Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, mỗi năm người dân được nhận trên 65 tỷ đồng từ phí môi trường rừng, đây là nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Lợi ích kép
Huyện Mù Cang Chải có 80.341 ha rừng, trong đó có 60.090 ha rừng tự nhiên, 19.536 ha rừng trồng nằm trong 3 lưu vực sông Hồng, sông Đà và lưu vực Nậm Tha. Đây là tiềm năng lớn về nguồn thu DVMTR từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn.
Năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái chi trả cho người dân Mù Cang Chải trên 43,7 tỷ đồng, trong đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải 27 tỷ đồng, Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải 15,5 tỷ đồng, Ban Chi trả tiền DVMTR huyện Mù Cang Chải trên 700 triệu đồng. Tiền DVMTR góp phần giúp đời sống của hàng nghìn lượt hộ dân làm nghề rừng được cải thiện đáng kể. Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải được thiên nhiên ưu đãi cho tài nguyên rừng phong phú và toàn xã có trên 17.618 ha rừng chiếm hơn 73% diện tích toàn xã.
Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó, thu nhập chính từ rừng. Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi một phần cuộc sống của người dân, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo. Trung bình mỗi năm xã Chế Tạo được nhận trên 6 tỷ đồng từ phí DVMTR. Từ số tiền này, nhiều hộ dân đã có tiền mua lương thực dự trữ lúc giáp hạt, mua sắm được những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Bà con trong xã rất phấn khởi vì việc giữ rừng đã được hưởng lợi từ rừng.
Ông Giàng A Dờ, bản Háng Tày, xã Chế Tạo cho biết: "Từ khi thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR, đời sống bà con trong bản đã được cải thiện. Bà con đều biết giữ rừng là có nguồn nước cung cấp cho nhà máy thủy điện, có điện nhà máy sẽ nộp phần lợi nhuận cho việc bảo vệ rừng bà con sẽ có tiền trang trải cuộc sống”.
Nói về hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, ông Nguyễn Anh Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải cho biết: "Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải quản lý trên 19.000 ha rừng đặc dụng. Năm 2017, được nhận trên 15 tỷ đồng tiền DVMTR. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Chính sách DVMTR đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các xã và người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tại các khu vực rừng được chi trả tiền DVMTR, người dân đã nhiệt tình hơn trong công tác trồng, chăm sóc rừng và tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng từng bước được hạn chế”.
Cũng như huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Chấn đã thực hiện khá hiệu quả công tác DVMTR. Hiện, toàn huyện Văn Chấn có 70.116 ha đất có rừng, trong đó, có trên 20.534 ha rừng được chi trả DVMTR. Năm 2017, Ban Chi trả tiền DVMTR huyện Văn Chấn đã chi trả 4,058 tỷ đồng cho chủ rừng và người nhận giao khoán bảo vệ.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Văn Chấn đã góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống cho gần 2.500 hộ gia đình. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, các tổ chức cá nhân với sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng”.
Doanh nghiệp cần nộp đủ phí sử dụng tài nguyên
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái, năm 2017, tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR là 174.123 ha, đã chi trả 66,7 tỷ tiền DVMTR thu được của 25 nhà máy thủy điện và 4 công ty cung cấp nước sạch.
Chính sách chi trả DVMTR đã đem lại những tín hiệu tích cực, huy động nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách nhà nước cho quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của môi trường rừng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, đó là, thu nhập của các hộ gia đình từ DVMTR bình quân cả tỉnh chưa đạt 2 triệu đồng/hộ/năm. Đây là con số còn thấp, khó đảm bảo cuộc sống cho người làm nghề rừng.
Bên cạnh đó, việc chi trả tiền DVMTR theo từng lưu vực của mỗi cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng đã tạo sự chênh lệch rất lớn, đơn giá chi trả theo đầu nguồn sông Đà là 800.000 đồng/ha; trong khi đó, đầu nguồn sông Hồng là 218.700 đồng/ha.
Vẫn biết, có rừng mới có nguồn nước, có thủy điện; tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số công ty sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn chậm chưa thực hiện đúng việc nộp tiền và kê khai theo hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR đã quy định về việc thực hiện chi trả tiền DVMTR năm 2017 với số tiền là trên 1,2 tỷ đồng.
Cụ thể như Công ty TNHH Thanh Bình nợ 9,0 triệu đồng; Công ty TNHH Thủy điện Nậm Tục nợ 130,9 triệu đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 3 nợ 557 triệu đồng; Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Đông 4 nợ 251,7 triệu đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Yên Bái còn nợ 237,8 triệu đồng...
Trong số các đơn vị chây ỳ kể trên, chỉ có Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 3 có văn bản xin chậm nộp vào quý 3 năm 2018.
Việc các đơn vị trên nợ tiền, đã làm ảnh hưởng đến chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn, khi họ chậm nộp tiền thì cũng đồng nghĩa với việc quỹ chậm chi trả cho người dân. Quỹ không có nguồn nào để ứng cho người bảo vệ rừng được mà đều phải dựa vào nguồn quỹ các đơn vị phải đóng, do vậy Quỹ vẫn chưa thể chi trả được.
Thiết nghĩ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, có trách nhiệm với xã hội thì cần thực hiện nghiêm túc hơn Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong việc nộp đủ phí sử dụng tài nguyên để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sớm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân. Có như vậy, cuộc sống người dân mới được nâng lên, rừng mới được tái tạo và phát triển bền vững.
Văn Thông