Theo báo cáo của Điện lực Yên Bái, hiện nay Yên Bái được cấp bởi hai nguồn điện: nguồn điện lưới từ điện lưới quốc gia Việt Nam và một số nhà máy thủy điện nhỏ. Công ty Điện lực Yên Bái đang quản lý vận hành 1667,997 km đường dây 35 KV, trên 57 km đường dây 22 KV và 125 km đường dây 10 KV và gần 1.000 trạm biến áp các loại.
Lưới điện do Công ty Điện lực Yên Bái quản lý vận hành chủ yếu là hình tia. Bên cạnh đó, Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm trong khu vực địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao. Các khu vực tập trung đông dân cư như: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, các thị trấn huyện lỵ chủ yếu phân bố dọc theo các sông, suối lớn.
Mặc dù Yên Bái ít chịu tác động trực tiếp của bão lớn, nhưng lại thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của các hoàn lưu bão nên thường xuất hiện giông lốc và tần suất sét cao, lượng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài.
Các huyện phía Tây: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở về mùa mưa bão thường xảy ra những sự cố lớn như: lũ quét, sạt lở đất, cây cối đổ vào đường dây, nước sông suối dâng cao nên việc đi lại rất khó khăn, thông tin liên lạc bị gián đoạn.
Đối với phía Bắc và phía Đông Nam: Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái nằm dọc sông Hồng thường bị ảnh hưởng lũ lụt do nước sông dâng cao làm ngập úng trên diện rộng...
Một số điểm có đường điện đi qua thuộc các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, Mù Cang Chải do địa hình ở sát bờ sông, suối, sườn núi, mái ta luy cao có thể xảy ra hiện tượng sạt lở móng cột, móng néo hoặc nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới đổ cột, đứt dây.
Trước những khó khăn đó và để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như vận hành lưới điện an toàn, đáp ứng cho sinh hoạt và sản xuất, Công ty Điện lực Yên Bái đã có nhiều giải pháp, biện pháp ứng phó với mưa bão, giảm nhẹ thiên tai.
Công ty Điện lực Yên Bái chỉ đạo Phòng Kỹ thuật - An toàn - Điều độ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các đơn vị và phối hợp với các tiểu ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp đơn vị rà soát lại phương án PCTT&TKCN của các đơn vị và thẩm duyệt phương án PCTT&TKCN. Căn cứ vào các phương án, Công ty sẽ cấp vật tư phòng chống thiên tai cho các đơn vị để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Song song với đó, tăng cường kiểm tra các điểm xung yếu có khả năng sạt lở, ngập úng, các thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn vận hành; lập phương án gia cố và xử lý, thay thế các thiết bị điện để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão; đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát chặt cây trong hành lang và liền kề hành lang an toàn lưới điện, không để tồn tại các trường hợp cây trong và ngoài hành lang có khả năng đổ vào đường dây gây sự cố; kiểm tra, thay thế các thiết bị đóng cắt, bảo vệ trên các đường dây và các trạm biến áp không còn đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn vận hành; kiểm tra các điểm dễ gây sạt lở như: các móng cột, móng néo gần các ta luy, gần bờ sông, bờ suối; chuẩn bị phương án dùng đá hộc xây kè chân móng cột, móng néo hoặc di chuyển các cột có khả năng mất an toàn trong mùa mưa bão đến vị trí khác an toàn hơn.
Đồng thời, xây dựng phương án cấp điện hỗ trợ cho các vùng bị sự cố do mưa bão gây ra. Đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng, thì tùy theo tình hình thực tế và theo yêu cầu của địa phương ưu tiên sử dụng máy phát điện Diezen dự phòng của Công ty Điện lực Yên Bái và các máy phát điện nhỏ tại các điện lực và phân xưởng để cấp điện tạm thời và tập trung lực lượng khắc phục sự cố, đảm bảo cấp điện trở lại trong thời gian ngắn nhất.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và đảm bảo an toàn vận hành cho lưới điện nhằm cấp điện ổn định phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Công ty Điện lực Yên Bái rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các huyện, xã, phường, thị trấn cùng có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân trên địa bàn biết để sử dụng điện an toàn và phòng tránh tai nạn về điện.
Người dân, khách hàng sử dụng điện cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đường dây từ công tơ điện về hộ gia đình (như dây dẫn điện và thiết bị trong nhà); thay thế ngay các dây dẫn trần có tiết diện nhỏ, cách điện không đảm bảo, cột tre gỗ, sứ cách điện vỡ và thiết bị điện không đảm bảo an toàn theo quy định; thực hiện chặt tỉa những cây cối trong và ngoài hành lang có nguy cơ đổ vào đường điện khi có mưa bão xảy ra; phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc bảo vệ an toàn tài sản lưới điện. Trong trường hợp phát hiện có sự cố, nguy cơ xảy ra sự cố hoặc tình trạng chặt tỉa cây có nguy cơ đổ vào đường dây mọi người dân đều phải có trách nhiệm liên lạc ngay với ngành điện.
Thanh Phúc