Mù Cang Chải: Du lịch - một trụ cột phát triển kinh tế bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2018 | 8:14:23 AM

YBĐT - Mù Cang Chải là địa phương có trục quốc lộ 32 chạy qua, thuận lợi cho việc giao thương, giao lưu văn hóa và kết nối các tour du lịch qua các địa danh nổi tiếng. 

Đèo Khau Phạ được đánh giá là một trong những điểm nhảy dù lượn đẹp nhất thế giới. (Ảnh: Thanh Miền)
Đèo Khau Phạ được đánh giá là một trong những điểm nhảy dù lượn đẹp nhất thế giới. (Ảnh: Thanh Miền)

Mảnh đất Mù Cang Chải còn chứa đựng nhiều bản sắc và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, nhất là của đồng bào Mông để khai thác, phát triển du lịch. Đây đã và đang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. 


Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng”, "Bay trên mùa nước đổ" đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng của huyện vùng cao Mù Cang Chải. Qua nhiều năm tổ chức, Festival đã góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, nét văn hóa độc đáo, thu hút khách mỗi mùa du lịch trên cao nguyên nắng gió Mù Cang. 

Đây cũng là hoạt động thể thao dành cho các du khách ưa mạo hiểm, thích khám phá và qua 5 lần tổ chức đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.
 
Cùng với Festival dù lượn, tháng 5 vừa qua, những người đam mê khám phá Mù Cang Chải đã được thưởng thức Triển lãm nghệ thuật cảnh quan mây pha lê trên Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang – một sự kiện văn hóa đầu tiên được tổ chức tại Mù Cang Chải cũng như ở Việt Nam.
 
Nhờ óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của các kiến trúc sư, Triển lãm được xây dựng tại khu vực đồi mâm xôi thuộc xã La Pán Tẩn, gắn 59 nghìn hạt pha lê khúc xạ ánh sáng tự nhiên lung linh bảy sắc cầu vồng. Sau hơn hai tuần thực hiện, Triển lãm đã thu hút trên 5.000 lượt du khách đến tham quan.
 
Đồng chí Vũ Tiến Đức – Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Những hoạt động này đã góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử của người dân Mù Cang Chải, gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, tiềm năng, thế mạnh và bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện đến với du khách trong và ngoài nước”.

Xác định phát triển du lịch là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2016 – 2020. Thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư cho phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; quy mô tổ chức các hoạt động du lịch ngày càng được mở rộng; tăng cường các quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên Mù Cang Chải đến với du khách trong và ngoài nước qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

Đồng thời, có cơ chế thông thoáng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phát triển tiềm năng du lịch của huyện.
 
Qua đó, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch trên địa bàn như: Công ty Nghệ thuật tân Hà Nội với Dự án không gian văn hóa - bản sắc đồi thông tại khu vực tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải; Công ty Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt với 2 dự án: xây dựng khu nghỉ dưỡng Resort Mù Cang Chải tại xã Chế Cu Nha và hang động Pú Cang, xã Nậm Khắt; Công ty cổ phần Đầu tư thương mại MCC với Dự án tổ hợp kinh tế miền núi tỉnh Yên Bái tại xã Nậm Khắt.
 
Cùng với đó, huyện tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và Di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.
 
Đến nay, đã xây dựng mới thêm 41 nhà văn hóa bản, tổ dân phố với tổng số kinh phí đầu tư trên 1,2 tỷ đồng. Tích cực khảo sát, phát triển các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng, nhất là nông sản, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương; khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. 

Huyện cũng đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển dịch vụ, du lịch để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương như: mật ong, rượu thóc La Pán Tẩn, sơn tra...
 
Số lượng cơ sở kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh nhà nghỉ, ăn uống, nhất là nhà nghỉ cộng đồng tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng phục vụ phát triển du lịch. Toàn huyện có trên 120 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng, trong đó có 37 nhà nghỉ cộng đồng; bảo đảm lưu trú cho trên 1.000 người mỗi đêm, tăng gấp 1,4 lần so với 2015.
 
Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức cho biết thêm: "Phát triển du lịch sẽ là một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế của địa phương và toàn dân cùng tham gia vào phát triển du lịch. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng gắn với xu thế phát triển du lịch hiện nay”.

Để thực hiện được mục tiêu này, Mù Cang Chải tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên biệt, bền vững, tạo sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc; có chính sách thu hút, hỗ trợ và phát triển du lịch tại các vùng có nhiều lợi thế và phát triển các sản phẩm đặc thù liên quan đến du lịch; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là việc tuyên truyền, thu hút người dân làm du lịch.
 
Cùng với đó, phối hợp với huyện Văn Chấn bổ sung và mở rộng diện tích ruộng bậc thang từ Nậm Búng, Tú Lệ đến Nậm Khắt, Nậm Có; xây dựng các công trình thủy lợi để bảo đảm sản xuất và hướng tới xây dựng thêm một mùa du lịch nữa trong năm.

Hà Anh

Các tin khác

YBĐT - Dự án Chỉnh trị tổng thể khu vực Ngòi Thia do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái làm chủ đầu tư được triển khai từ tháng 3 năm 2018. Giai đoạn I của Dự án được chia làm 8 gói thầu xây dựng với tổng giá trị xây lắp trên 120 tỷ đồng.

Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 có tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỷ đồng chuẩn bị được khởi công xây dựng tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 23/6 tới đây. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và châu Á.

Ảnh minh họa.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) vừa cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng tại 27/79 trạm thu giá trên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Kỳ họp Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu giai đoạn 2018 - 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục