Cũng như nhiều địa phương khác, bước vào nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp 2017, nhà nông Yên Bái gặp muôn vàn khó khăn. Diễn biến thời tiết bất thường, đầu năm rét đậm, rét hại rồi thiên tai bão lũ xảy ra bất thường với mức độ nghiêm trọng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, làm mất trắng nhiều diện tích lúa, ngô và hoa màu của nông dân. Tại một số vùng bị thiệt hại lớn, thiên tai đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất nông nghiệp và làm giảm khả năng tái đầu tư cho các vụ tiếp theo.
Bên cạnh đó, giá cả một số vật tư đầu vào cho sản xuất không ổn định đã ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh. Song, với sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, ngành nông nghiệp, các huyện thị, đặc biệt là sự nỗ lực của nông dân trong sản xuất thâm canh vẫn làm nên những mùa vụ bội thu.
Cùng với đó là những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM); xây dựng các mô hình mới, sản xuất an toàn, liên kết theo chuỗi khá hiệu quả... Nhờ vậy, năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.862 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt là 3.263 tỷ đồng (chiếm 47,6%); chăn nuôi đạt 1.490 tỷ đồng (chiếm 21,7%); thủy sản đạt 237 tỷ đồng (chiếm 3,5%); lâm nghiệp 1.686 tỷ đồng (chiếm 24,5%); dịch vụ nông, lâm nghiệp đạt 186 tỷ đồng (chiếm 2,7%). Giá trị sản phẩm trên một héc - ta đất sản xuất trồng trọt đạt 57 triệu đồng (tăng 1,43 triệu đồng so với năm 2016, tăng 2,76 triệu đồng so với năm 2015); nuôi trồng thủy sản đạt 120 triệu đồng (tăng 8,35 triệu đồng so với năm 2016 và tăng 13,19 triệu đồng so với năm 2015).
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt 305.933 tấn, vượt 5,5% so với kế hoạch (sản lượng thóc ước đạt 211.509 tấn, ngô ước đạt 94.424 tấn). Tổng đàn gia súc chính đạt 637.142 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 48.514 tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ, đạt 116,9% so với kế hoạch. Trồng mới trên 15.120 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 62,8%. Toàn tỉnh có thêm 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 33 xã.
Năm 2017, UBND tỉnh ban hành và phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bổ sung kinh phí hỗ trợ thực hiện trồng cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu để hỗ trợ phát triển 8 đề án chi tiết; trong đó; tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chỉ tiêu chủ yếu được triển khai thực hiện hiệu quả, cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra. Sản xuất lương thực tăng trưởng mạnh, chăn nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sản xuất theo chuỗi giá trị, đời sống cư dân nông nghiệp được nâng lên.
Qua thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mà cụ thể là các chính sách đã được ban hành theo từng đề án đã được triển khai một cách đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Đề án phát triển chăn nuôi, đã thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò cái sinh sản ước thực hiện 3.100 liều phối đạt 116,9% kế hoạch; triển khai hỗ trợ 40 cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung quy mô từ 10 con đến 30 con; hỗ trợ 40 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung; 62 cơ sở sở chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô từ 15 con trở lên...
Đề án phát triển thủy sản hỗ trợ thực hiện 413 lồng cá, đạt 310,5%; 20 cơ sở nuôi cá eo ngách (quây lưới), 5,02 ha cải tạo ruộng kém hiệu quả... Trồng mới 633 ha cây ăn quả; trồng mới 220 ha chè vùng cao, 1.730 ha quế, 748 ha tre măng Bát độ, 1.168 ha cây sơn tra. Hiện toàn tỉnh có 7.815 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt gần 33.000 tấn.
Có thể nói, sản xuất nông nghiệp Yên Bái trong năm 2017 có những bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ nhưng chưa thật sự đột phá. Chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại còn ít, kém mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô mà phụ thuộc nhiều vào các chính sách hỗ trợ để mở rộng sản xuất. Trồng rừng và nuôi trồng thủy sản vẫn chủ yếu theo phương thức quảng canh cho năng suất thấp.
Việc sản xuất theo quy trình VietGAP và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là các tiêu chuẩn quốc tế chưa nhiều. Một số sản phẩm chủ lực chưa phát huy hết lợi thế, chế biến chưa đi vào chiều sâu, mới chủ yếu là sơ chế làm giảm giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản. Việc phát triển ngành nghề, quan hệ sản xuất ở nông thôn còn hạn chế. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, hiệu quả chưa cao...
Sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2018, Yên Bái phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,5%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 300.000 tấn (trong đó sản lượng thóc là 205.000 tấn, sản lượng ngô là 95.000 tấn); sản lượng chè búp tươi là 75.000 tấn, riêng sản lượng chè búp tươi chất lượng cao 15.000 tấn; tổng đàn gia súc chính đạt 695.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 45.000 tấn; trồng mới 15.000 ha rừng; 12 xã đạt chuẩn NTM.
Về giá trị sản phẩm thu được trên một héc - ta đất sản xuất, phấn đấu đạt 58,5 triệu đồng và đạt 129 triệu đồng trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản... vì năm 2018 là năm nông nghiệp Yên Bái sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến khó lường của khí hậu, thời tiết.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm là việc nâng cao nhận thức và hành động về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, trên cơ sở tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM.
Trong trồng trọt, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm có thế mạnh và khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong chăn nuôi, các địa phương cần điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường. Triển khai đồng bộ chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Thanh Phúc