Yên Bái phấn đấu nằm ở nhóm đầu các tỉnh miền núi phía Bắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/9/2017 | 6:51:29 AM

YBĐT - Những năm gần đây, việc chủ động, sáng tạo; trong đó, tập trung đổi mới toàn diện, căn bản về cải cách hành chính, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực về môi trường kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2016, tỉnh Yên Bái có 6 chỉ số tăng điểm.

Các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu quy hoạch Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái.
Các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu quy hoạch Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái.

Theo kết quả báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2016, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3 năm 2017, tỉnh Yên Bái xếp thứ hàng 47/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2015 và 8 bậc so với năm 2014); chuyển vị trí xếp hạng từ nhóm trung bình lên nhóm khá, với tổng điểm 57,28 (tăng 0,64 điểm so với năm 2015). Nếu so với các tỉnh miền núi phía Bắc thì Yên Bái xếp thứ 6/14, hơn 8 tỉnh gồm: Hòa Bình, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Bắc Cạn, Lai Châu, Cao Bằng.
 
Năm 2016, tỉnh Yên Bái có 6 chỉ số tăng điểm là chỉ số: tiếp cận đất đai; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; tính năng động của lãnh đạo; thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng; trong đó, có 2 chỉ số tăng điểm cao nhất là chỉ số tính năng động của lãnh đạo và chỉ số cạnh tranh bình đẳng; có 4 chỉ số giảm nhẹ điểm là chỉ số gia nhập thị trường; chi phí thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Qua phân tích các chỉ số tăng điểm của năm 2016 cho thấy, tỉnh Yên Bái đã tích cực thực hiện cải cách hành chính, do đó, hiệu quả của bộ phận "một cửa” tại các sở, ngành, địa phương được nâng cao. Trong chỉ số gia nhập thị trường, đa số doanh nghiệp được khảo sát hài lòng và đánh giá bộ phận "một cửa” đã hoạt động tốt.
 
Năm 2016, có 97,7% doanh nghiệp đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh thông qua bộ phận "một cửa”; 58,4% doanh nghiệp nhận thấy thủ tục tại bộ phận "một cửa” được niêm yết công khai và trên 71,9% doanh nghiệp thấy hướng dẫn về thủ tục tại bộ phận "một cửa” đã rõ ràng và đầy đủ.
 
Chỉ số tiếp cận đất đai thì có gần 62% doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất là 1,5 điểm (1 điểm là rất cao và 5 điểm là rất thấp). Tuy nhiên, chỉ có 26% doanh nghiệp phản ánh nếu bị thu hồi đất, doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng và 77,1% doanh nghiệp cho rằng sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường…

Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp cho địa phương tăng dần vị trí trong bảng xếp hạng, Yên Bái xác định phải chủ động và tích cực tạo mặt bằng sạch đối với các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, thực hiện nguyên tắc theo sát bước chân nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ; đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen - ông Trần Ngọc Chu cho biết: "Tập đoàn chọn Yên Bái là nơi đầu tư dự án vì luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật được triển khai nhanh chóng để bàn giao cho Tập đoàn thực hiện. Tập đoàn đánh giá cao việc giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Yên Bái đã tiết giảm đáng kể thời gian làm thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Nhà máy Ống thép Hoa Sen được đầu tư xây dựng tại Yên Bái là dự án thứ 2 của Tập đoàn Hoa Sen triển khai trên địa bàn tỉnh ”.

Nếu xét về mặt thứ bậc chỉ số PCI trong năm 2016, Yên Bái xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố. Đây chưa phải là thứ hạng cao, nhưng nằm trong nhóm tỉnh có chất lượng điều hành khá. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì tỉnh Yên Bái được đánh giá là tỉnh có nhiều sự cải thiện về môi trường đầu tư trong những năm gần đây.
 
Năm 2016, Yên Bái đã triển khai mô hình "Cafe doanh nhân” nhằm gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, tạo điều kiện để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh phát triển và mời gọi các nhà đầu tư ngoài tỉnh. Đây được coi là địa chỉ để các doanh nhân gặp gỡ với đại diện cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà quản lý trực tiếp giải đáp thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
 
Môi trường "Cafe doanh nhân” đã tạo sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương; là không gian mở, diễn đàn mở, nơi mọi khó khăn của doanh nghiệp đều có thể được đưa ra trao đổi trực tiếp để tìm hiểu, tháo gỡ.”
 
 
Nhờ thực hiện cải cách hành chính, người dân được tiếp cận các dịch vụ nhanh chóng thuận tiện.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được diễn ra trong tháng 7/2017, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Đức Duy đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phải xác định quan điểm doanh nghiệp là đối tượng hỗ trợ chứ không phải là đối tượng quản lý.
 
Do đó, phải đồng hành, hướng dẫn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, cũng như tiếp cận các dịch vụ từ lúc đăng ký đến cấp phép đầu tư; chú trọng hơn nữa công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật tới các đối tượng là quản lý doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch mọi vấn đề liên quan đến thành lập doanh nghiệp như: các thủ tục hành chính, các quy định về phí và lệ phí, các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế…
 
Tất cả phải được công khai trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố để doanh nghiệp được tiếp cận, nghiên cứu. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ, tiếp nhận thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp; xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thực thi nhiệm vụ cải cách hành chính và PCI.

Phát huy và duy trì điểm số của các chỉ số đã đạt thứ hạng cao, tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém thông qua kết quả PCI năm 2016, cụ thể như các chỉ số đạt từ mức trung bình đến mức kém như chi phí thời gian, đào tạo lao động hay thiết chế pháp lý là mục tiêu của Yên Bái trong thời gian tới. Phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần, tăng tổng điểm chung đưa PCI Yên Bái vào tốp đầu của nhóm khá trên cả nước và nằm ở nhóm đầu của các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
 Quang Thiều

Các tin khác

YBĐT - Trong thời gian qua, từ các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, huyện Lục Yên đã tăng cường nâng cấp, xây dựng mới hệ thống điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người dân. 

Nhiều mỏ khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên thải loại sau quá trình khai thác có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.

YBĐT - Tháng 10/2015, Sở Công thương Yên Bái đã triển khai Đề tài khoa học "Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vôi công nghiệp từ nguồn đá hoa trắng thải loại trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái”, được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 2061/QĐ-UBND ngày 16/10/2015.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống đồng cùng bà con trồng ngô đông.

YBĐT - Sáng 20/9, tại thôn Trung Tâm, xã Yên Bình, huyện Yên Bình, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua sản xuất vụ đông năm 2017.

Ảnh minh họa.

Kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi bằng tiền mặt do đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề nghị không đúng đối tượng được phép chi bằng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục