Văn Chấn: Cứu nhanh vùng cây ăn quả có múi nhiễm bệnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/9/2017 | 7:31:01 AM

YBĐT - Mấy tháng vừa qua, do mưa kéo dài diện tích cây ăn quả có múi của Văn Chấn bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ và từ đầu vụ đến nay đã tăng lên gần 100 ha, trong đó 10 ha bị nặng không có khả năng hồi phục, tập trung chủ yếu ở cam sành. 

Người dân ở tổ dân phố 19/5 thị trấn Nông trường Trần Phú đang chặt bỏ những cây cam bị bệnh nặng không có khả năng hồi phục.
Người dân ở tổ dân phố 19/5 thị trấn Nông trường Trần Phú đang chặt bỏ những cây cam bị bệnh nặng không có khả năng hồi phục.

 Là vùng cây ăn quả có múi lớn nhất tỉnh, tổng diện tích cam, quýt của huyện Văn Chấn hiện có trên 1.300 ha, trong đó trên 800 ha đã cho thu hoạch và bình quân mỗi năm cam, quýt đem lại nguồn thu trên 200 tỷ đồng cho người dân.

Nhờ trồng cam, quýt nhiều hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành tỷ phú với mức thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, mấy tháng vừa qua, do mưa kéo dài diện tích cây ăn quả có múi của huyện bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ và từ đầu vụ đến nay đã tăng lên gần 100 ha, trong đó 10 ha bị nặng không có khả năng hồi phục, tập trung chủ yếu ở cam sành. Nguy cơ mất khả năng thu hoạch là điều không thể tránh khỏi.

Là địa phương có diện tích cây ăn quả có múi bị nhiễm bệnh nhiều nhất, theo báo cáo của UBND thị trấn Nông trường Trần Phú thì con số này là gần 67 ha, tập trung chủ yếu ở cam sành. Biểu hiện lúc đầu là sau đợt mưa cây bị xoăn lá, quả không phát triển, rồi lá chuyển sang màu vàng, cây bị chết. Từ một vài diện tích nhỏ lẻ rồi lan ra tất cả các tổ dân phố và tập trung nhiều nhất là tổ dân phố 19/5, tổ dân phố 6 - 7 - 8, trong đó có những hộ bị nhiễm bệnh cả héc - ta.
 
Tới tổ dân phố 19/5 - nơi có diện tích bị nhiễm bệnh nhiều nhất, bà Trần Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: "Mới chỉ có hai tháng mà cả một vùng đồi rộng bạt ngàn cam, quýt đã dần xơ xác. Hồi đầu tháng 6, khi phát hiện bệnh, chúng tôi cùng cán bộ trực tiếp xuống kiểm tra, thống kê đánh giá sơ bộ thiệt hại để báo cáo huyện có biện pháp chuyển đổi các loại cây khác cho người dân, bởi sau khi phá bỏ cam, quýt bị bệnh không thể trồng lại ngay được mà phải xử lý đất và 2 - 3 năm sau mới trồng lại được”.

Đang phá bỏ những diện tích cam sành bị nhiễm bệnh nặng, anh Nguyễn Viết Thành, tổ dân phố 19/5 cho biết: "Gia đình tôi có gần 3 ha cam, quýt và diện tích mới trồng cũng được 2 năm, còn lại đều đã 8 năm tuổi. Mỗi năm, cây cam, quýt mang về cho gia đình tôi nguồn thu trên 800 triệu đồng. Vậy mà, hơn 1 ha cam sành năm nay đã không được thu hoạch lại còn mất công thuê người phá bỏ và cải tạo đất. Tính riêng vụ này, gia đình tôi mất khoảng 250 triệu đồng”.
 
Gia đình anh Nguyễn Danh Ba, cùng tổ dân phố cũng vậy, với diện tích 1,5 ha thì có tới gần 1 ha cam bị nhiễm bệnh. Anh Ba cho biết: "Toàn bộ diện tích cam bị nhiễm đều là những diện tích mới trồng được hơn 2 năm. Vụ ra bói năm ngoái, tôi thu về gần 10 tấn quả, bán được gần 200 triệu đồng. Năm nay, mất bao tiền đầu tư chăm bón từ khi cây ra hoa, vậy mà, sau mùa mưa thấy cây cứ còi cọc, lá nhỏ và xoăn, sau đó mới biết cây bị nhiễm bệnh. Vậy là, mới trồng chưa đầy 3 năm lại phải mất công phá bỏ. Không biết rồi đây, gia đình tôi biết trồng cây gì cho phù hợp”.
 
Anh Bùi Văn Toàn thì cho biết, sau khi cán bộ ngành nông nghiệp xuống tập, huấn, hướng dẫn cách phòng bệnh, gia đình anh cũng đã mua thuốc theo đúng chỉ dẫn về phun, tưới trực tiếp vào gốc, song những diện tích mới chớm còn có thể khôi phục được. Một số diện tích bị nặng đành phải phá bỏ, thiệt hại cả trăm triệu đồng là điều không thể tránh khỏi.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Văn Chấn, nguyên nhân gây bệnh trên cây cam sành là do tình trạng yếm khí lâu dài của đất vào các tháng mưa nhiều, khiến một số chủng loại nấm gây bệnh tấn công làm thối rễ cây; từ đó, cành lá không được cung cấp dinh dưỡng dẫn đến biến vàng làm cây chết khá nhanh.
 
Bệnh phát sinh mạnh gây hại nặng trong các tháng mùa mưa, mầm bệnh sinh sôi rất nhanh từ vườn này sang vườn khác qua hệ thống kênh mương, nước tưới. Sau khi kiểm tra, lấy mẫu bệnh gửi các ngành chức năng của tỉnh, căn cứ trên Thông báo số 70/TT&BVTV-BVTV, ngày 21/7/2017 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ngành nông nghiệp huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trực tiếp xuống các địa phương có cây ăn quả bị nhiễm bệnh tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho người dân về cách phòng trừ trên những diện tích cây mới chớm bệnh.
 
Trong đó, khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm bệnh. Khi cây mới chớm bệnh, cần cắt bỏ phần rễ bị bệnh, sau đó tiến hành xới xáo để tạo sự thông thoáng làm cho đất luôn tơi xốp và thoáng khí, rồi tưới thuốc kích thích ra rễ hoặc bón phân lân nhằm kích thích rễ mới phát triển. Khi cây ra rễ mới, bắt đầu hồi phục thì mới bổ sung dinh dưỡng cho cây.
 
Khi thấy cây héo nhẹ lộc lá non hoặc biến vàng lá già thì nhanh chóng sử dụng thuốc trừ bệnh Efigo 480SC tưới đậm vào vùng gốc rễ cho cây và phun lên tán lá cây khoảng 2 - 3 lần, các lần cách nhau 10 - 15 ngày, sử dụng thuốc theo nồng độ, liều lượng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc và nguyên tắc 4 đúng.
 
Đối với những diện tích không thể khôi phục, huyện cũng chỉ đạo địa phương vận động nhân dân phá bỏ, tập trung cải tạo, khử trùng đất, trước mắt sẽ trồng các loại cây khác. Sau đó, từ 1 - 2 năm sau mới tiếp tục trồng lại cam, quýt để tránh hiện tượng mầm bệnh vẫn còn trong đất có thể tiếp tục gây hại cho cây. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với các địa phương thống kê sơ bộ thiệt hại để báo cáo các cấp, các ngành có biện pháp hỗ trợ, tìm các loại cây hợp lý khác cho nhân dân canh tác trong điều kiện hiện tại.

Thanh Tân

Các tin khác

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT - Sáng 21/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án).

Ông Thào Sú Rùa thu hoạch táo mèo.

YBĐT - Từ lâu, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã được biết đến như "thủ phủ” của cây sơn tra (táo mèo). Cứ độ tháng 9, những con đường vào bản Lùng Cúng, xã Nậm Có lại trở nên đông vui hơn, bởi từng đoàn xe lên thu mua táo.

Vườn măng tây xanh của ông Bùi Văn Hải (áo sẫm) sinh trưởng và phát triển tốt.

YBĐT - Chặt đi những gốc na dai đã gần chục năm tuổi, 1.000 m2 đất bãi ven sông được ông Bùi Văn Hải ở thôn 1, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái chuyển sang trồng măng tây xanh. Ông Hải cho biết: "Không phải cây na không có giá trị kinh tế cao nhưng tôi cũng muốn thử nghiệm với cây măng tây xanh vốn còn rất mới lạ với tôi, với người dân địa phương”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục