Tằm tang “dệt” trang đời mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/9/2017 | 6:44:18 AM

YBĐT- Ở huyện Trấn Yên, cây dâu tằm có mặt tại gần 10 xã nhưng nhiều hơn, tập trung hơn vẫn là Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng. 

Lãnh đạo xã Việt Thành, huyện Trấn Yên kiểm tra quá trình tạo kén tằm.
Lãnh đạo xã Việt Thành, huyện Trấn Yên kiểm tra quá trình tạo kén tằm.

Mới ngày nào, ngược xuôi qua huyện Trấn Yên còn thấy bờ bãi "xôi đỗ” những cây rau màu, ngô, mía... Dân lam lũ, vất vả, chuyện nông thôn mới còn bộn bề, khó khăn. Bẵng đi một thời gian đã thấy những bãi dâu xanh bạt ngàn nơi ven sông, vườn nhà, chân đồi. Dọc ngang thôn cùng, ngõ hẻm đâu cũng đường sá thênh thang, nhà cửa bề thế, sạch đẹp… Mấy nơi có nghề tằm tơ, giờ đã là xã nông thôn mới. Phải chăng, cây dâu, con tằm đã nhả tơ "dệt” trang đời mới?

Người ta hay gọi mấy xã Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng và một vài xã dọc bờ bãi sông Hồng ở Trấn Yên là xứ "tằm tang”, ấy là bởi nơi đây có nghề trồng dâu, nuôi tằm. Chữ "tang" hàm nghĩa: thời vụ trồng dâu, phương pháp trồng dâu, cách hái dâu, bảo quản dâu, cách cho tằm ăn. Nếu nói "tằm tơ” thì mới được một vế: "nuôi tằm lấy tơ”, chưa nói được vế quan trọng thứ hai "tạo ra dâu để nuôi tằm”. Cho nên, nói "tằm tang” là rất chí lý.
 
 Ở huyện Trấn Yên, cây dâu tằm có mặt tại gần 10 xã nhưng nhiều hơn, tập trung hơn vẫn là Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng. Dù vậy, mỗi khi nhắc đến xứ tằm tang, người ta vẫn đặt Việt Thành trước Báo Đáp, Tân Đồng. Nguyên do, bởi Việt Thành chính là nơi khởi xướng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Trấn Yên.
 
Trở lại nhiều năm về trước, sau khi được đưa lên bàn nghị sự lại thêm sự khẳng định của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về sự thuận lợi của khí hậu, thổ nhưỡng, cây dâu trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược làm giàu cho người dân Việt Thành. Từ diện tích vài héc - ta, từ những người đi tiên phong là đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn đến nay, diện tích cây dâu ở Việt Thành đã lên tới 63 ha. Dâu tràn ra bát ngát cả một vùng bờ bãi ven sông rồi len lỏi vào cả chân đồi, bãi bồi ven suối. Làng trên, xóm dưới người người tất bật hái dâu, chăn tằm.
 
Dừng chân trước căn nhà gỗ ba gian, lợp cọ, tôi gặp một người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang gùi dâu từ bãi về. Bà tên Nguyễn Thị Hoàn, thôn 8. Căn nhà này là khu nuôi tằm của tổ hợp nuôi tằm con tập trung. Mồ hôi nhễ nhại, vạt áo, bàn tay lấm đen nhựa dâu nhưng bà vẫn nhiệt tình giới thiệu tỷ mỷ: "Đây là trứng tằm, đây là vòng ăn 3, vòng ăn 2. Chỗ này tằm đang vào kén… Khi tằm ăn rỗi là lúc vất vả nhất, tôi phải thường xuyên dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đi hái dâu. Dù vậy, trồng dâu, nuôi tằm vẫn cho thu nhập ổn định và cao hơn so với các cây trồng khác”.
 
