Cây na gợi mở những lợi thế
- Cập nhật: Thứ tư, 27/9/2017 | 7:51:41 AM
YBĐT - Cây na không xa lạ với người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Nói không xa lạ bởi cây na ngày trước và hiện nay vẫn luôn có mặt trong vườn của nhiều hộ gia đình. Đó là loại cây cho ăn quả khi đến mùa, ít thì để nhà dùng, nhiều hơn thì biếu họ hàng, nhiều nữa thì đem bán cho vui. Tuy vậy, tại thời điểm này, cây na đang đứng ở một góc độ khác hơn với người dân nơi đây và gợi mở nhiều vấn đề.
Đồng chí Đặng Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh thăm vườn na của một hộ gia đình ở thôn 4.
|
Trên diện tích 1 sào đất gò sau nhà, ông Doãn Mạnh Cường - Trưởng thôn 1, xã Đào Thịnh trồng 35 gốc na đã được 3 năm tuổi. Những cây na dai mắt đỏ này, ông Cường mua giống từ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Còn với ông Nguyễn Hồng Khánh ở thôn 3, xã Đào Thịnh đã từng trồng thử cây nhãn, cây cam nhưng không cho hiệu quả như mong muốn. Sau rất nhiều lựa chọn, ông Khánh đi đến quyết định cuối cùng: "Mỗi thứ vài cây thì không thể có hiệu quả cao nên đã trồng là trồng nhiều và tôi chọn cây na. Đầu tiên phải nói là cây na ưa đất này, tôi đã trồng thử 3 cây từ cách đây 28 năm nên biết rõ rồi. Sau nữa là cây na còn đang ít người dân địa phương trồng, tôi muốn đi trước một chút. Quan điểm của tôi thế này, đã làm là phải làm đến nơi đến chốn”.
Vừa có na trồng đất gò lại vừa có na trồng đất soi bãi, ông Nguyễn Văn Quý ở thôn 4, xã Đào Thịnh quả quyết: "Chỉ cây na là được ăn, được bán, được nhất so với các loại cây ăn quả khác mà tôi đã biết ở đất này”. Khu vườn sát nhà ở, ông Quý có 30 gốc na đã 10 năm tuổi. Đây là những gốc na chủ yếu ngày trước ăn quả rồi lấy hạt tự ươm cây mà có đến nay.
Cái ý "được nhất” của ông Nguyễn Văn Quý ở thôn 4 khi nói về cây na cụ thể là: giá cao, thị trường rộng. Vườn na 30 gốc nhà ông đã cho thu từ nhiều năm nay. Tiện nhất là nhà nằm bên trục đường Yên Bái - Khe Sang, mùa na chín, cô con dâu ông đem bày ngay trước cổng để bán. Thường thì cây na cho thu từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch và chia thành hai đợt chín: "Ở đợt chín sớm, na được giá 50.000 đồng một cân, còn ở đợt chín rộ có xuống một tý thì một cân cũng vẫn được 40.000 đồng” - chị Hoàng Thị Phượng là con dâu ông Nguyễn Văn Quý cho biết.
100 gốc na của nhà ông Nguyễn Hồng Khánh ở thôn 3 năm nay cũng đã bắt đầu cho quả bói. Quả cỡ bình quân được 3 lạng, quả to lên đến nửa cân, chất lượng quả rất tốt, vợ ông Khánh mang bán lẻ ở chợ xã lúc nào cũng được khách mua trước hết với mức giá 50.000 đồng một cân. Chia sẻ của ông Khánh, làm nông nghiệp bây giờ, khí hậu biến đổi ngày càng khó lường nên phải điều chỉnh liên tục mới mong có thu nhập như ý mình.
Quan điểm của ông Nguyễn Hồng Khánh ở thôn 3 nhất quán với sự lựa chọn cây na để chuyển đổi mô hình kinh tế của gia đình: "Yếu tố quyết định và quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ”.
Theo thống kê, xã Đào Thịnh hiện có khoảng 30 ha vườn tạp ở 593 hộ, tính trung bình mỗi hộ có khoảng 500 m2 vườn tạp. Kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 của địa phương sẽ phấn đấu cải tạo hết diện tích vườn tạp toàn xã, mỗi năm 10 ha. Năm 2016, xã được hỗ trợ 22 triệu đồng từ nguồn vốn Nhà nước thuộc nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho các xã xây dựng nông thôn mới để cải tạo vườn tạp. Đến thời điểm này, Đào Thịnh đã thực hiện chuyển đổi được 5 ha vườn tạp thuộc các thôn 1, 2, 3, 5, 6. Cây bưởi và cây na cũng đã được đưa vào cơ cấu cây trồng cải tạo vườn tạp.
Trong những năm tới, cây na được xác định tiếp tục đưa vào cơ cấu cây trồng cải tạo vườn tạp ở Đào Thịnh tại những hộ có diện tích đất phù hợp như bãi soi, ruộng cao không bị trũng, đất ven đồi thấp với quan điểm trồng tối đa ở những diện tích phù hợp. Cây na đang gợi mở những lợi thế và để biến những lợi thế ấy thành hiệu quả kinh tế, thiết thực nâng cao thu nhập cho người dân, điều này thật sự rất cần sự hỗ trợ của cấp trên cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân Đào Thịnh.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, tình trạng phát lấn vào rừng sản xuất nương rẫy trái phép của người dân ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa huyện Văn Yên vẫn diễn biến khá phức tạp.
YBĐT - Sáng 26/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc về Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Yên Bái.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, đã có 38 trên tổng số 55 trạm thu phí BOT đã thực hiện giảm giá vé cho phương tiện theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
YBĐT - Theo ước tính, hàng năm, nhu cầu sử dụng của nông dân trong tỉnh Yên Bái khoảng 100 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tổng lượng bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường ước khoảng 15 tấn, tương đương khoảng 15% lượng thuốc BVTV tiêu thụ. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn còn nhiều khó khăn.