Tư duy mới trong phát triển kinh tế ở Việt Thành

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/3/2018 | 2:55:40 PM

YBĐT - Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên hoàn thành xây dựng nông thôn mới (XDNTM) từ năm 2015 và một diện mạo mới với hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được chỉnh trang, nâng cấp đồng bộ. Đặc biệt, công cuộc XDNTM đã thay đổi tư duy của một bộ phận không nhỏ người dân trong phát triển kinh tế.


Gia đình ông Nguyễn Quang Huy ở thôn 8, xã Việt Thành sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi trong phát triển kinh tế đã quyết định chọn mô hình nuôi hươu lấy nhung. Hươu đực 2 năm tuổi bắt đầu cho nhung và lộc nhung bắt đầu mọc vào mùa xuân. Từ khi nhung mọc đến khi cắt được, mất khoảng 45 ngày.
 
Mỗi năm, 1 con hươu cho nhung 1 lần, ổn định khoảng 0,7 - 0,8 kg và đàn hươu của ông cho thu nhập trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất vườn rộng, gia đình ông đã trồng trên 300 gốc cây ăn quả các loại như: bưởi, táo, ổi và trồng cỏ để nuôi hươu. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình ông đạt gần 200 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ: "Nuôi hươu không tốn nhiều công chăm sóc; chi phí đầu tư thức ăn cho hươu thấp và tận dụng được các loại phụ phẩm nông nghiệp như lá ngô, lá mía và nhiều loại lá cây khác sẵn có trong vườn, nhưng lại cho thu nhập cao và ổn định. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung”.

Thôn 8, xã Việt Thành hiện có 75 hộ và đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Trước đây, bà con chỉ tập trung thâm canh 2 vụ lúa và trồng rau màu thì vài năm trở lại đây đã phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm, chuyển đổi diện tích ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu. Thực hiện chủ trương của xã là phát huy thế mạnh của địa phương tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm theo hướng tăng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị, tạo ra sản phẩm chủ lực của xã là sản phẩm kén tằm, các sản phẩm chế biến từ kén tằm.
 
Từ năm 2017 đến nay, bà con trong thôn đã tích cực mở rộng diện tích và đến nay đã trồng mới được hơn 10 ha dâu, nâng tổng diện tích dâu của thôn lên trên 20 ha. Hơn 50% số hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó có nhiều hộ thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ phát huy thế mạnh dâu tằm, nhiều hộ dân ở Việt Thành còn mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Điển hình phải kể đến mô hình trồng nấm linh chi của ông Nguyễn Văn Quỳnh ở thôn 6.
 
Ông là người đầu tiên trong huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm linh chi. Ông Quỳnh cho biết: "Gia đình tôi bắt đầu trồng nấm từ năm 2014 với 7.000 bịch giống, giá bán trên thị trường khoảng 1 triệu đồng/kg. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện mô hình, tôi đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm”. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nấm linh chi mang lại, nên hàng năm ông Quỳnh đều tăng số lượng giống lên 10.000 rồi 15.000 bịch. Từ đó, có thể khẳng định, trồng nấm linh chi là hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao.

Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Hiện nay, ở Việt Thành đã có hàng chục hộ đang phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp với các sản phẩm độc đáo, phong phú đáp ứng nhu cầu thị trường như: cây ăn quả, nhung hươu, trồng hoa, cây cảnh, nấm ninh chi… Điều đáng nói là, người dân đã chủ động tìm hiểu trên sách báo, phương tiện truyền thông và đi thực tế ở các địa phương khác về áp dụng. Hay nói cách khác, bản thân người nông dân tự đào tạo mình để không còn là "nông dân thuần nông” mà hướng đến thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa nâng cao thu nhập”. Giờ đây, ở Việt Thành người dân ngày càng nhận thức cao hơn về sự liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh.
 
Cụ thể, trong phát triển trồng dâu nuôi tằm, mỗi nhóm hộ đảm nhiệm một khâu trong quy trình sản xuất như: nhóm hộ chuyên ươm nuôi tằm con, nhóm chuyên nuôi tằm thương phẩm, nhiều hộ đứng ra thu mua sản phẩm kén với giá cả ổn định hoặc cung ứng giống trả chậm cho các hộ khác.
 
Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 tổ hợp tác gồm 2 tổ hợp trồng rừng, 1 tổ hợp trồng tre măng Bát độ và 1 tổ hợp nuôi tằm. Nhờ đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, đến nay Việt Thành là một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện (30 triệu đồng/người/năm) và có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất 2,13%...

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi trong chương trình XDNTM tại xã Việt Thành. Để tiếp tục nâng cao tiêu chí về thu nhập, thời gian tới, xã đẩy mạnh tiếp tục tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn với XDNTM để giúp nhân dân nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.

Thanh Tiến – Kim Oanh (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)

Các tin khác

YBĐT - Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tạo sản phẩm hàng hóa sạch, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, tháng 8 năm 2016, UBND tỉnh đã giao cho UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với huyện Văn Chấn thực hiện Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò tỉnh Yên Bái” với 2 loại gạo đề nghị Nhà nước bảo hộ là Séng cù và Hương chiêm.

YBĐT - Đến nay trên địa bàn huyện Yên Bình có 147 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 200 - 600 triệu đồng/năm.

Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tạo hình sản phẩm.

YBĐT - Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái trong tháng 2/2108 ước đạt 605,2 tỷ đồng, giảm 16,1% so với tháng trước, tính chung 2 tháng đầu năm đạt 1.326,8 tỷ đồng, tăng 10,59% so với cùng kỳ.

Các địa phương đã gieo ươm được 112.478 nghìn bầu cây giống phục vụ trồng rừng.

YBĐT - Hết tháng 2, các huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái đã trồng mới 1.178 ha, bằng 7,9 % kế hoạch.



Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục