Cần ngăn chặn sự suy giảm vùng chè
- Cập nhật: Thứ tư, 27/9/2017 | 8:13:52 AM
YBĐT - Diện tích chè ngày một giảm trầm trọng; nhiều diện tích bị bỏ hoang; năng suất, sản lượng suy giảm hàng ngàn tấn; nhà máy thiếu nguyên liệu, nửa sản xuất nửa đóng cửa; người làm chè không sống bằng chè... đó là những gì đang diễn ra ở các vùng chè Yên Bái. Tỉnh cần có những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để giữ và phát triển ngành chè thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.
Cần tăng cường mối liên kết 4 nhà, đặc biệt là giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân để ổn định và phát triển vùng chè. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Yên Bái nằm trong hàng tốp đầu toàn quốc về diện tích chè với trên 12.000 ha, sản lượng búp tươi đạt 90.000 tấn/năm và có 115 nhà máy chế biến lớn nhỏ. Hàng vạn hộ nông dân đã sống và gắn bó với chè từ hàng chục năm qua. Cây chè không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn là một ngành chế biến quan trọng có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, những đồi chè quốc doanh đầu tiên được trồng một cách bài bản, những nhà máy chè quốc doanh lừng lẫy một thời như: Nhà máy Chè Trần Phú, Nhà máy Chè Nghĩa Lộ, Nhà máy Chè Liên Sơn, Nhà máy Chè Văn Hưng... vẫn còn đó, hàng năm vẫn có hàng chục tỷ đồng đầu tư cho vùng chè, rồi đề án, dự án cả trăm tỷ đồng đổ vào vùng chè. Thế nhưng, việc sản xuất, kinh doanh chè đang ngày một suy thoái nghiêm trọng từ diện tích, năng suất đến sản lượng.
Thời hoàng kim, Yên Bái có gần 13.000 ha chè, sản lượng thu hái đạt trên 100 ngàn tấn; hơn chục vạn dân sống bằng nghề chè và chè cũng được coi là cây thế mạnh, cây xóa đói giảm nghèo. Diện tích chè nhiều cũng đồng nghĩa doanh nghiệp chế biến nhiều, với 115 cơ sở, nhà máy. Nhiều đến nỗi vượt quá gần 2 lần khả năng cung cấp nguyên liệu.
Do thiếu nguyên liệu, nên một số doanh nghiệp đã dừng chế biến chè mà chỉ chuyên thu mua chè bán thành phẩm để sàng cắt, phân loại và làm thương mại (chi nhánh chè Yên Bái). Công ty cổ phần Chè CP chè Liên Sơn một thời là cánh chim đầu đàn của ngành chè Yên Bái, nay cũng đã dừng hoạt động. Hợp tác xã Chế biến Chè Hương Lý - một điển hình trong kinh tế tập thể nay đã dừng sản xuất... Sản phẩm chè của Yên Bái hiện nay chủ yếu chế biến chè đen theo công nghệ Orthodox chiếm 80%, còn lại xuất chè xanh chỉ tập trung tại một số vùng của Trấn Yên (xã Bảo Hưng); (xã Hán Đà, Văn Lãng) huyện Yên Bình và chè Shan vùng cao Văn Chấn.
Nguyên nhân
Tiềm năng, thế mạnh là vậy, nhưng sản xuất, kinh doanh chè cứ quẩn quanh trong vòng khốn khó. Năm được mùa rớt giá, năm thì lò chè quay tay hoành hành, năm thì chè "vàng", chè bẩn bao vây, nhà máy, HTX, xưởng chế biến tư nhân tranh giành nguyên liệu. Hàng trăm héc - ta chè đang kỳ sung sức bị dân bỏ hoang, nhiều nhà máy, công ty đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, thị trường đầu ra sản phẩm không có.
Ngăn chặn sự suy giảm
Với quan điểm và xác định chè vẫn là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của cây chè trong suốt 50 năm qua. Để giữ và đưa ngành chè phát triển, nhất thiết chúng ta phải tái cơ cấu ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, thị trường chè đang thiếu nguồn cung, giá có xu hướng tăng mạnh, vấn đề chính hiện nay là nông dân cần tích cực đầu tư chăm sóc một cách bài bản, thu hái đúng kỹ thuật, doanh nghiệp có nguyên liệu tốt, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến chè đạt tiêu chuẩn để tham gia vào thị trường lớn. Tất cả cùng vào cuộc, cùng xây dựng và phát triển vùng chè, đưa ngành chế biến chè trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, dự án đầu tư xây dựng cầu Tuần Quán được đánh giá là một trong những dự án mang tính chiến lược trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kết nối thành phố Yên Bái với tả ngạn sông Hồng góp phần mở mang đô thị, tạo đà thúc đẩy kinh tế phát triển.
YBĐT - Cây na không xa lạ với người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Nói không xa lạ bởi cây na ngày trước và hiện nay vẫn luôn có mặt trong vườn của nhiều hộ gia đình. Đó là loại cây cho ăn quả khi đến mùa, ít thì để nhà dùng, nhiều hơn thì biếu họ hàng, nhiều nữa thì đem bán cho vui. Tuy vậy, tại thời điểm này, cây na đang đứng ở một góc độ khác hơn với người dân nơi đây và gợi mở nhiều vấn đề.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, tình trạng phát lấn vào rừng sản xuất nương rẫy trái phép của người dân ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa huyện Văn Yên vẫn diễn biến khá phức tạp.
YBĐT - Sáng 26/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc về Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Yên Bái.