Dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND và Trưởng phòng Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2017, ngành nông nghiệp Yên Bái đã nỗ lực vượt khó đi lên và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (GRDP) là 4,04%, đạt 3.745 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), đứng thứ 6 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc, cao hơn tốc độ bình quân chung của cả nước là 1,14%.
Giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản đạt 6.582 tỷ đồng, tăng 4,02% so với năm 2016, chiếm 23,5% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai đúng hướng, các chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh đã tiếp tục phát huy hiệu quả và được người dân ủng hộ tích cực.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 33/157 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 36 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, chiếm 22,93% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Công tác ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai được tổ chức khẩn trương, kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.
Năm 2018, mục tiêu chung của ngành nông nghiệp Yên Bái là tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4,5%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP chung của tỉnh năm 2018 đạt kế hoạch 6,3%.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đã đạt được của ngành trong năm 2017 và đưa ra những giải pháp để tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong năm 2018 như nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn quả có múi, phát triển cây chè đảm bảo các tiêu chí sản xuất sản phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận và liên kết theo chuỗi giá trị, có đầu ra ổn định; giải pháp huy động cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới; giải pháp trong kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất nông sản an toàn; các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động ứng phó với thiên tai, bão lũ năm 2018…
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh Yên Bái thảo luận tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2017. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành như: nông nghiệp còn tăng trưởng thấp; công tác dự báo tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa rõ nét; một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã hình thành nhưng chưa rõ nét; đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định; nhiều tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới còn thiếu tính bền vững…
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; phấn đấu tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt 4,5% trở lên; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh năm 2018; đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018 đúng kế hoạch, lịch thời vụ.
Về xây dựng nông thôn mới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch xây dựng xã đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2018 và các năm tiếp theo; hoàn thiện Đề án xây dựng huyện Trấn Yên đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020 trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 2/2018; tích cực phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục chuỗi phát triển sản xuất đối với sản phẩm ở từng địa phương; rà soát lại việc duy trì các tiêu chí đã đạt được đối với các xã đã được công nhận nông thôn mới.
Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất lương thực, hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ; khai thác tiềm năng đất đai, lao động để phát triển các cây trồng chủ lực; sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; xây dựng các vùng chuyên canh (rau, hoa) và các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Tăng cường khảo nghiệm, chuyển giao các giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng địa phương. Nâng cao chất lượng chè, xây dựng phương án sản xuất, chế biến chè đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng chè an toàn, chè sạch đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu chè Yên Bái.
Trong chăn nuôi, cần phát triển theo hướng tập trung gắn với đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; tổ chức lại hoạt động chăn nuôi theo hướng liên doanh, liên kết, chuỗi giá trị, phát triển và ứng dụng quy trình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu rà soát, kiểm soát chặt chẽ các dự án có tác động tiêu cực đến rừng, giám sát chặt chẽ về chuyển đổi rừng và đất rừng trong khai thác khoáng sản và thủy điện; đổi mới sản xuất lâm nghiệp theo hướng trồng rừng sản xuất bằng các loài cây gỗ lớn để tăng nhanh giá trị từ rừng, kết hợp với trồng các loài cây đa tác dụng, đa mục tiêu như quế, sơn tra, cao su…
Trong lĩnh vực thủy sản, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần phát triển thủy sản theo hướng bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mặt nước của tỉnh nhưng phải đảm bảo yếu tố an toàn môi trường.
Bên cạnh đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp cần rà soát lại các phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn, bổ sung các phương án ứng cứu khi có tình huống xảy ra; ưu tiên, tập trung làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động phương án phòng ngừa, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, triển khai kịp thời các dự án bố trí tái định cư, di dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để đảm bảo an toàn, sớm ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện tốt công tác cải cách tổ chức, bộ máy của ngành, nhất là tham mưu cho tỉnh trong việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực mà ngành phụ trách.
Mạnh Cường