Dễ trồng, giá trị lớn, nghề tằm tang là lời giải cho bài toán lao động nông thôn ở Việt Thành, bởi có cây dâu thì có nghề nuôi tằm; có nghề nuôi tằm rồi cũng sẽ có nghề ươm tơ. Người dân có việc làm, thu nhập nâng lên, tạo động lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Điều này lý giải vì sao chỉ trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, Việt Thành đã huy động trên 50,76 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, vốn nhân dân đóng góp chiếm 42,9%. Tiềm lực ấy đa phần đến từ nghề trồng dâu, nuôi tằm. Vậy là, trong khi nhiều nơi còn đang loay hoay, mơ hồ về xây dựng nông thôn mới thì nhờ sự chung sức, đồng lòng trong nhân dân, ngày 18/9/2015, Việt Thành vinh dự được đón nhận quyết định đạt chuẩn nông thôn mới của UBND tỉnh Yên Bái.

Hướng về bờ bãi xanh màu dâu tằm,  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành Lê Thị Lụa không cần sổ sách vẫn rõ từng con số và hướng đi của nghề tằm tang: "Sản lượng kén năm 2016 đạt 134,5 tấn, với giá kén bình quân 100 nghìn đồng/kg, giá trị dâu tằm mang về cho nông dân Việt Thành chừng 13,5 tỷ đồng. Năm 2017, xã trồng mới 6 ha trên đất ruộng, màu bãi, phấn đấu đến năm 2020 Việt Thành có 87 ha dâu. Chắc chắn mục tiêu đó sẽ thành công khi nghề tằm tang đang mang lại thu nhập, đời sống mới cho người dân nơi đây”.

Theo "dấu vết” dâu tằm, tôi đến Tân Đồng cũng là xã có tiếng về trồng dâu, nuôi tằm. Nơi đây, dâu trồng tứ bề; trồng trên những thửa ruộng cao thiếu nước và cả những bãi bồi ven suối, vườn nhà. Đã từng là địa phương có nhiều khó khăn, đất đai khô cằn, nhưng nhờ nghề tằm tang mà giờ đây Tân Đồng đã là xã nông thôn mới. Đường giao thông thênh thang, cứng hoá; khu trung tâm xã, hành lang, vỉa hè được lát gạch cứ như đường đô thị; nhà cửa san sát khang trang... Dù không có bãi bồi giàu phù sa như Việt Thành nhưng diện tích dâu tằm ở Tân Đồng lại lớn nhất huyện, hơn 100 héc - ta.
 
Thành quả này là bước đi đúng hướng, kịp thời trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tân Đồng. Ruộng kém hiệu quả chuyển sang trồng dâu; bãi bồi ven suối, chân đồi đưa dâu vào trồng; đất mấp mô thì san phẳng lấy chỗ cho dâu phát triển… Dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật thì xã giúp về cây giống, cách trồng dâu, cách nuôi tằm, tạo kén thông qua các chương trình hỗ trợ rồi thành lập tổ hợp tác liên kết, giúp đỡ, bao tiêu sản phẩm… Cứ thế, nghề tằm tang dần trở thành nghề chính, thu nhập chính của đông đảo người Dao ở Tân Đồng.
 
Phải chăng, dâu tằm đã và đang "dệt” nên trang mới cho đời sống người dân nơi đây như lời khẳng định chắc nịch của anh Đỗ Văn Thạch, thôn 5 mà chúng tôi gặp bên vườn dâu: "Trồng dâu tằm giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa rất nhiều. Nhà tôi trước có 6 sào lúa nhưng thường xuyên thiếu nước nên hiệu quả thấp. Giờ chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, bình quân mỗi năm được 6 lứa tằm, mỗi lứa một vòng trứng cho 15 - 16 kg kén, với giá ổn định 100 nghìn đồng/kg kén như hiện nay thì cũng cho thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm”.
 
 
Ông Nguyễn Văn An, thôn 10, xã Việt Thành kiểm tra quá trình tạo kén tằm.

Dâu từ Việt Thành lan sang Tân Đồng rồi Báo Đáp. Bãi soi màu mỡ với lúa, ngô ngày nào giờ nhường "ngôi” cho dâu tằm. Đưa tay vét một nắm đất bồi. Chao ôi, đất vừa tơi xốp lại được chắt chiu những dinh dưỡng từ phù sa nên dâu cho năng suất cao, lá to, xanh mướt, mỡ màng. Tôi băn khoăn, phải chăng vì đất màu mỡ, dâu tốt, tằm khỏe mạnh nên kén tằm ở Báo Đáp, Việt Thành và cả Tân Đồng cho trên 1.000 mét tơ, cao hơn cả những vùng tằm dâu nổi tiếng ở nước ta?
 
Đến Báo Đáp, người ta có thể kể vanh vách những hộ giàu, hộ thoát nghèo nhờ nghề tằm tang, trong đó có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như ông Nguyễn Văn Côn, Lê Văn Thủy, Nguyễn Văn Nguyên… Dâu ở Báo Đáp hiện chỉ có 54 héc - ta, so với Việt Thành, Tân Đồng thì chưa nhiều bằng, nhưng Báo Đáp đã sớm định hướng cho người dân chuyên môn hóa trong sản xuất dâu tằm.
 
Mỗi hộ dân chỉ chuyên sâu một khâu trong chuỗi sản xuất như: nhóm các hộ chuyên nuôi tằm giống, nhóm hộ chuyên nuôi tằm thương phẩm… Cách làm này đã giúp địa phương chủ động được con giống, nguyên liệu và kén tằm thương phẩm, giá cả không những ổn định mà còn giúp người dân yên tâm sản xuất.
 
Đánh giá về nghề tằm tang, bà Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên phấn khởi cho biết: "Năm 2017, huyện Trấn Yên phấn đấu trồng mới 20 ha dâu, đưa tổng diện tích cây dâu toàn huyện lên 267 ha với sản lượng kén tằm ước đạt 370 tấn. Theo giá bình quân hiện nay thì nhân dân vùng trồng dâu, nuôi tằm thu về vài chục tỷ đồng mỗi năm”.
 
 
Làng quê xứ tằm tang đang đổi thay từng ngày.

Từ những ruộng dâu xanh ngát ven sông Hồng nhìn về làng, chúng tôi thấy những ngôi biệt thự mới xây còn tươi màu sơn mới.. Phải chăng những bãi bờ trồng dâu, những nong tằm, bồ kén đã góp phần làm khởi sắc làng quê? Để rồi từ Báo Đáp, Việt Thành đến Tân Đồng, Đào Thịnh lần lượt trở thành xã nông thôn mới. Mai đây, vùng dâu Trấn Yên sẽ là vài ba trăm héc - ta với nhà máy ươm tơ, dệt lụa và cùng với tre măng Bát độ, chè Bát tiên, rừng nguyên liệu… đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Hùng Cường

Các tin khác

YBĐT - Yên Bái thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do hoàn lưu bão, lượng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập úng... gây thiệt hại  cho sản xuất nông lâm nghiệp. Để đảm bảo an ninh lương thực, Yên Bái đang tích cực khôi phục sản xuất nông - lâm nghiệp sau bão lũ, là việc làm cấp bách hiện nay.

Ảnh minh họa

Ngày 9/9, tại Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà (khoảng 300 - 400 tấn) đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Giá vàng hôm nay 11/9 vẫn duy trì ở mức cao, giá vàng đã vượt ngưỡng cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Tuần qua, giá vàng trong nước đã có mức tăng giá ấn tượng.

Thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đón nhận giấy công nhận Làng nghề đan rọ tôm.

YBĐT – Sáng 9/9, tại Nhà văn hóa thôn Đồng Tâm, Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận giấy công nhận Làng nghề đan rọ tôm - thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục