vấn đề rất nan giải.
 
Đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cho biết: "Mùa mưa bão ở Trạm Tấu, nguy cơ sạt lở có thể đến bất kỳ lúc nào do địa hình đồi núi dốc. Vì vậy, chúng tôi cũng đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt là duy trì ứng trực 24/24 giờ ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao".

Giải pháp của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Trạm Tấu xây dựng rất cụ thể trước mùa mưa bão năm 2017. Huyện đã tiến hành diễn tập tại những xã trọng điểm, đặc biệt là công tác ứng cứu khi tình huống xảy ra. Trên tất cả, Trạm Tấu đang nỗ lực hết mình trong công tác tuyên truyền, vận động. Đó là cử cán bộ về cơ sở vận động kết hợp với kiểm tra giám sát việc PCTT; nâng cao nhận thức cho người dân biết tự bảo vệ mình khi mưa bão xảy ra. Hy vọng với những giải pháp quyết liệt, mùa mưa bão năm nay, Trạm Tấu sẽ không có những thiệt hại đáng tiếc.

                                                                                                                   Phương Thùy - Lộc Chầm

Các tin khác

YBĐT - Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang trở nên vô cùng nhức nhối, câu hỏi đặt ra ở nhiều khâu từ giống, trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến và cả khâu cuối cùng là trên bàn ăn. Trước thực trạng đó, từ năm 2016 một lần nữa thành phố Yên Bái triển khai "sản xuất rau an toàn”. Sau hơn một năm đã có những kết quả nhất định và bộc lộ rõ những hạn chế cần khắc phục.

Lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng ở huyện Văn Yên tiếp tục có sự phát triển ổn định.

YBĐT - Những năm qua, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp huyện Văn Yên có bước phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng, trong đó chế biến tinh dầu quế, tinh bột sắn, gỗ rừng trồng và khai thác vật liệu xây dựng là các ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng tương đối lớn.

Hiện, toàn huyện Trấn Yên có 900 ha chè chất lượng cao.

YBĐT - Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi và từ thực tiễn, huyện Trấn Yên đã tìm ra cho mình các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để phát triển tạo vùng hàng hóa tập trung gắn với chế biến, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục