Qua 2 năm thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Trong sản xuất nông nghiệp, đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng.
Đến nay tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lúa chất lượng, vùng chè, vùng cây ăn quả, vùng quế, vùng tre măng bát độ, vùng cây nguyên liệu giấy, vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản.
Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 6.480 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2015, chiếm 24% trong cơ cấu tổng sản phẩm năm 2016 của tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,03%, ngành lâm nghiệp tăng 3,38%, ngành thủy sản tăng 4,38%. Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản dự ước đạt trên 4% năm 2017. Từ kết quả của Đề án đã góp phần đưa năng suất, sản lượng, giá trị, thu nhập tăng thêm hơn 10% so với trước khi có chính sách.
Lãnh đạo các ngành và địa phương đề nghị có những điều chỉnh, bổ sung chính sách để Đề án tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như: sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; các hình thức tổ chức sản xuất còn thiếu đa dạng, chậm đổi mới; việc phát triển ngành nghề, quan hệ sản xuất ở nông thôn còn hạn chế; các hình thức liên kết trong sản xuất còn thiếu ràng buộc dẫn đến đầu ra cho sản phẩm thiếu bền vững.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị, thành phố đã chỉ ra những ưu điểm cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện đồng thời đưa ra những giải pháp, đề nghị có những điều chỉnh, bổ sung chính sách để Đề án tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh đã ghi nhận bước đầu về kết quả 2 năm triển khai thực hiện Đè án tái cơ cấu ngành chính là sự chuyển biến về nhận thức cũng như hành động của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, Đề án đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Từ đó có những tác động hiệu quả đối với sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại Hội nghị.
Để Đề án tiếp tục đạt mục tiêu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, khép kín từ khâu giống, sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trên cơ sở những nội dung về phương hướng, định hướng tái cơ cấu, các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát để triển khai thực hiện phù hợp theo tình hình thực tế của địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, quan điểm của Đề án; tiếp tục đẩy mạnh Đề án, tập trung đổi mới sản xuất hàng hóa, đổi mới quy mô, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để đảm bảo thực hiện tái cơ cấu bền vững; tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng doanh nghiệp thực sự là động lực thu hút người dân phát triển sản xuất theo công nghệ mới, năng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp...
Thanh Chi – Đức Toàn