Ký kết Hiệp định CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới quan hệ lao động

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2018 | 9:00:18 AM

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết bởi 11 quốc gia vào ngày 8/3, bao trùm thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới và 15% thương mại toàn cầu. Tuy nhiên hiệp định tự do thương mại này đòi hỏi các thành viên, trong đó có Việt Nam phải tuân thủ quy định về quyền lao động cơ bản để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.

Giám đốc ILO Việt Nam ông Chang-Hee Lee.
Giám đốc ILO Việt Nam ông Chang-Hee Lee.


Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, ông Chang-Hee Lee đã có những phân tích về tác động của vấn đề lao động trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam.

- Quyền về lao động là một trong những vấn đề chính trong vòng đàm phán cuối cùng của CPTPP trước khi ký kết. Ông có thể cho biết thêm về những điều khoản về quyền lao động và tại sao những vấn đề này lại quan trọng?

Ông Chang-Hee Lee: Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng CPTPP, cùng với Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam thông qua việc tăng tính cạnh tranh về giá của các mặt hàng xuất khẩu và đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các hiệp định thương mại sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm, bao gồm cả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan trọng hơn, CTTPP sẽ giúp tạo điều kiện cho cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực và xây dựng môi trường cho nền kinh tế cạnh tranh.

Tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam đang tích cực theo đuổi chương trình nghị sự về hội nhập kinh tế quốc tế. Quyết tâm đó được khẳng định bằng việc thông qua Nghị quyết số 6 của Đảng năm 2018. Tôi tin rằng điều này sẽ không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn cả về mặt xã hội.

CPTTP cùng với EU-Việt Nam FTA, được gọi là những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, bảo vệ tính bền vững của môi trường để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.

Giả sử quốc gia A là nước phát triển hơn và quốc gia B kém phát triển hơn có quan hệ thương mại. Việc mặt bằng lương của người lao động ở nước A cao hơn nước B là chuyện dễ hiểu bởi nó phản ánh mức độ năng suất và phát triển của họ. Đây không phải là cạnh tranh không công bằng.

Tuy nhiên, nếu nước B cho phép lao động chưa đủ tuổi tham gia sản xuất hàng hoá xuất khẩu trong điều kiện làm việc không đảm bảo với mức lương thấp không thể chấp nhận được, trong khi nước A cấm việc này thì đây có thể coi là cạnh tranh không công bằng, đi ngược lại các quy tắc đã thống nhất trên toàn cầu.

Thế giới đã đạt được đồng thuận về các quyền cơ bản cần được tất cả các quốc gia tôn trọng, bất kể trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đó ở mức nào. Sự đồng thuận này được quy định rõ trong Tuyên bố của ILO năm 1998 về Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động. Chương liên quan đến lao động của CPTPP và EU-Việt Nam FTA nhằm thực thi các quyền này.

- Ông đánh giá thể nào tác động của những quyền về lao động trong CPTPP đối với Việt Nam?

Ông Chang-Hee Lee: Các FTA thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO với nền tảng : Tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm Việt Nam, đều phải tôn trọng các quyền này. Đây được coi là những quyền được ghi nhận trên toàn thế giới trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức.

Chương lao động của CPTTP dựa trên Tuyên bố 1998 của ILO. Chương này cũng đưa ra mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO với các điều kiện thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng.

Bên cạnh ý nghĩa về thương mại, tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam nên sử dụng điều này như một cơ hội để hiện đại hóa pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động trong khung thời gian đã định.

- Việt Nam cần phải chuẩn bị gì cho việc thực hiện chương lao động trong CPTPP, thưa ông?

Ông Chang-Hee Lee: Việt Nam đã công nhận nghĩa vụ này và thực hiện các bước để đáp ứng yêu cầu của CPTPP thông qua quá trình cải cách pháp luật lao động và thể chế hiện đang diễn ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định lại sự cần thiết của cải cách vào ngày 17/1 vừa qua tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trên thực tế, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp luật lao động trong quá trình tiến tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kể từ thời kỳ đổi mới. Trong những năm gần đây, diện bao phủ của sự bảo vệ về pháp luật đã được mở rộng dần đến người lao động trong nền kinh tế phi chính thức. Đồng thời, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đã trở thành một quá trình ba bên với sự tham gia của đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số điểm yếu trong pháp luật lao động và các thể chế liên quan đến quan hệ lao động. Đã có hơn 6.000 cuộc đình công kể từ giữa những năm 1990 và tất cả đều là đình công tự phát, không do công đoàn khởi xướng. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người lao động không cảm thấy quyền lợi và mối quan tâm của họ được giải quyết và quy trình xử lý vấn đề không hiệu quả.

Tại Việt Nam, không hiếm trường hợp lãnh đạo công đoàn cơ sở lại là quản lý cấp cao của doanh nghiệp, điều không thể chấp nhận được tại hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới ngày nay. Quyền công đoàn là quyền của người lao động, và công đoàn là tổ chức của người lao động, không bị giới sử dụng lao động can thiệp.

Bằng cách truyền tiếng nói của người lao động thông qua thương lượng tập thể và đối thoại xã hội, công đoàn và hệ thống quan hệ lao động đóng góp vào ổn định chính trị và xã hội, đồng thời thúc đẩy cho thịnh vượng chung. Đó là kinh nghiệm mà các nước khác đã cho thấy trong nền kinh tế thị trường.

Tôi tin rằng việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và đổi mới hệ thống quan hệ lao động phù hợp với Tuyên bố 1998 của ILO và bối cảnh của Việt Nam chắc chắn sẽ giúp ích cho vấn đề này.

Ngoài ra, như tôi đã đề cập, Việt Nam cần tiến tới phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại: Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Đây cũng là những công ước Việt Nam đã cam kết thực hiện thông qua chương phát triển bền vững của EU-Việt Nam FTA.

- Vậy thì ILO sẽ làm gì để hỗ trợ Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật lao động để đáp ứng yêu cầu của các FTA, thưa ông?

Ông Chang-Hee Lee: Từ khi Việt Nam gia nhập ILO năm 1992, ILO làm việc không chỉ với Chính phủ mà còn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa pháp luật lao động, cải thiện chính sách quốc gia và tăng cường năng lực của các đối tác quốc gia nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả phụ nữ và nam giới.

ILO sẽ tăng cường nỗ lực hỗ trợ cải cách pháp luật lao động và quan hệ lao động, không chỉ để Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về lao động của CPTPP và EU-Việt Nam FTA mà còn nhằm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp và xã hội, hướng tới ổn định về chính trị và thịnh vượng chung.

Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành sứ mệnh này vì tương lai của đất nước. Một tương lai được xây dựng trên nền tảng tăng trưởng năng suất, đổi mới, chia sẻ công bằng về lợi ích kinh tế, ghi nhận tiếng nói của cả người lao động và người sử dụng lao động, và ổn định chính trị -xã hội.

- Xin cảm ơn ông!
 
(Theo VOV)

Các tin khác
Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Tuần Quán.

YBĐT - Những năm gần đây, được sự quan tâm của trung ương, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2018, tỉnh đã tập trung cho xây dựng cơ bản; nhờ đó, nhiều công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Lực lượng kiểm lâm Văn Yên kiểm tra việc ươm cây giống của các hộ dân.

YBĐT - Với trên 74% diện tích là rừng và đất rừng; trồng rừng, phát triển kinh tế từ nghề rừng đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn huyện Văn Yên.

Lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2017.

Chương trình Danh hiệu Sao Khuê 2018 có bước tăng trưởng vượt trội, với 100 đề cử đến từ 80 doanh nghiệp, đơn vị, riêng nhóm các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong cuộc CMCN 4.0 có 13 đề cử, 92 đề cử đưa vào thẩm định thực tế tại doanh nghiệp, báo cáo lại cho Hội đồng Chung tuyển làm căn cứ xét trao Danh hiệu Sao Khuê 2018.

Cục Thuế tỉnh Yên Bái hướng dẫn người nộp thuế quy trình hoàn thuế điện tử.

YBĐT - Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp trong tiếp cận những chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thuế, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (NNT).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục