Mô hình trồng rau thủy canh của ông chủ 9X

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/4/2018 | 8:02:39 AM

YBĐT - Xuất phát từ kỹ sư điện, ông chủ 9X Nguyễn Khắc Tiến, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cùng những người bạn của mình đã nghiên cứu, chế tạo thành công các thiết bị trồng rau thủy canh với công nghệ của riêng mình.

Nguyễn Khắc Tiến bên mô hình trồng rau thủy canh với công nghệ của chính mình.
Nguyễn Khắc Tiến bên mô hình trồng rau thủy canh với công nghệ của chính mình.


Khác với mô hình trồng rau thủy canh tại xã Minh Bảo phải mua công nghệ từ nơi khác, mô hình trồng rau thủy canh của Tiến từ máng thủy canh, hệ thống lọc nước, ống bơm và dẫn nước dinh dưỡng đến dung dịch dinh dưỡng đều do anh và 2 người bạn thân của mình tự mày mò, nghiên cứu.
 
Vốn là sinh viên Khoa điện - Tự động hóa, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, kiến thức về điện, cơ khí là thế mạnh của Tiến. Bởi vậy, sau nhiều tháng nghiên cứu, khảo sát, thiết bị mô hình trồng rau thủy canh được chế tạo thành công ngay trên đất Yên Bái.
 
Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ: "Trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường thì nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng. Và chẳng có gì đảm bảo sạch bằng việc tự tay mình trồng ra cả. Bởi vậy, nhóm chúng tôi đã nghiên cứu để chế tạo ra mô hình trồng rau thủy canh có thể áp dụng phổ biến trong các gia đình hoặc quy mô sản xuất lớn với giá thành tốt”.

Trồng rau bằng phương pháp thủy canh không còn xa lạ với người dân, song một mô hình trồng rau thủy canh ngay tại gia đình chắc không phải ai cũng nghĩ tới. Trong điều kiện không có đất vườn, nhiều gia đình lựa chọn giải pháp trồng cây trong các thùng xốp trên sân thượng.
 
Việc làm này mất khá nhiều thời gian và công sức. Bởi vậy, mô hình trồng rau thủy canh ở quy mô hộ gia đình là một giải pháp tối ưu. Chỉ bằng những vật liệu đơn giản với bàn tay, sự sáng tạo của Tiến, một mô hình trồng rau thủy canh tự động hóa theo nhu cầu người sử dụng được lắp đặt với vô vàn lợi ích. Không chỉ ứng dụng được trên mọi địa hình, tiết kiệm tối đa diện tích, mang lại năng suất, chất lượng cao, hạn chế sâu bệnh mà còn góp phần làm đẹp không gian sống cho gia đình.
 
Mô hình trồng rau thủy canh được Tiến thiết kế dưới dạng hồi lưu. Theo đó, nguồn nước chứa chất dinh dưỡng được bơm vào các đầu máng trồng và luân chuyển trong máng cho tới cuối. Tại đây, nước được thu hồi, đưa trở lại bơm tổng để tiếp tục lọc và quay lại chu trình.
 
Tiến cho biết thêm: "Trước khi lắp đặt hệ thống giàn thủy canh, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm khảo sát không gian lắp đặt sao cho đảm bảo cả tính thực tế lẫn thẩm mỹ. Một bản thiết kế hình ảnh 3D sẽ được gửi đến khách hàng. Nếu khách hàng ưng ý, chúng tôi sẽ tiến hành thi công. Mô hình trồng rau thủy canh này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch cho gia đình mà còn khiến không gian sống thêm tươi mới, trong lành”.
 
Tùy nhu cầu, mỗi gia đình có thể lắp đặt mô hình trồng rau thủy canh lớn hay nhỏ với giá thành 160.000 đồng/mét dài ống (bao gồm tất cả các vật tư đi kèm). Trong thời gian sử dụng, 1 tháng sẽ chi phí thêm khoảng 150.000 đồng cho giống, dung dịch dinh dưỡng, điện... Một con số không lớn để cả gia đình được ăn rau sạch, đảm bảo sức khỏe.

Từ thành công của mô hình trồng rau thủy canh này, đến tháng 8/2017, nhóm của Tiến tiếp tục thử nghiệm thành công mô hình đèn LED chuyên dụng để trồng rau, giúp việc trồng rau dù trong môi trường thiếu ánh sáng vẫn có thể phát triển.

Hiện, mô hình trồng rau thủy canh của ông chủ 9X Nguyễn Khắc Tiến được ứng dụng khá rộng rãi trong các hộ gia đình tại Hà Nội và các thành phố lớn. Riêng với Yên Bái, nhóm của Tiến đã nhận được 3 đơn đặt hàng cho 3 hộ gia đình tại thành phố Yên Bái. Việc chế tạo thành công mô hình trồng rau thủy canh của riêng mình không những góp phần giải bài toán thực phẩm bẩn vẫn đang nhức nhối hiện nay mà còn giúp việc khắc phục sai sót về công nghệ khi sử dụng được dễ dàng.

Hoài Anh

Các tin khác
Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch lúa.

YBĐT - Xuất phát từ thực tiễn Yên Bái có nhiều tiểu vùng khí hậu, trình độ và tập quán canh tác của người dân khác nhau..., ngành nông nghiệp đã chủ động chia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành 8 đề án thành phần gồm: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả có múi, chè vùng cao, ngô đông trên đất 2 vụ lúa, cây quế, cây tre măng Bát độ, cây sơn tra.

Ảnh minh họa.

Ngày 10/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị chuyền đề về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thông tin, trong quý 1 năm 2018, việc kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được thực hiện khá tốt, đồng thời tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đã giảm rõ rệt.

Đoàn công tác của tỉnh cùng các đơn vị tư vấn, thiết kế kiểm tra khu vực suối Thia, đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Được thực hiện trong 3 năm, khi hoàn thành, Dự án chỉnh trị suối Thia  sẽ góp phần ổn định đời sống cho trên 2.200 hộ dân gần các vị trí sạt lở, bảo vệ trực tiếp cho gần 400 ha đất sản xuất nông nghiệp. 

Nút giao IC12 kết nối thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

YBĐT - Các tuyến đường bộ từng bước được cải tạo, nâng cấp cùng với vận tải đường sắt, đường thủy bước đầu hình thành mạng lưới giao thông vận tải tương đối đồng bộ, đặc biệt là các công trình vượt sông, suối trên các tuyến đã cơ bản được xây dựng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục