Báo Đáp:Dồn điền đổi thửa để tăng giá trị nông sản

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/6/2018 | 6:37:30 AM

YBĐT - Theo đánh giá của xã, cánh đồng Đồng Trạng có diện tích đất tập trung, thuận lợi về giao thông, thủy lợi phục vụ canh tác; cùng loại đất lúa, cùng hạng đất với cơ bản là hạng 2 đến hạng 3 thuận lợi cho việc thỏa thuận đổi đất canh tác.

Khu vực cánh đồng Đồng Trạng được UBND xã Báo Đáp chọn thực hiện mô hình điểm về dồn điền đổi thửa.
Khu vực cánh đồng Đồng Trạng được UBND xã Báo Đáp chọn thực hiện mô hình điểm về dồn điền đổi thửa.

Cánh đồng Đồng Trạng nằm trên địa bàn 4 thôn: Đồng Trạng, Ngòi Hóp, Đồng Sâm, Đồng Gianh; chiều dài bình quân 700 m, chiều rộng bình quân 450 m, tổng diện tích 24,62 ha đất nông nghiệp, trong đó: 24,4 ha đất lúa và 0,22 ha đất cây hàng năm. Hiện, trong số 24,62 ha của cánh đồng thì 0,8 ha/26 thửa/26 hộ nhận khoán thuộc quỹ đất công ích của xã (đất 5%); 23,82 ha đất do hộ gia đình, cá nhân quản lý. Tổng số thửa đất nông nghiệp tại cánh đồng là 798 thửa. 

Diện tích đất tập trung cơ bản của các hộ thuộc thôn Đồng Trạng, Ngòi Hóp. Trong số 302 hộ ở 10 thôn có sử dụng đất ở cánh đồng Đồng Trạng thì có 250 hộ ở thôn Đồng Trạng và thôn Ngòi Hóp đang sử dụng 21 ha. Điều này thuận lợi cho các hộ trong cùng một thôn thỏa thuận dồn điền đổi thửa, bố trí đất canh tác của mỗi hộ gia đình gọn về một điểm. 

Nhiều hộ sử dụng đất ở đây là cán bộ, đảng viên và có đồng chí là lãnh đạo địa phương nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hầu hết người dân canh tác trên cánh đồng Đồng Trạng đều tích cực, chịu khó, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nhanh nhạy trong quá trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mang lại hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác. Bởi những thuận lợi này, UBND xã đã chọn cánh đồng Đồng Trạng làm mô hình điểm về dồn điền đổi thửa tại xã. 

Theo ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp,  việc dồn điền đổi thửa tại đây cũng có những khó khăn như: địa hình cánh đồng không bằng phẳng; nhiều thửa đất manh mún, nhỏ lẻ; các thửa đất các hộ gia đình đang sử dụng hầu hết có vị trí nằm phân tán nên việc thỏa thuận đổi đất của một số gia đình sẽ liên quan đến nhiều hộ khác. Hơn nữa, đây cũng là việc làm mới nên bà con nhân dân còn nhiều bỡ ngỡ. 

Trên cơ sở những yếu tố thực tế đó, ông Nguyễn Quang Trung cho biết: "Cấp ủy, chính quyền xã thống nhất chủ trương lãnh đạo dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch cánh đồng thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, trước mắt triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm nhằm nâng cao kiến thức, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang canh tác tập trung, hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho người dân, tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới bằng nhiều biện pháp, xã đẩy mạnh tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ chủ trương chuyển đổi cây trồng và thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trong nông thôn, hướng tới một nền sản xuất quy mô tập trung, hàng hóa và thực hiện việc liên kết sản xuất tạo ra những giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp". 

Quan điểm của xã là công khai dân chủ trong thực hiện dồn điền, đổi thửa, tự thỏa thuận, trong đó chú ý định hướng để nhân dân bàn, thống nhất một số nội dung như: đưa 0,8 ha đất 5% về một khu vực tập trung nhằm tạo thuận lợi cho việc đấu thầu đất tập trung và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội đồng, kênh tưới tiêu, bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; thiết kế, bố trí làm đường giao thông nội đồng; giữ ổn định khu vực sử dụng đất theo địa bàn các thôn có diện tích tập trung; khuyến khích cha, con, anh, chị em ruột, anh em thân thích hoặc nhóm hộ gia đình hoán đổi vị trí ruộng đất giữa các hộ với nhau, đưa diện tích từ các thửa nhỏ lẻ phân tán quy tụ về một khu liền kề tập trung để mỗi hộ có tối đa không quá 3 thửa đất; vận động các hộ ở các thôn xa, số thửa đất và diện tích nhỏ lẻ, không có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm thì chuyển nhượng hoặc cho các hộ khác thuê đất canh tác. 

Trong quá trình thực hiện, tùy điều kiện đất đai, có thể dùng hệ số quy đổi giữa các nhóm đất hoặc vùng đất theo quy hoạch để tính diện tích giao cho hộ nhằm bảo đảm sự công bằng. Sau khi dồn điền, đổi thửa phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân và thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật. 


UBND xã Báo Đáp đã thành lập Ban Chỉ đạo của xã, thành lập 3 tiểu ban thực hiện của 3 thôn: Đồng Trạng, Ngòi Hóp, Đồng Sâm; chỉ đạo họp chi bộ, ban công tác Mặt trận các thôn này; xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị gia đình sử dụng đất ngay trong tháng 6 này để triển khai công tác dồn điền đổi thửa. UBND xã cũng sẽ phân công cán bộ, công chức mỗi người phụ trách từ 20 hộ để hướng dẫn kê khai ruộng đất, thỏa thuận đổi đất, cắm mốc thửa đất khi dồn đổi, đồng thời chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng nắm tình hình, thống nhất biện pháp giải quyết các vướng mắc. 

Kế hoạch của xã là xây dựng phương án dồn điền đổi thửa xong vào cuối tháng 8 tới. Sau khi phương án dồn điền đổi thửa được UBND huyện phê duyệt, Ban Chỉ đạo xã, tiểu ban thực hiện ở các thôn sẽ tổ chức thực hiện việc giao đất, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thiện đường nội đồng, mương tưới tiêu, tiến tới tổ chức sản xuất. Theo kế hoạch, việc tổ chức đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa phấn đấu xong trong năm 2018. 

Hạnh Quyên

Các tin khác
Cây bưởi đặc sản mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình.

YBĐT - Sáng nay 26/6, UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Hội thảo cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Nhân dịp này, Báo Yên Bái xin giới thiệu một số kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua.

Cải thiện môi trường kinh doanh thực hiện quá chậm so với yêu cầu.

Tính đến tháng 6, Bộ Công Thương thực sự bãi bỏ 600 điều kiện kinh doanh trong khi yêu cầu cần bãi bỏ trên 2.000 điều kiện kinh doanh.

Nông dân xã Cao Phạ tập trung gieo cấy vụ mùa.

YBĐT - Những ngày này, nông dân huyện Mù Cang Chải đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa 2018. Tại các địa phương, công tác tuyên truyền không còn phải vất vả tuyên truyền như trước đây. Lịch thời vụ, cơ cấu giống được người dân nắm rõ, chủ động trong từng khâu sản xuất...

Cầu treo Nậm Đông bị hư hỏng do bão lũ gây ra vào tháng 10 năm 2016, được sửa chữa vào tháng 7/2017 song đã bị đứt cáp, sập vào 0 giờ 5 phút ngày 22/6 vừa qua.

YBĐT - Vào hồi 0 giờ 5 phút ngày 23/6, cầu treo Nậm Đông thuộc địa phận xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) nằm trên tuyến đường từ xã Nghĩa An đi xã Túc Đán (huyện Trạm Tấu) đã bị đứt cáp, rơi xuống lòng suối gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục