Tiết kiệm khoảng 3.400 tỷ đồng/năm từ việc giảm xe công
- Cập nhật: Thứ hai, 19/3/2018 | 9:13:37 AM
Việc tiết kiệm kinh phí trong sử dụng ô tô công không còn mang tính chất tự nguyện mà sẽ trở thành bắt buộc, thành chế độ khoán đối với một số chức danh.
Ảnh minh hoạ.
|
Đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô để triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật số 15/2017/QH14). Theo tính toán, việc giảm 30%-50% số lượng xe công theo dự thảo nghị định sẽ giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 3.400 tỷ đồng/năm.
Thí điểm cho thuê xe công
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương thí điểm việc thực hiện cho thuê xe công của một số đơn vị. Theo Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, phương án kinh doanh và phục vụ hoạt động của chính quyền TP (do Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong, thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP xây dựng) sẽ được thí điểm thực hiện tại 5 cơ quan, đơn vị: Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, UBND quận Bình Thạnh, UBND huyện Bình Chánh và Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Phạm vi thực hiện thí điểm là tiếp nhận, quản lý và triển khai hoạt động xe phục vụ công tác chung; hoạt động bảo vệ, tạp vụ. Số lượng ô tô phục vụ công tác chung là 26 xe. Về dịch vụ cho thuê xe: Đối với số lượng ô tô được bố trí theo Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ là 2 xe/đơn vị; các cơ quan, đơn vị thực hiện ký hợp đồng thuê xe theo tháng với công ty.
Ngoài số lượng xe trên, khi có nhu cầu thuê thêm hoặc đột xuất, ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết, công ty sẽ bố trí thêm 10 ô tô từ 4-16 chỗ đời mới từ 2015 trở lên phục vụ 24/24 giờ, để đáp ứng nhu cầu đi lại của các đơn vị, đơn giá tính theo ki-lô-mét hoặc theo chuyến. Đơn giá thuê theo tháng với ô tô 4-5 chỗ là 20 triệu đồng, 7-8 chỗ là 24 triệu đồng, 12 chỗ 25 triệu đồng, 15-16 chỗ là 28 triệu đồng. Định mức mỗi xe là 2.000km/tháng. Mỗi ki-lô-mét vượt hợp đồng được tính theo đơn giá ki-lô-mét ứng với từng loại ô tô.
Mục tiêu giảm 30%-50% xe công
Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương với nội dung không sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại để mua sắm xe ô tô. Đối với dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, trường hợp hiệp định đã được ký kết hoặc văn kiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có quy định cụ thể về chủng loại, số lượng, mức giá mua xe ô tô thì việc mua xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án thực hiện theo quy định của hiệp định đã được ký kết hoặc văn kiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc mua sắm xe ô tô từ nguồn vốn đối ứng (thuộc nguồn vốn chi đầu tư) của dự án sử dụng vốn vay nước ngoài thực hiện theo quy định.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 34.241 ô tô công. Theo tính toán, nếu áp dụng theo định mức, tiêu chuẩn mới, đến năm 2020 số ô tô phục vụ công tác chung có thể giảm từ 30%-50%. Riêng xe phục vụ chức danh giảm khoảng gần 700 xe. Tổng số tiền ngân sách bỏ ra mỗi năm cho xe công hiện nay lên tới gần 13 nghìn tỷ đồng. Tính theo thời điểm năm 2016, tổng kinh phí "nuôi" một chiếc xe công mỗi năm khoảng 320 triệu đồng (bao gồm cả lương lái xe) thì dự kiến việc giảm số lượng xe công nêu trên sẽ giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 3.400 tỷ đồng/năm.
Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo nghị định của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô, gửi các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị góp ý kiến. Nghị định này sẽ thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau hơn hai năm thi hành, đồng thời là một trong những bước nhằm triển khai Luật Quản lý, Sử dụng tài sản công có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Theo dự thảo, chỉ có 4 chức danh được sử dụng thường xuyên một xe công từ khi đương chức cho đến khi đã nghỉ hưu và không quy định mức giá cụ thể, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Các chức danh được hưởng chế độ xe riêng đưa đón giảm đáng kể, chỉ cấp bộ trưởng trở lên mới được sử dụng xe chức danh với giá trị mua sắm tối đa 1,1 tỷ đồng. Từ cấp thứ trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh (phụ cấp 1,25) trở xuống sẽ không còn chế độ xe riêng, thay vào đó là nhận khoán kinh phí sử dụng xe. Dự thảo cũng quy định cụ thể việc khoán kinh phí xác định theo từng công đoạn, bao gồm đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan (và ngược lại) đối với chức danh thứ trưởng; đi công tác đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ô tô phục vụ công tác chung.
Các tin khác
YBĐT - Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã trồng mới được gần 2.250 ha cây sơn tra, đạt 37,5% so với kế hoạch cả giai đoạn 2016 - 2020.
YBĐT - Thời gian qua, UBND huyện Trạm Tấu luôn chú trọng đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản nhằm sử dụng và phát huy tốt hiệu quả đầu tư, thiết thực phục vụ đời sống dân sinh.
YBĐT - Sáng 17/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu xuân 2018.