Theo dự báo của các nhà kinh tế, các thương lái và người chăn nuôi, giá sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày tiếp theo. Giá lợn hơi tăng trở lại người chăn nuôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, các chủ trang trại, nông trại và hộ gia đình có nên tái đàn là câu hỏi đang được đặt ra?
Giá lợn hơi tăng liên tục trong vòng một tháng trở lại đây sau hơn một năm "giữ giá” là một điều đáng mừng cho người chăn nuôi. Giá tăng giúp nhiều hộ chăn nuôi lợn, nhất là các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn từ nguy cơ thua lỗ chuyển sang có lãi. Cũng đã có những người chăn nuôi hồ hởi nghĩ đến tái đàn.
Tuy nhiên, họ vẫn không khỏi lo lắng khi giá lợn tăng cao đột ngột, cũng như việc tăng đàn trở lại sẽ lại dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu dẫn đến thua lỗ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm 1/4/2018, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh đạt hơn 638.000 con, trong đó đàn lợn hơn 502.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại trong 4 tháng đầu năm đạt 14.579 tấn. Sản xuất chăn nuôi cơ bản ổn định, đàn vật nuôi đều tăng hơn so với cùng kỳ.
Theo ghi nhận của phóng viên thì trong vòng một tháng trở lại đây thị trường lợn hơi đã nhộn nhịp trở lại, nhất là trong những ngày trung tuần tháng 5 này. Các thương lái đường dài cũng như các chủ lò mổ bắt đầu đổ về các vùng quê, các trang trại chăn nuôi để thu mua khá nhộn nhịp.
Tuy nhiên, giá cả có sự chênh lệch khá lớn có nơi từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, có nơi giá đã lên tới 45 - 47.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại người chăn nuôi sau trừ chi phí đã có lãi tuy chưa phải là cao, thế nhưng cũng có nhiều hộ chưa xuất bán dù lợn đều đã đạt trên dưới 100kg/con. Hoặc có bán cũng cầm chừng bởi họ đều hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong những ngày tiếp theo.
Anh Hoàng Văn Lục - một chủ hộ chăn nuôi ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên lý giải lý do chưa bán lứa lợn đã đến kỳ xuất và "phân tích” với chúng tôi như một nhà kinh tế học: "Chắc chắn giá sẽ còn cao hơn hiện nay, rất khó đạt mức giá kỷ lục 52 - 53.000 đồng/kg như cuối năm 2016, nhưng chắc chắn không dưới 45.000 đồng/kg. Giá cao bởi lượng lợn tồn trong dân không nhiều. Khủng hoảng giá thời gian trước nhiều gia đình trống chuồng, thậm chí nay vẫn chưa trả hết nợ, chỉ có những hộ chăn nuôi nào "can đảm” lắm mới dám tái đàn. Bởi vậy, đến nay không có lợn đáp ứng thị trường thì giá tăng cao là điều đương nhiên”.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Đình Quốc ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái - một chủ trang trại chăn nuôi lợn tầm cỡ nhưng gần nghìn mét vuông chuồng trống trơn.
Ông Quốc tâm sự, chăn nuôi lợn là một nghề gian nan vất vả, rủi ro cao. Cái khó nhất của người chăn nuôi là không có thông tin về thị trường, cứ làm theo phong trào, giá tăng ào ào tái đàn mà không hề nghĩ đến đầu ra. Cách đây hơn chục ngày, khi giá lợn đạt mốc 42.000 đồng/kg gia đình đã xuất bán hết.
"Dù vậy, tôi sẽ không tiếp tục tái đàn ngay, vì giá lợn hơi tăng cũng kèm theo con giống tăng chóng mặt. Hiện tại một con giống 6 - 7 kg giá đã là 1,2 triệu đồng. Với con giống ở mức cao như vậy, dù giá thức ăn chăn nuôi có không tăng đi chăng nữa mà giá lợn hơi không tăng quá 40.000 đồng/kg thì may mắn lắm người chăn nuôi cũng chỉ cầm hòa” - ông Quốc nói.
Qua thực tế tại các chợ thì giá thịt lợn không tăng là mấy, giá lợn xuất bán sang Trung Quốc cũng không tăng, như vậy giá tăng đột biến như những ngày vừa qua vẫn là một ẩn số. Do vậy, trước sự tăng giá lợn hơi thì người nông dân, các chủ trang trại cần tỉnh táo, nhận định và xem xét thị trường để có quyết định đầu tư cho hiệu quả, tránh thua lỗ.
Việc đầu tư chăn nuôi mà không có tính toán có thể gây thiệt hại rất lớn. Hẳn mỗi hộ chăn nuôi vẫn còn nhớ vào thời điểm tháng 9/2017 giá lợn hơi từ ở mức 26 - 28.000 đồng/kg rồi tăng đột biến lên tới 39 - 40.000 đồng/kg, sau đó lại giảm sâu chỉ trong vòng nửa tháng khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao vì vội vã tái đàn.
Vì vậy, với đợt tăng giá lợn hơi trong những ngày vừa qua, bà con nông dân, các chủ trang trại cần cân nhắc việc tái đàn để tránh thua lỗ nặng nề khi cơn sốt giá đi qua.
Việc giá lợn hơi tăng là một tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Tuy nhiên, theo đánh giá và khuyến cáo của các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý nhà nước, người chăn nuôi cần nghe ngóng thêm thị trường chứ chưa nên tái đàn ồ ạt, không nên làm theo kiểu phong trào để tránh rủi ro.
Ngành chức năng cũng cần làm tốt công tác quy hoạch, thông tin, dự báo thị trường cung cầu, định hướng cho người chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Thanh Phúc