Nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện Văn Yên, những năm qua, xã Viễn Sơn luôn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là khuyến khích người dân giữ vùng nguyên liệu để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế cây quế.
Viễn Sơn là một trong những xã có diện tích quế lớn nhất của huyện Văn Yên hiện nay. Trên 75% dân số xã là đồng bào Dao đã nhiều đời gắn bó với cây quế, ở Viễn Sơn hiện có hơn 2.500 ha quế ở 11/11 thôn, bản.
Trải qua nhiều thăng trầm nhưng từ năm 2000 trở lại đây, nhờ mở rộng thị trường, sản phẩm quế ngày càng có giá trị kinh tế cao đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Cùng với 8 xã trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện, cây quế ở Viễn Sơn đã khẳng định được vị thế, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.
Hiện nay, xã có 1 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, 15 hộ thu mua và chế biến sản phẩm từ quế vỏ, 6 cơ sở thu mua và sơ chế quế, mỗi năm giải quyết việc làm cho không dưới 150 lao động nông nhàn.
Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết, xác định quế là cây kinh tế chủ lực, mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nhân dân, xã luôn khuyến khích người dân phát triển mở rộng diện tích quế cũng như giữ vững, bảo tồn giống quế của địa phương.
"Hàng năm, xã vận động nhân dân tập trung đưa giống quế bản địa vào trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ phát triển cây quế, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm xuống còn dưới 30%, trên 40% số hộ đã vươn lên thoát nghèo, khoảng 20% số hộ có kinh tế khá, giàu” - ông Hín thông tin.
Nói đến hộ trồng nhiều quế nhất Viễn Sơn hiện nay phải kể đến gia đình ông Bàn Phúc Hoa ở thôn Đồng Lụa với diện tích trên 50 ha. Ông Hoa cho biết: "Trước đây, gia đình tôi cũng chỉ trồng có vài héc-ta, còn chủ yếu trồng cây lâm nghiệp khác và canh tác thêm ngô sắn. Khi thấy cây quế có giá trị kinh tế, tôi mua thêm diện tích đất rừng của các hộ dân khác để canh tác. Ai bán ít, ai bán nhiều, tôi cũng mua. Từ chỉ có hơn 7 ha, đến nay, gia đình tôi đã có 50 ha quế từ 2 năm tuổi đến hơn 20 năm tuổi, mỗi năm bán tỉa cũng thu vài trăm triệu đồng”.
Ông Lý Tiến Thắng ở thôn Khe Lợ từ một hộ nghèo nhất nhì trong thôn đến nay đã có 40 ha quế từ 2 - 20 năm tuổi trị giá hàng tỷ đồng. Khi các con lập gia đình, ông Thắng cũng đều chia cho mấy đồi quế và tất cả đều đã xây được nhà ở khang trang.
Ngoài những hộ giàu có nhờ trồng quế lâu năm thì ở Viễn Sơn cũng từ cây quế, nhiều gia đình vốn là hộ nghèo cũng nhờ trồng quế nên không chỉ thoát nghèo còn vươn lên có cuộc sống khá giả. Tiêu biểu như gia đình ông Triệu Quý Tài ở thôn Khe Dứa với 6 ha quế, trong đó có gần 1.000 cây từ 20 năm tuổi trở lên, trị giá mỗi cây từ 2 - 4 triệu đồng.
Ông Tài cho biết: "So với các loại cây lâm nghiệp khác thì quế có giá trị hơn rất nhiều, chỉ 3 năm là có thể tỉa thưa những diện tích trồng dày để bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu quế, những cây còn lại chịu khó chăm sóc thì 8 năm là có thể thu hoạch được. Nếu không có việc gì quan trọng thì càng để lâu quế càng có giá trị, còn có việc cần đến tiền thì quế 8 năm tuổi nếu khai thác trắng cũng đã có vài trăm triệu đồng là bình thường”.
Đi đôi với việc khuyến khích người dân trồng quế, xã Viễn Sơn cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống. Để bảo tồn giống quế, xã quy hoạch diện tích 4 ha những cây quế có đường kính từ 30 cm, cao từ 15 m trở lên và 30 cây trội làm giống, giao cho hai hộ gia đình ông Trần Văn Huỳnh và Nguyễn Văn Bình ở thôn Khe Dứa quản lý, trông coi và bảo vệ diện tích quế này.
Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: "Sau khi được huyện chọn một số cây quế giống để bảo tồn, nhân giống, xã đã khoanh vùng, giao cho các hộ dân trực tiếp trông coi, chăm sóc, bảo vệ để nhân giống phục vụ việc phát triển diện tích quế của địa phương”.
Với những ưu thế vượt trội đem lại, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở Viễn Sơn. Tiếp tục nâng cao vị thế cây quế nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và khai thác, xã tiếp tục vận động nhân dân duy trì, bảo tồn diện tích quế giống để lưu giữ nguồn gen quế, phục vụ nhu cầu phát triển cây giống của địa phương, đầu tư thâm canh mở rộng diện tích quế để ổn định vùng nguyên liệu.
Thanh Tân