Được thực hiện từ tháng 8/2024 đến tháng 3/2025, Dự án có mục tiêu xây dựng một ứng dụng tích hợp công nghệ AI mang tên DPSA trên điện thoại. Trong đó DPSA là viết tắt của Deaf - mute People are Supported by Artificial Intelligence (Người khiếm thính và khiếm thị được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo). Ứng dụng có các chức năng chuyển đổi hai chiều giữa thủ ngữ và giọng nói, giúp chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói và chuyển đổi giọng nói thành ngôn ngữ ký hiệu để giúp người khiếm thanh, khiếm thính có thể hiểu và dễ dàng giao tiếp với người bình thường.
Chia sẻ về ý tưởng của Dự án này, em Bùi Minh Quang cho hay: "Trong những lần đi thiện nguyện tại Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Hương Giang, thành phố Yên Bái, chúng em đã có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với những người khiếm thanh, khiếm thính. Mặc dù những khó khăn mà họ gặp phải là rất lớn, đặc biệt là trong việc giao tiếp với những người xung quanh, họ vẫn có thể làm ra những sản phẩm thủ công đầy giá trị. Điều đó đã thôi thúc chúng em hành động và bắt đầu nghiên cứu một giải pháp để thu hẹp khoảng cách giao tiếp, mang lại tiếng nói cho những người bị khiếm thanh, khiếm thính vì mọi người đều xứng đáng được lắng nghe, được thấu hiểu, và được kết nối với thế giới”.
Từ ý tưởng đó, các bạn Minh, Quang dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lục Thị Thu Hoài – giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã tiến hành một bài khảo sát trên hai đối tượng là người khiếm thanh, khiếm thính và những người bình thường hàng ngày có tiếp xúc với người khiếm thanh khiếm thính như giáo viên, người nhà của bệnh nhân tại Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật Hương Giang, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và trường PTCS Xã Đàn - ngôi trường chuyên biệt nhận dạy học sinh khuyết tật tại Hà Nội. Kết quả cho thấy phần lớn người khiếm thanh, khiếm thính gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với những người xung quanh và chủ yếu dùng ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết để diễn đạt mong muốn của bản thân.
Từ đó, nhóm đã tìm hiểu các dự án thực hiện chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói trên thế giới và trong nước và mong muỗn hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thanh, khiếm thính bằng một thiết bị nhỏ gọn, linh động, dễ sử dụng, có độ chính xác cao và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng nên các em đã tiến hành nghiên cứu và tham gia dự án: "DPSA - Ứng dụng tích hợp AI hỗ trợ người khiếm thanh khiếm thính trong giao tiếp Tiếng Việt và Tiếng Anh”.
"Để hoàn thành Dự án thì cần rất nhiều kiến thức về mặt chuyên ngành như vấn đề về xử lý giọng nói, hình ảnh, âm thanh, phân tích mô hình AI…nên chúng em đã đi học tập các chuyên gia, các thầy ở Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội để có những định hướng. Cùng với đó, khi tích hợp công nghệ AI, thì chúng em phải xây dựng, tìm hiểu rất nhiều dữ liệu liên quan đến chuẩn ngôn ngữ ký hiệu dành cho trường học để xây dựng dữ liệu theo quy chuẩn của Bộ GD-ĐT. Tiếp đến chúng em dùng công nghệ học máy để máy nhận diện được ngôn ngữ ký hiệu chuyển đổi sang giọng nói để người bình thường không hiểu ngôn ngữ ký hiệu thì máy sẽ phát ra âm thanh để có thể hiểu người khiếm thanh, khiếm thính nói gì, đồng thời người bình thường sẽ nói vào điện thoại để phần mềm chuyển sang video thủ ngữ cho người khiếm thanh, khiếm thính hiểu được người đối diện muốn nói gì. Sau quá trình nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, các chuyên gia, chúng em đã thành công trong việc xây dựng một ứng dụng trên điện thoại mang tên DPSA với việc tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như: kết hợp mô hình Yolo V8 và Large language model để chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói; sử dụng các mô hình ngôn ngữ Acoustic Model, Beam Search và Language Model và để chuyển đổi giọng nói thành video ngôn ngữ ký hiệu” - Em Trần Quang Minh chia sẻ về quá trình thực hiện Dự án.
Đặc biệt, ứng dụng được thiết lập trên hai ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, không chỉ giúp mở rộng khả năng giao tiếp của người khiếm thính trong môi trường đa ngôn ngữ mà còn góp phần thúc đẩy sự tự tin khi đối diện với các thử thách trong giao tiếp quốc tế. Cùng với đó, các em cũng đang hướng tới phiên bản sử dụng tiếng dân tộc Mông với mục tiêu hỗ trợ cho người khiếm thính ở vùng sâu, vùng xa.
Hình ảnh thử nghiệm trên người khiếm thanh, khiếm thính của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Hương Giang
Là người trực tiếp hướng dẫn cho Dự án, cô giáo Lục Thị Thu Hoài cho biết: "Trong quá trình hướng dẫn 2 bạn Minh và Quang tôi thấy hai bạn rất nỗ lực cố gắng, năng động, sáng tạo, chủ động trong quá trình làm việc. Khi các em đưa ra ý tưởng thì tôi thấy đây là một dự án rất tốt, mang tính nhân văn sâu sắc. Trong quá trình xây dựng dự án, các em đã tích cực tìm tòi, học hỏi, đặt ra nhiều câu hỏi và cô trò đã cùng nhau dần dần hoàn thiện ý tưởng. Rất vui khi Dự án đã đoạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đây là một sân chơi bổ ích cho các bạn học sinh có niềm đam mê với bộ môn khoa học kỹ thuật có thêm tinh thần tự học, tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng các kiến thức đã học một cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề của cuộc sống”.
Xác định việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT trong dạy và học không chỉ là nền tảng để khơi dậy đam mê, cảm hứng yêu khoa học trong giáo viên và học sinh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, những năm qua, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã tổ chức các cuộc thi ý tưởng KHKT cấp trường. Từ những ý tưởng này, hàng năm nhà trường đều nhận được hàng chục ý tưởng của học sinh toàn trường về các lĩnh vực trong cuộc sống. Từ đó, nhà trường lựa chọn các ý tưởng tốt, tổ chức xây dựng kế hoạch nghiên cứu và phân công giáo viên theo dõi hướng dẫn. Trong quá trình nghiên cứu sẽ gặp những khó khăn, nhà trường sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học để học sinh hoàn thành dự án.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đánh giá: "Dự án "DPSA - Ứng dụng tích hợp AI hỗ trợ người khiếm thanh, khiếm thính trong giao tiếp Tiếng Việt và Tiếng Anh” đã được học sinh Bùi Minh Quang và Trần Quang Minh rất dày công nghiên cứu. Sau khi có những ý tưởng sơ khai, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lục Thị Thu Hoài – cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu KHKT đã hỗ trợ các bạn hoàn thành xuất sắc Dự án và đoạt giải cao tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh và cấp quốc gia. Kết quả này đã đóng góp thêm vào bảng thành tích về giải KHKT của nhà trường, là động lực để thầy và trò nhà trường tiếp tục tìm tòi các ý tưởng và các giải pháp để thúc đẩy việc dạy và học và xây dựng, sáng tạo nhiều dự án KHKT mang lại lợi ích cho cộng đồng”.
Từ việc thực hiên các dự án nghiên cứu KHKT sẽ giúp học sinh sẽ hình thành, phát triển nhiều năng lực quan trọng như tư duy độc lập, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, vừa kiến tạo ra những giá trị sống tích cực. Tin tưởng, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng được nhiều tài năng sáng tạo mới về khoa học công nghệ để khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".
Thanh Chi