Cách đây gần chục năm, khi chúng tôi đã viết "Nậm Thia ký sự”. Nậm Thia - dòng suối lớn cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cả vùng Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ) đã đi vào thi, ca, nhạc, họa… nhưng giờ đây, nạn nạo hút cát, đá, sỏi bừa bãi đã biến dòng suối thơ mộng ngày nào tan hoang, đổi dòng và trở nên hung dữ mỗi mùa mưa bão.
Trải dài từ địa phận phường Cầu Thia, xã Nghĩa Lợi của thị xã Nghĩa Lộ tới xã Phù Nham huyện Văn Chấn, đặc biệt là tại "ngã ba suối Thia”, chúng tôi dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường hàng chục chiếc máy hút cát, đá, sỏi ngang nhiên án ngữ và hoạt động.
Công trường khai thác nhộn nhịp khi hàng chục loại xe tải lao hẳn xuống giữa lòng suối để chở cát, đá, sỏi qua những "đường dẫn” được đắp bằng đất đá; phía trên, nhiều đống cát lớn được tập kết ngay sát bờ suối đợi chuyển đi…
Ngay trên mặt đường vành đai suối Thia và đường tránh thị xã Nghĩa Lộ, các xe chở cát, đá, sỏi múc lên từ lòng suối vẫn chạy ầm ầm không che đậy, nước thải và cát sỏi vương vãi khắp dọc đường gây ô nhiễm và mất an toàn giao thông mà không e ngại.
Anh Lò Tuyên Dung ở thôn Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi nói: "Người dân chúng tôi rất bức xúc với cảnh khai thác cát, đá, sỏi trái phép ngang nhiên diễn ra trên địa phận suối Thia. Chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến với cấp ủy, chính quyền xã thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng trên không thay đổi chút nào”.
Còn chị Lường Thị Liên ở bản Nà Làng, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Hàng ngày, chúng tôi thấy các máy hút cát, đá, sỏi hoạt động, xe tải chạy trên các tuyến đường mà không thấy các lực lượng chức năng kiểm tra”.
Mang câu chuyện của những người dân đến gặp chính quyền xã, ông Lường Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi nói: "Xã đã có nhiều công văn thông báo về việc cấm khai thác cát, đá, sỏi trên khu vực các dòng chảy đi qua địa phương nhưng thực sự quản lý việc này rất khó. Các điểm khai thác trên lòng suối Thia đều là những điểm không được cấp phép".
"Cứ thấy lực lượng chức năng kiểm tra là các đối tượng dừng hoạt động, tản đi hết, chỉ còn trơ lại máy móc trên suối. Mà lực lượng xã chúng tôi không đủ thẩm quyền để tịch thu máy khi máy không hoạt động. Xã cũng đã có công văn báo cáo với UBND thị xã về việc này” - ông Hà nói.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, UBND thị xã Nghĩa Lộ và UBND huyện Văn Chấn đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường ra nhiều văn bản, chỉ thị về việc cấm hoạt động khai thác cát, đá, sỏi tại các dòng chảy; cũng đã có nhiều đoàn kiểm tra, phê duyệt nhiều phương án bảo vệ khoáng sản thuộc địa phận địa phương mình… nhưng gần như không công hiệu.
Ngành tài nguyên và môi trường hai địa phương cũng khẳng định không có bất cứ điểm nào tại suối Thia được cấp phép khai thác cát, đá, sỏi trong thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, các nhóm đối tượng khai thác cát, đá, sỏi trái phép luôn lợi dụng địa hình giáp ranh giữa hai địa phương, khi lực lượng của thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra, chúng lập tức dịch chuyển máy móc, phương tiện về bên địa giới hành chính của huyện Văn Chấn và ngược lại, nếu huyện Văn Chấn kiểm tra, máy móc sẽ lập tức được kéo sang ranh giới thị xã Nghĩa Lộ…
Ông Hà Văn Nam - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trải dọc suối Thia, một số công trình công cộng như bờ kè, đường dẫn, mố cầu… được thi công theo dự án nên trước đây, có một số điểm được tận dụng vật liệu của dòng suối; các đối tượng được thuê gom vật liệu đã lợi dụng việc này để kéo dài việc khai thác cát, đá, sỏi trái phép dẫn đến việc quản lý gặp khó khăn…"
Ông Nam trao đổi thêm: "Thị xã Nghĩa Lộ đã rất nhiều lần tổ chức các đoàn kiểm tra, tiến hành lập biên bản xử lý, tịch thu máy móc của các đối tượng này nhưng chỉ lắng xuống được một thời gian, lợi dụng địa bàn giáp ranh chúng lại hoạt động trở lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý”.
Về phía địa bàn của huyện Văn Chấn, ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham khẳng định: "Tôi cũng đã cho cán bộ tới các điểm khai thác cát, đá, sỏi kiểm tra, anh em báo cáo về là những vị trí ấy không nằm trên đất của địa phương”… (!?).
Việc khai thác cát, đá, sỏi bừa bãi, không phép tại vùng lòng chảo Mường Lò đã gây nên rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khi dòng chảy bị thay đổi, môi trường bị hủy hoại mà kinh hoàng nhất là đã góp phần không nhỏ gây nên thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của nhân dân huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ như trong đợt mưa lũ tháng 10/2017 vừa qua.
Thiết nghĩ, nếu cấp ủy, chính quyền hai địa phương thực sự mạnh tay với "cát - đá - sỏi tặc”, cùng nhau ngồi lại để phối hợp chỉ đạo các lực lượng chức năng của cả đôi bên một cách quyết liệt thì việc xóa bỏ các điểm khai thác cát, đá, sỏi trên dòng suối Thia là điều không khó.
P.V