Lãi suất vay ngắn hạn còn 6% năm: “Cú hích” cho nền kinh tế

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/1/2018 | 7:14:56 AM

YBĐT - Từ ngày 15/01/2018, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển (BIDV) đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Cho vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ trên dưới 40% tổng dư nợ của các ngân hàng hiện nay (ảnh minh họa).
Cho vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ trên dưới 40% tổng dư nợ của các ngân hàng hiện nay (ảnh minh họa).

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã công bố giảm lãi suất với mức giảm và đối tượng tương tự như BIDV. 

Cụ thể, cả Agribank và BIDV cùng điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó chú trọng vào các khách hàng tốt, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Việc hai ngân hàng quy mô lớn nhất (cả về mạng lưới và dư nợ cho vay nền kinh tế) đồng loạt giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu năm thực sự là cú hích cho nền kinh tế. Nói như vậy là bởi, giảm thêm 0,5% để mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa còn 6%/năm, thấp nhất từ trước tới nay, mức lãi suất này thậm chí còn thấp hơn cả mức mà hai ngân hàng này và nhiều ngân hàng khác đã huy động (đầu vào lớn hơn đầu ra). Qua đó, thấy được nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong việc cắt giảm chi phí, thu hẹp lợi nhuận nhằm chia sẻ với khách hàng, góp sức phục hồi và phát triển nền kinh tế.
 
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái cho biết: "Quá trình thanh kiểm tra cho thấy, các ngân hàng trên địa bàn đều chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, không xuất hiện hiện tượng "vay để đảo nợ” (vay món mới lãi suất thấp để trả món cũ lãi suất cao); phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hoàn thiện giai đoạn đầu tư, đi vào sản xuất thì bí vốn lưu động, thời gian cho vay ngắn hạn dưới 12 tháng với lãi suất hấp dẫn như vậy là quá tốt; đặc biệt, vào thời điểm đầu năm dương lịch, áp tết Nguyên đán”.

Giám đốc một công ty chế biến gỗ tại huyện Trấn Yên cho biết, thời điểm đầu xuân mưa nhiều nên công ty của ông thường thiếu nguyên liệu, lúc này rất cần vốn để mua gỗ tròn. Ngân hàng cho vay thoải mái và lãi suất 6%/năm sẽ giúp doanh nghiệp của ông và nhiều doanh nghiệp khác mạnh dạn vay vốn để thu mua, tích trữ nguyên liệu nhằm duy trì sản xuất liên tục. Lãi suất thực sự không còn là gánh nặng đối với doanh nghiệp.
 
Chủ một cửa hàng công nghệ phẩm tâm sự: "Lãi suất giảm dịp áp tết Nguyên đán như lần này là dân kinh doanh mùa vụ như chúng tôi mừng nhất. Bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát... chỉ cần chuẩn bị trước vài chục ngày, bán xong là hoàn vốn, có thể thanh toán luôn khoản vay cho bên ngân hàng nên thời hạn vay dưới 12 tháng không có gì phải lo. Nhớ có năm, không ít tiểu thương ngành hàng công nghệ phẩm, lương thực, thực phẩm... phải đi vay ngoài để chuẩn bị hàng bán tết, nên vừa lo lắng vừa phải chia phần nhiều cho người cho vay nặng lãi”.

Chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 40% tổng dư nợ, nhu cầu vay ngắn hạn đang dần hình thành và phát triển, việc giảm lãi suất cho vay tối đa 6%/ năm thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp phải chủ động phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng nền tài chính lành mạnh và luôn giữ được sự tín nhiệm cao đối với các ngân hàng thương mại, nghĩa là phải hội đủ các tiêu chuẩn mới được vay vốn với mức lãi suất thấp và phải hấp thụ được ngay nguồn vốn ấy.
 
Thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm thêm được khoảng 11 - 14%/năm. Nhắc lại những con số ấy để một lần nữa chúng ta thấy được lãi suất ngân hàng thời điểm này đã rất thấp, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tích cực sản xuất kinh doanh.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo đầu năm 2018, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô  để chủ động điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ, trong đó điều hành lãi suất cân đối với vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. 

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường tài chính ổn định và kinh tế vĩ mô thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo an toàn và lành mạnh tài chính.

Lê Phiên

Các tin khác
Người dân huyện Trạm Tấu nhận nilon phòng chống rét cho mạ.

YBĐT - Đến thời điểm này, nhân dân các xã trên địa bàn huyện Trạm Tấu đang tích cực xuống đồng làm đất.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng k

Cần chủ động chăm sóc và  giữ ẩm cho đàn gia súc, đặc biệt ở vùng cao.

YBĐT - Tiếp tục bị ảnh hưởng của rét đậm và rét hại, đến 16 giờ ngày 16/1, số gia súc bị chết rét tiếp tục tăng thêm 21 con.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Kozo Shiraji, Phó Chủ tịch Tập đoàn Misubishi Motors.

Dự án nhà máy sản xuất thứ hai của Mitsubishi Motors có tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020, công suất từ 30.000 tới 50.000 chiếc/năm, bao gồm cả xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục