Bền vững cho sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/12/2017 | 8:11:04 AM

YBĐT -Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 10 sản phẩm đặc sản của địa phương.

Năm 2016 sản phẩm bưởi Đại Minh (Yên Bình) đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu.
Năm 2016 sản phẩm bưởi Đại Minh (Yên Bình) đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu.


Trong những năm qua, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương các sản phẩm nông - lâm sản đặc trưng của tỉnh Yên Bái được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) dưới hình thức các dự án khác nhau với tổng số kinh phí hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng, trong đó, từ các nguồn thuộc ngân sách địa phương hơn 2 tỷ đồng.

Đến nay, đã tiến hành đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ SHTT cho 10 sản phẩm đặc sản của địa phương, gồm: 1 Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm quế vỏ của huyện Văn Yên; 3 nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) gồm: chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh và sơn tra Mù Cang Chải; 6 nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho: gạo chiêm hương Đại - Phú - An, hồng chùm không hạt Lục Yên, cam Lục Yên, cam Văn Chấn, miến đao Giới Phiên, gạo nếp Tú Lệ. Hiện đang tiến hành bước xây dựng và đăng ký CDĐL cho sản phẩm gạo Mường Lò, sản phẩm ba ba gai Văn Chấn; NHTT cho gạo Bạch Hà.

Việc xây dựng, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm địa phương trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phong phú để phù hợp với từng đối tượng cụ thể như tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn, phát hành tài liệu, sách, báo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet,...
 
Hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đều phối hợp với Cục SHTT, các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về SHTT, đăng ký, quản lý và phát triển NHTT, NHCN và CDĐL cho các sản phẩm chủ lực của địa phương đến trực tiếp các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã và người dân.
 
Thực tiễn việc quản lý, phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ quyền SHTT trong thời gian qua ở tỉnh đã thu nhiều kết quả khả quan, các mô hình mẫu về quản lý và phát triển đã được vận hành vào thực tế và mang lại hiệu quả, cụ thể như: mô hình quản lý NHTT Miến đao Giới Phiên, NHTT Cam Văn Chấn, NHCN Bưởi Đại Minh...
 
Trong đó, điển hình là mô hình quản lý và phát triển NHCN cho sản phẩm chè Suối Giàng đã được vận hành và mang lại hiệu quả thiết thực. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè mang NHCN đã thực hiện tương đối tốt các quy định về quản lý và sử dụng NHCN của cơ quan quản lý. Việc quy định bắt buộc sử dụng tem chống giả mang NHCN Suối Giàng - Yên Bái được gắn trên tất cả các loại bao bì sản phẩm của chè mang NHCN đã phát huy tốt tác dụng bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Suối Giàng.
 
Đó là dấu hiệu giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm chè Suối Giàng đã được cấp phép sử dụng NHCN đảm bảo chất lượng, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè Suối Giàng đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó quá trình quản lý và phát triển sản phẩm đã được bảo hộ SHTT còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập như: vai trò của tổ chức, tập thể trong việc kiểm soát, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ trong nhiều trường hợp chưa phát huy hiệu quả.
 
Trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với các loại hình CDĐL, NHCN, NHTT thì việc thành lập các tổ chức tập thể là một quy định bắt buộc và tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và phát triển danh tiếng, uy tín của sản phẩm được bảo hộ nhưng trên thực tế vai trò của các tổ chức tập thể này còn mờ nhạt do các yếu tố về con người, kinh phí hoạt động, sự đoàn kết vì mục tiêu chung bền vững…, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, đây chính là điểm hạn chế trong việc khai thác, phát huy tài sản trí tuệ đã được bảo hộ.
 
Nhận thức của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trong vấn đề bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ còn hạn chế, do thông thường các sản phẩm được bảo hộ thường chưa mang lại hiệu quả kinh tế ngay, mà đòi hỏi cần phải có sự tiếp tục đầu tư về kinh phí và thời gian nhất định.
 
Việc sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương hiện nay chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát, những vùng sản xuất tập trung thì lại chưa tạo được thói quen tuân thủ theo quy trình nhằm đảm bảo và duy trì sự đồng đều về chất lượng của sản phẩm; năng lực, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng trong nhiều trường hợp các sản phẩm phát triển một cách tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ của các ngành, các cấp làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm...

Thời gian qua, Yên Bái đã và đang làm tốt việc đăng ký SHTT đối với các đặc sản dưới hình thức CDĐL, NHCN và NHTT. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng đến việc bảo hộ còn quản lý và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương không được quan tâm đúng mức thì các sản phẩm nông đặc sản có giá trị của các địa phương có thể "thua" ngay trên sân nhà.
 
Việc sử dụng công cụ SHTT để nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc sản địa phương cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của các cấp, các ngành có liên quan, nâng cao vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng người dân vùng đặc sản và có lộ trình phù hợp cho sản phẩm đặc sản phát triển một cách bền vững.

Trần Ngọc Thư (Phó Giám đốc Sở KH&CN)

Các tin khác
Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Tuy Lộc.

YBĐT - Nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có và phát huy hiệu quả ngành nông nghiệp, thành phố Yên Bái đã xây dựng "Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới.

Ghế ngồi hiện đại và sang trọng với độ ngả và có giá để chân được lắp đặt trong mỗi toa xe giúp hành khách thoải mái khi đi tàu.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã nhận bàn giao 30 toa xe khách chế tạo mới để kịp thời đưa vào phục vụ hành khách trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 vào hôm nay (27/12).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định ngành xăng dầu bảo đảm từ ngày 1/1/2018, trên thị trường sẽ không còn xăng A92 và loại xăng này sẽ được thay thế hoàn toàn bằng xăng E5.

Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục