Nhân rộng nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Yên Thái (Văn Yên)

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/6/2018 | 10:44:18 AM

YBĐT - Hai năm trở lại đây, nhiều nông dân xã Yên Thái, huyện Văn Yên đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg kén, hộ nuôi ít cũng cho thu 5 triệu đồng/tháng.

Nhiều hộ dân ở Yên Thái đã vươn lên làm giàu nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Nhiều hộ dân ở Yên Thái đã vươn lên làm giàu nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Gia đình chị Triệu Thị Đức ở thôn Quẽ Ngoài từng là hộ nghèo trong xã. Nhà có khá nhiều đất ruộng nhưng do bố mẹ chồng đã già lại thường xuyên đau ốm, bệnh tật, chồng lại đi làm xa nên việc trồng cấy chỉ dựa vào mình chị.
 
Trồng lúa vất vả, thu nhập thấp nên khi Hội Phụ nữ xã Yên Thái tổ chức lớp tham quan, học tập mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, chị lập tức tham gia. 

Chị Đức chia sẻ: "Xã Tân Đồng ở ngay gần xã tôi nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến nghề trồng dâu nuôi tằm dù nghề này mang lại thu nhập lớn cho nhiều gia đình. Phần lớn là do tư tưởng sợ thay đổi vì bao đời nay đất này là đất lúa. Nhưng sau lần tham quan ấy, tôi quyết định chuyển đổi diện tích trồng lúa của gia đình sang trồng dâu, nuôi tằm. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn về cây, con giống, kỹ thuật, mô hình trồng dâu, nuôi tằm ngày càng phát triển giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.
 
Hành động dám thay đổi của chị Đức đã mang lại kết quả xứng đáng. Đến nay, sau hơn 2 năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, gia đình chị Đức không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Chị Đức đã nâng diện tích trồng dâu lên 7.000 m2, nuôi duy trì 4 vòng tằm/lứa, mỗi tháng nuôi gối 2 lứa, cho thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Cũng như gia đình chị Đức, gia đình chị Hà Thị Viên thôn Đát Trạng cũng mạnh dạn chuyển đổi 5 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, ruộng dâu của chị Viên được nhân rộng lên 2 mẫu, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Trồng dâu, nuôi tằm không phải là nghề mới, bởi đây vốn là nghề giúp bao gia đình ở xã Tân Đồng nói riêng và huyện Trấn Yên nói chung vươn lên làm giàu. Mặc dù, xã Yên Thái nằm giáp ranh với xã Tân Đồng nhưng tư tưởng sợ thay đổi, sợ thất bại khiến người dân Yên Thái không dám thử nghiệm nghề này.
 
Phải đến năm 2016, Hội Phụ nữ xã Yên Thái tổ chức buổi tham quan các mô hình kinh tế ở các địa phương khác, trong đó có mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở xã Tân Đồng và  nhận thấy địa phương mình cũng có nhiều nét tương đồng nên một vài gia đình mới mạnh dạn đưa giống dâu tằm về trồng thử nghiệm. Từ vài hộ, đến nay xã Yên Thái đã có hơn 20 hộ trồng dâu nuôi tằm với 3 ha đất trồng dâu.
 
Đến Yên Thái hiện giờ, có thể thấy, một phần đất lúa kém hiệu quả đã được thay thế bằng màu xanh non của những ruộng dâu đang kỳ trổ lá. Cây dâu hợp đất Yên Thái nên cứ lên xanh tốt, đường kính lá lên đến 30 cm. Cây dâu phát triển, đủ lá là lúc người nuôi tằm sẵn sàng nuôi lứa mới. Với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg kén, hộ nuôi ít cũng cho thu 5 triệu đồng/tháng, hộ nuôi nhiều thu nhập lên đến gần 20 triệu đồng.
 
Đây là nguồn thu nhập không nhỏ cho bao gia đình ở Yên Thái vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hơn nữa, theo các chị em ở Yên Thái, nghề trồng dâu, nuôi tằm còn phù hợp với các chị em phụ nữ vừa trông nom việc nhà vừa chăm sóc con cái.
 
Chị Triệu Thị Đức cho biết thêm, chị có 2 đứa con nhỏ, đứa út chưa đầy 1 tuổi, vẫn còn cần bú mớm. Đều đặn sáng chiều, chị tranh thủ khoảng 2 giờ đồng hồ đi hái lá dâu, cũng đủ cho 1 ngày tằm ăn. Thời kỳ tằm ăn rỗi, chị phải thuê thêm người hái lá nhưng công việc hàng ngày để chăm sóc tằm, một mình chị vẫn có thể xoay sở.

Có thể thấy, thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn hẳn trong khi chi phí sản xuất cho nghề này lại thấp, vốn đầu tư ban đầu không cao, phù hợp với trình độ dân trí. Đây chính là một hướng đi mới, từng bước nâng cao thu nhập của người dân xã Yên Thái.

Hoài Anh 

Các tin khác
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Tài chính, khi xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2019, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải triệt để tiết kiệm, hạn chế mua sắm thiết bị đắt tiền.

YBĐT - Muốn cải thiện PCI cấp tỉnh cần phải cải thiện điểm số các thành phần, đặc biệt là chi phí không chính thức vì đây là chỉ số thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2017.

YBĐT - Sáng 19/6, đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm (2016-2017) thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2018-2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục